"Nói Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông từ 2.000 năm chỉ là luận điệu lạc lõng"
Các nước với lịch sử hàng hải lâu đời, có hạm tàu thường xuyên qua lại Biển Đông nhiều thế kỷ qua, bằng những tấm bản đồ hàng hải của mình, đã khẳng định biên giới cực nam của Trung Quốc chính là bờ biển phía nam đảo Hải Nam.
Thưa ông, mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trên Twitter có phản ánh quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông, nói rằng Trung Quốc có các hoạt động trên Biển Đông từ 2.000 năm trước. Như vậy họ lại dùng chính điều rất thiếu chứng cứ hay nói cách khác, đây là luận điệu không có căn cứ gì chứng minh, thưa ông?
- Rõ ràng lâu nay chúng ta có rất nhiều bằng chứng, những tài liệu bản đồ do rất nhiều người sưu tầm để khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Có anh Trần Thắng (đang định cư ở Mỹ), đã sưu tầm được khoảng 180 bản đồ, trong đó có cả tài liệu bản đồ thời kỳ Mãn Thanh (Trung Quốc) xuất bản, có bản đồ thời Trung Hoa dân quốc (thời ông Tôn Trung Sơn) xuất bản, các bản đồ này đều thể hiện biên giới cực nam của Trung Quốc dừng ở đảo Hải Nam.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (ảnh tư liệu).
Đấy là những tài liệu bản đồ do chính quyền chính thống của Trung Quốc thời kỳ đó xuất bản. Điều này cho thấy không có chuyện 2.000 năm trước Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông.
Ngoài các tài liệu bản đồ mà anh Trần Thắng sưu tầm được, còn có nhiều bản đồ do các nước (trước đây hoạt động mạnh về hàng hải) lưu giữ và công bố cho thấy, biên giới cực nam của Trung Quốc chính là bờ biển phía nam của đảo Hải Nam.
Việc phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trên Twitter phản ánh quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông, nói rằng Trung Quốc có các hoạt động trên Biển Đông từ 2.000 năm trước, nhưng thực tế họ lại không chứng minh được. Cách đặt vấn đề như vậy là rất mơ hồ, chỉ là luận điệu lạc lõng, thế giới không ai công nhận điều này, kể cả người Trung Quốc cũng biết rất rõ không có chuyện họ hoạt động ở Biển Đông hơn 2.000 năm trước.
Trong khi đó, Việt Nam và thế giới, trong đó có các nước có lịch sử hàng hải lâu đời, có hạm tàu thường xuyên qua lại Biển Đông nhiều thế kỷ qua, bằng những tấm bản đồ hàng hải của mình, đã khẳng định biên giới cực nam của Trung Quốc chính là bờ biển phía nam của đảo Hải Nam. Điều lý thú là chính bản đồ chính thức của Triều đình Mãn Thanh và thời kỳ đầu của Trung Hoa Dân Quốc cũng xác định như vậy.
Các công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập. Ảnh: People's Daily.
Một người là phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại dùng luận điệu như vậy càng gây mất uy tín cho chính quyền của họ, thưa ông?
- Điều mà bà Hoa Xuân Oánh cho rằng Trung Quốc đã hoạt động ở Biển Đông 2.000 năm trước chỉ là luận điệu, nó không có ý nghĩa gì, điều đáng nói việc này lại xuất phát từ người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì càng khiến Trung Quốc mất uy tín.
Khi một người đại diện cho Chính phủ nêu vấn đề thì phải chính xác, nêu vấn đề mà không có căn cứ, không có bằng chứng xác đáng thì đó là kiểu nói lấy được, nó sẽ vô giá trị.
Ông nhìn nhận thế nào về việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động trên khu vực Biển Đông thời gian qua với nhiều hành vi bất hợp pháp, bị dư luận quốc tế lên án?
- Như đã nói ở trên, qua các tài liệu, bằng chứng đều chứng minh trước đây Trung Quốc không hề có mặt tại khu vực Biển Đông. Vào năm 1974, lợi dụng tình hình cuộc kháng chiến của Việt Nam sắp kết thúc họ đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Đến năm 1988, Trung Quốc tiếp tục gây sự kiện Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), sát hại các chiến sĩ công binh của Việt Nam để chiếm đảo.
Những năm gần đây, Trung Quốc ráo riết chiếm các đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tập trung bồi đắp, tôn tạo thành các thực thể mới trên biển và biến đó thành lãnh thổ, căn cứ quân sự bất hợp pháp của Trung Quốc. Sự việc này đã diễn ra ngang nhiên trước dư luận thế giới, đã bị nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế và Diễn đàn quốc tế- khu vực phê phán, đặc biệt Toà trọng tài quốc tế về biển đã phải ra phán quyết bác bỏ điều đó.
Xin cảm ơn ông (!)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 16-7 đã phản ứng về các ý kiến trên Twitter của người phát ngôn Bộ Ngoại...
Nguồn: [Link nguồn]