Nối tiếp Hành trình Thiện Nhân

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Hà Nội những ngày này oi bức, nóng rịn mồ hôi. Khoa ngoại A3 (Bệnh viện Nhi trung ương) đông khác thường với những ông bố, bà mẹ vai mang balô, tay cầm túi xách, tay bế con nhớn nhác tới từ sân bay, ga tàu hỏa, bến xe.

Họ đi hàng ngàn cây số đến đây tham gia chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may”, tìm cho con cơ hội để trưởng thành.

Đây đã là đợt khám, phẫu thuật thứ hai của Hành trình Thiện Nhân ở Việt Nam. Mẹ bé Đoàn Hải Phong đến từ Hải Phòng vui mừng bảo tình trạng lỗ tiểu thấp của con chị đã cải thiện được hơn 50% sau lần mổ đầu tiên: “Hi vọng sau lần này cháu sẽ hoàn toàn bình thường trước khi đi học”.

Khác với bé Phong vẫn vô tư đùa nghịch cùng quả bóng, Mai Đăng Khoa (23 tuổi, TP.HCM), bệnh nhân lớn tuổi nhất được nhận điều trị, nghiêm túc và chu đáo trả lời từng người hỏi thăm: “Bác sĩ Roberto mổ cho em lần đầu hồi đợt 1 (tháng 11/2011 - NV), nhưng đã là lần thứ năm em mổ rồi. Kết quả lần này chỉ có thể nói là: quá mừng, quá mừng. Nếu được mổ thêm lần này nữa, chắc em sẽ còn mừng hơn”.

Nối tiếp Hành trình Thiện Nhân - 1

Bác sĩ Roberto trao đổi với người nhà bệnh nhân trước khi vào phòng mổ, xung quanh là các tình nguyện viên của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á

Ngồi bên cạnh hóng nghe chuyện của người lớn, cặp mắt bé Hải Triều đến từ TP.HCM sáng bừng lên. Đã học lớp 2, Hải Triều biết rõ khác biệt của mình, thì thầm kể: “Con không dám vào nhà vệ sinh cùng với bạn. Mỗi lần thay đồ trong lớp, con chui vào gầm bàn của cô giáo”.

Nhiều hi vọng...

Những câu chuyện vốn vẫn được giấu kín trong tận cùng nỗi đau của các ông bố, bà mẹ đến đây bỗng có dịp được bày tỏ, chia sẻ và hình như bớt đau hơn. Hơn 80 gia đình mau chóng trở thành “người trong nhà” trước cả khi ông bố đỡ đầu Greig Craft của bé Thiện Nhân chu đáo mở lời: “Từ hôm nay, chúng ta đã là một gia đình, hãy cùng nhau chia sẻ để cùng có một hi vọng cho các con. Trước hết là những người ở gần đây hãy giúp những người ở xa, mỗi nỗ lực sẽ khiến hành trình của chúng ta ngắn lại”.

Ngồi phía dưới, nhiều bà mẹ chấm nước mắt. Bà mẹ chất phác của Tuấn (TP.HCM) kể đã đi vay mượn tất cả các nhà trong dòng họ, mỗi nhà 1 triệu đồng để có được gần 10 triệu đồng trong buổi sáng nhận lời mời khám bệnh của chương trình: “Mua vé tàu không kịp, hai mẹ con đành đi máy bay, thế là hết hơn 3 triệu đồng. Đến bệnh viện, tìm được phòng trọ giá 100.000 đồng/ngày, mừng quá. Ngủ một đêm, sáng đến giờ khám thì tui trả phòng rồi, biết đâu bác sĩ sẽ cho nhập viện ngay. Đêm tui mơ thấy con được sinh hoạt bình thường, mừng không tả nổi, thế mà sáng dậy lại vẫn còn y nguyên...”. Ngồi cạnh nghe mẹ nói, Tuấn quay đi, giấu gương mặt vào cánh tay.

Tuấn bị thoát vị cột sống bẩm sinh, năm lần bảy lượt mổ chỉ phục hồi được đôi chân để đi cà quẹt, cà quẹt. 19 tuổi, 19 năm Tuấn không tự chủ được tiểu tiện. Không cần kể tiếp, ai cũng hiểu nỗi vất vả của người mẹ, nỗi khổ tâm của chàng trai. Hai mẹ con bé Trần Thảo Nhi ở tận Bình Dương cũng kịp đến nơi, mang cả balô vào phòng đợi.

Vuốt má con gái, mẹ của Nhi nghèn nghẹn: “Con bé mới học lớp 4 mà bệnh tật đã làm nó buồn bã, chán nản. Đang chơi với bạn mà phải chạy về thay đồ, bị trêu chọc con gái nói một câu chán đời làm mẹ chảy nước mắt...”.

Câu chuyện giữa những thành viên mới của “gia đình Thiện Nhân” cứ xôn xao, khắc khoải như thế, như bù vào bao ngày trăn trở, bao đêm khóc thầm. Những niềm riêng không còn phải đợi lâu.

Và một tấm lòng

Có rất nhiều bóng áo đỏ tình nguyện viên là sinh viên Trường đại học Anh Quốc Việt Nam tận tình xếp lịch và nhận cả việc trông trẻ, dỗ cháu, bày những chiêu trò để giữ chân các bệnh nhi hiếu động. Mỗi lần cửa phòng khám niệu động học bật mở, một ông bố bế con ra, một bà mẹ ôm con vào, mọi người lại ngóng lên hỏi han.

Có người đã đổi được vẻ lo lắng bằng nụ cười rạng rỡ như anh Ngô Bảo Lương ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sau khi bác sĩ khẳng định con anh sẽ phát triển hoàn toàn bình thường sau hai năm nữa, không cần can thiệp y tế. Có người phải nhỏ thêm vài giọt nước mắt như mẹ con bé Trần Thảo Nhi khi bác sĩ bảo phải xếp thêm một cuộc hẹn để khám sâu gây mê trước khi quyết định phác đồ điều trị.

Nhưng trên hết là vẻ yên tâm, tin tưởng, quyết tâm đi đến cùng hành trình “trả cho con người cuộc sống của mình” in đậm vào nét mặt các bậc cha mẹ, hằn sâu vào bàn tay ôm con khi bước ra cửa. Có vào trong phòng khám mới thấu rõ sự yên tâm ấy đã được hình thành thế nào, khi trước mặt là bác sĩ Roberto De Castro - bác sĩ tiết niệu hàng đầu thế giới. Ông mỉm cười đưa tay ra đón từng cháu bé, kiên nhẫn, nhẹ nhàng thăm khám tỉ mỉ.

Những cuộc thảo luận sôi nổi để tìm hướng điều trị giữa bác sĩ Roberto và các bác sĩ Việt Nam của Viện Nhi có khi kéo dài tới 30 phút. Đa số ông bố bà mẹ không hiểu tiếng Anh, nhất là tiếng Anh đầy những thuật ngữ y học, nhưng họ biết bác sĩ đang nói về trường hợp của con mình, đang dành thời gian cho con mình.

Bên cạnh, Mai Anh, Na Hương, Nguyệt Ánh thay nhau dịch từng ý kiến của bác sĩ, phân tích, giải thích cặn kẽ từng từ, trả lời từng câu hỏi cho đến khi không còn câu hỏi nào nữa. Ra ngoài ai cũng kể bác sĩ Roberto nói thế này, bác sĩ Ánh, bác sĩ Hương dặn thế kia, không ai nghĩ Na Hương, Ngọc Ánh chính là nhân viên của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á và Mai Anh “chỉ là một người mẹ” như chị thường tự giới thiệu.

“Hôm nay cả hội đã thành “tiến sĩ chim cò” cả rồi, không chỉ riêng mình nữa” - Mai Anh cười bảo. Đó là kết quả của mấy tháng trời tất cả mọi người của quỹ cùng miệt mài nghiên cứu, dịch bệnh án, thư từ, trao đổi giữa bác sĩ và bệnh nhân. Cả ông Greig Craft suốt mấy ngày khám bệnh cũng không còn xuất hiện với tư cách chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á hay cha đỡ đầu của Thiện Nhân nữa, ông cũng xỏ găng tay, bồng bế bệnh nhi, soi đèn cho bác sĩ Roberto khám bệnh, thảo luận về lộ trình, phác đồ điều trị của từng ca và luôn khẳng định: “Khó khăn đến mấy chúng tôi cũng sẽ nỗ lực để cùng các em đi đến hết đoạn đường này”.

Không có lương, ngược lại phải bỏ tiền túi. Không có thời gian, phải rút bớt giờ dành cho gia đình. Chỉ có phần thưởng là hi vọng mai này sẽ trả lại cho xã hội được những thanh niên khỏe mạnh và vui vẻ, bao nhiêu con người chung một tấm lòng tình nguyện như vậy cũng chưa chắc đã vượt qua được những khó khăn, nhất là những khó khăn tài chính đang chất chồng lên các thành viên ban tổ chức chương trình. Nhưng “cứ đi rồi sẽ tới” - Mai Anh và Greig bảo vậy, như những ngày đầu tiên cả hai cùng bé Thiện Nhân bắt đầu hành trình tìm về chính mình vòng quanh thế giới.

Buổi khám bệnh từ sáng cứ thế kéo dài đến tận 14h30, buổi khám chiều bắt đầu lúc 15h và kết thúc lúc 20h. Nhưng các bác sĩ vẫn cười vui, các tình nguyện viên vẫn tận tình.

Hành trình của những người tình nguyện vẫn đang tiếp tục...

Thêm 26 bé được tái tạo bộ phận sinh dục

Tại buổi họp báo ngày 12/6 về Hành trình Thiện Nhân lần 2 ở Việt Nam, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á cho hay sau buổi khám đầu tiên đã có 26 bé được lựa chọn để phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục trong hai tuần tới tại Bệnh viện Nhi trung ương. Đây là 26 em bé bị khuyết tật bộ phận sinh dục do bẩm sinh hoặc tai nạn, bác sĩ người Ý Roberto De Castro và nữ bác sĩ người Mỹ gốc Việt Tuệ Đinh sẽ tiếp tục thực hiện chính các ca mổ.

Nối tiếp Hành trình Thiện Nhân - 2

Chỉ mơ con được làm người bình thường

Theo bà Trần Mai Anh - mẹ nuôi “chú lính chì” Thiện Nhân và là một trong hai người khởi xướng chương trình, dịp này các bác sĩ sẽ khám cho 80 bệnh nhân mới, khám lại cho 17 bé đã được phẫu thuật thành công, phẫu thuật cho 26 bé, trong đó có năm bé được tái tạo hoàn toàn bộ phận sinh dục. Trong đợt phẫu thuật đầu tiên của chương trình (tháng 11/2011), đã có 120 bé được tư vấn, khám và chữa trị.

Lan Anh

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Vũ (Tuổi Trẻ)
Hành trình Thiện Nhân Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN