“Nói ‘vỡ đê có kế hoạch’ có thể là trong câu chuyện bàn trà”

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định “vỡ đê có kế hoạch” không phải là từ ngữ chuyên môn.

“Nói ‘vỡ đê có kế hoạch’ có thể là trong câu chuyện bàn trà” - 1

Đoạn đê gặp sự cố ngày 11/10 ở Nam Phương Tiến, Chương Mỹ

Chiều 17/10, tại buổi giao ban thông tin báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Trần Thanh Nhã, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã báo cáo về tình hình sụt lún đê sông Bùi 2, Chương Mỹ, Hà Nội.

Ông Nhã khẳng định, sự cố đê ngày 11/10 trên địa bàn xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) là “xói mòn mái đê và lún sụt”. Ngay khi xảy ra sự cố, đoạn đê đã được khắc phục xử lý, đến ngày 16/10, đoạn đê này đã được hàn khẩu xong.

“Nói ‘vỡ đê có kế hoạch’ có thể là trong câu chuyện bàn trà” - 2

Sáng 12/10, nước lũ dâng cao nhanh khiến nhà dân ở 3 xã Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến bị ngập sâu trong biển nước. Ảnh Hoàng Tuấn

Nhiều phóng viên đặt câu hỏi về phát ngôn “đê vỡ có kế hoạch” của ông Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng đê điều và phòng chống lụt bão TP Hà Nội mới đây, khiến dư luận băn khoăn.

Phó giám đốc Sở NN&PTNN cho hay, từ khi xuất hiện tình trạng ngập lụt tại một số địa phương của TP, lãnh đạo Sở được phân công liên tục xuống các địa bàn nên chưa gặp được nhau.

“Tôi chưa gặp anh Thịnh để hỏi cụ thể, theo tôi được nghe kể lại thì câu “vỡ đê có kế hoạch” là câu chuyện trong một ngữ cảnh nào đó. Cũng có thể là câu chuyện bàn trà. Từ này không phải là từ ngữ chuyên môn. Trong quy hoạch, lũ vượt quá thiết kế đê thì buộc phải tràn”, ông Nhã nói.

Trước thông tin, Chi cục trưởng đê điều và phòng chống lụt bão TP Hà Nội đang bị xem xét kiểm điểm vì phát ngôn “vỡ đê có kế hoạch”, ông Nhã cho hay, chưa nắm rõ về việc này.

“Nói ‘vỡ đê có kế hoạch’ có thể là trong câu chuyện bàn trà” - 3

Ông Trần Thanh Nhã, PGD Sở NN&PT NN Hà Nội phát biểu trong buổi Giao ban thông tin báo chí 17/10

Theo ông Nhã, đê Bùi 2 là đê bao bảo vệ nhân dân 3 xã của huyện Chương Mỹ. Đây là vùng phân chậm lũ cho sông Hồng trong trường hợp khẩn cấp đã được Chính phủ quy định. Với thiết kế hiện tại, khi đến báo động 2, nước sẽ tự tràn qua thân đê.

“Khi mực nước đến báo động 1 và 2, chúng tôi đã báo cho nhân dân biết những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Nhân dân đã sơ tán kịp thời, nước chỉ gây thiệt hại cho nông sản và nhà cửa”, ông Nhã nói.

Nhiều người dân ở khu vực đê Bùi 2 phản ánh không nhận được thông báo khi mực nước lên báo động 1 và 2, ông Nhã khẳng định, các thông báo đã được phát đi. Tuy nhiên, có thể trong tình hình mưa lụt, một số hộ dân không nhận được thông báo.

“Nói ‘vỡ đê có kế hoạch’ có thể là trong câu chuyện bàn trà” - 4

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đê điều Hà Nội cho rằng mình không sai khi phát ngôn "vỡ đê có kế hoạch"

Sáng 12/10, lần đầu tiên trong 10 năm qua nước tràn đê Hữu Bùi do mưa lớn và lũ từ thượng nguồn đổ về. Sự cố này đã khiến 3 xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ và một số nơi tại Chương Mỹ ngập nặng.

Chiều 13/10, tại buổi thông tin về công tác ứng phó với đợt mưa lũ ngày 10-12/10, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho hay việc nước tràn vào vùng chứa lũ "được thực hiện chủ động, đúng quy trình để đảm bảo an toàn cho đê Tả Bùi".

"Dân nhìn vào nói vỡ, chúng ta có thể nói là có vỡ, nhưng vỡ có kế hoạch, vỡ nằm ở trong khu thoát lũ chứ không phải bất ngờ", ông Thịnh nói.

Ngày 14/10, trả lời báo chí, ông Đỗ Đức Thịnh vẫn khẳng định phát ngôn này là “không sai”.

Vỡ đê ở Chương Mỹ - Hà Nội là “vỡ có kế hoạch”

Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, vỡ đê ở Chương Mỹ là vỡ có kế hoạch, vỡ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định (Dân Việt)
Lũ lụt ở miền Bắc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN