Nóng 24h qua: Tài xế công nghệ bất ngờ đánh nữ hành khách vì… không huỷ chuyến
Tài xế công nghệ bất ngờ hành hung nữ hành khách vì… không huỷ chuyến; Hà Nội không mất 1 đồng bù giá cho nước sạch sông Đuống… là những tin nóng 24h qua.
Tài xế công nghệ bất ngờ hành hung nữ hành khách vì… không huỷ chuyến
Ngày 16/11, trên mạng xã hội lan truyền thông tin, một tài xế BeCar hành hung một phụ nữ đưa con đi khám ở bệnh viện ở quận Tân Bình, TP.HCM vì doạ phản ánh lên công ty.
Hình ảnh tài xế BeCar hành hung nữ hành khách vì không chịu hủy chuyến.
Về thông tin trên, đại diện truyền thông BeGroup cho biết, đã nhận được phản ánh về việc một tài xế BeCar tên N.X.T có xô xát với khách hàng là chị P. trước một bệnh viện trên đường Hoàng Văn Thụ ngày 11/11. Tuy nhiên, hãng cho biết chị P. không phải mẹ, mà là dì của cháu nhỏ, cùng bà đưa đi khám bệnh.
“Cụ thể vào ngày 11/11, chị P. có đặt ứng dụng gọi xe BeCar để di chuyển. Chị P. đứng khác cổng đón, tài xế đã yêu cầu khách hàng hủy chuyến, tuy nhiên chị P. không đồng ý và hai bên có xảy ra tranh luận qua điện thoại. Tài xế sau đó đã chạy đến vị trí chị P. đứng và xảy ra xô xát không đáng có. Tài xế T. ngay sau đó đã bỏ đi với sự can thiệp của các bảo vệ bệnh viện. Rất may, cháu bé và người bà đi cùng không bị sao, chị P. bị xây xát ngoài da”, BeGroup thông tin.
BeGroup cho biết đã liên hệ với hai bên để xác minh sự việc. Sau khi xác thực và định danh đúng tài xế vi phạm, hãng đã khóa vĩnh viễn tài khoản của tài xế N.X.T. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ chị P. và gia đình.
“Qua đây, BeGroup chân thành xin lỗi khách hàng và cộng đồng về hành động của tài xế BeCar này. Đây là hành động không thể chấp nhận trong cộng đồng tài xế Be nói riêng và toàn thể cộng đồng tài xế trong ngành vận tải Việt Nam nói chung”, BeGroup thông tin.
Hà Nội không mất 1 đồng bù giá cho nước sạch sông Đuống
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm của các đại biểu HĐND TP. Hà Nội, chiều 15/11, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trả lời các kiến nghị của các cử tri.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Cụ thể, liên quan đến sự cố của nhà máy nước sạch Sông Đà, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, kết quả điều tra của Công an Hòa Bình cho thấy không ai thuê mướn các đối tượng đổ dầu thải xuống suối để gây ô nhiễm nguồn nước sản xuất của nhà máy này.
Bên lề cuộc tiếp xúc cử tri, trao đổi thêm với PV về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định: "Thành phố chưa mất một đồng nào bù giá cho nước sạch sông Đuống cả. Và chắc chắn là không bao giờ bù giá cho họ".
Theo ông Chung, về nguyên tắc, không chỉ nhà máy nước mặt sông Đuống, mà kể cả nhà máy nước mặt sông Hồng, “khi người ta lập dự án” thì nhà nước cũng đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ nước. Trước khi ký hợp đồng, Sở Tài chính cùng các ban ngành liên quan xây dựng báo cáo để thành phố xin ý kiến của Bộ Tài chính.
“Tôi khẳng định là không có ai có lợi ích nhóm ở đây cả, mà thành phố làm mọi cách, tạo mọi điều kiện để cho các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này để giải quyết nhu cầu cấp bách về nước cho người dân trong những năm vừa qua”, ông Chung nói.
Hai cơn bão liên tiếp có thể vào Biển Đông
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay, đang có một cơn bão (có tên quốc tế Kalmaegi) hoạt động ở phía Đông đảo Lu-dông (Philippines). Khoảng ngày 18/11 cơn bão này sẽ đi vào khu vực phía Bắc Biển Đông. Tuy nhiên, khi vào khu vực này, cơn bão sẽ suy yếu thành một vùng áp thấp.
Biển Đông chuẩn bị hứng 2 cơn bão liên tiếp từ ngoài khơi Thái Bình Dương vào. Ảnh minh họa: NLĐ.
Đến khoảng ngày 20-21/11, trên vùng biển phía Đông của Philippin tiếp tục khả năng hình thành một cơn bão khác. Cơn bão này sẽ di chuyển vào Biển Đông trong những ngày cuối tuần sau. Người dân cần lưu ý những bản tin tiếp theo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia để biết diễn biến của bão.
Ngoài ra, từ ngày 18/11, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở Vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, sóng biển cao 2-3m, biển động mạnh.
Đơn vị quản lý lên tiếng việc nhân viên tuyến Cát Linh-Hà Đông bỏ việc
Liên quan đến thông tin về dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) có khoảng 28% trong tổng số gần 1.000 nhân viên được đào tạo để vận hành đã bỏ việc, ngày 16/11, đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, đây là con số được tính lũy kế từ năm 2015.
Theo đơn vị tiếp nhận khai thác vận hành, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện đảm bảo đủ nhân sự phục vụ khai thác vận hành
“Sau khi được tuyển dụng, đào tạo theo chương trình của dự án, từ năm 2015 đến nay, do trong quá trình chờ dự án đưa vào khai thác, vận hành, có những trường hợp nhân viên đã xin nghỉ việc để tìm công việc khác. Tính lũy kế có khoảng 28% nhân viên xin nghỉ, hầu hết là vị trí lao động phổ thông và đều đã được tuyển dụng, đào tạo bổ sung. Hiện tại, bộ phận nhân sự kỹ thuật đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng khai thác, vận hành dự án”, đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị tiếp nhận khai thác dự án) nói và cho biết, không có trường hợp lái tàu nào xin nghỉ việc.
Theo thiết kế, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được bố trí 681 nhân sự tham gia khai thác, vận hành tuyến đường, chia làm 21 trung tâm, bộ phận, chưa bao gồm nhân viên bảo vệ, vệ sinh tại các ga. Trong đó, 50 nhân viên quản lý thuộc các phòng chức năng như: quản lý lái tàu; quản lý nhà ga; sửa chữa công trình; vật tư; thiết bị nhà ga; điện lực; thông tin tín hiệu; đường ray; đầu máy toa xe...
Đánh bại UAE, ĐT Việt Nam nhận “mưa” tiền thưởng; Nữ đại úy Lê Thị Hiền bị kỷ luật Đảng và sẽ cho ra khỏi...
Nguồn: [Link nguồn]