Nói, nhìn lẳng lơ cũng bị phạt
Hiệp định của Liên Hiệp Quốc và luật lệ nhiều quốc gia quy định rất cụ thể hành vi quấy rối tình dục từ lời nói, ánh mắt đến cử chỉ.
Luật không phân biệt giới tính, nghề nghiệp của người vi phạm và nạn nhân. Không chỉ người bị vi phạm mà người chứng kiến hoặc cùng chung đơn vị cũng có quyền tố cáo.
Ở các nước, tình trạng bị quấy rối tình dục (QRTD) có thể xảy ra ở bất kỳ công sở nào, với bất kỳ phụ nữ ở nhóm tuổi và tầng lớp xã hội nào. Nhiều nước đã có luật quy định những hành vi nào được xem là QRTD và quy định xử phạt từ bồi thường cho đến tù giam.
Quấy rối tình dục: Không phân biệt giới tính
Hiệp định Loại trừ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) định nghĩa QRTD như sau: có lời nói hay hành động khiêu dâm và thể hiện nhu cầu tình dục, đụng chạm thân thể, có bình luận mang màu sắc tình dục. Các hành vi này có thể làm nhục, gây ra các vấn đề về sức khỏe và an toàn cho nạn nhân, đồng thời tạo ra môi trường làm việc thù địch nếu nạn nhân có lý do để tin rằng sự từ chối sẽ gây bất lợi cho công việc của họ.
Luật các nước nêu rõ người QRTD có thể là người có vẻ ngoài cùng giới tính với nạn nhân, thủ phạm hoặc nạn nhân QRTD đều có thể là nam giới lẫn nữ giới. Tuy thế, phần lớn các vụ QRTD được công khai thì nạn nhân là phụ nữ.
Nói, nhìn… cũng là quấy rối
Định nghĩa QRTD của mỗi nước có khác nhau nhưng có điểm chung được chia làm hai nhóm hành vi:
Lời nói: Bình luận không đứng đắn về hình thức cơ thể nạn nhân, quần áo; tra hỏi hay bình luận về đời sống tình dục; kiên trì tán tỉnh và yêu cầu hẹn hò dù đã bị từ chối nhiều lần; yêu cầu cho quan hệ tình dục; hứa hẹn hay đe dọa về điều kiện làm việc nếu được hoặc không được cho quan hệ tình dục.
Hành động: Nhìn chòng chọc vào cơ thể nạn nhân; trưng bày hình ảnh tươi mát cho nạn nhân thấy; gửi hình ảnh, từ ngữ gợi dục qua thư điện tử, tin nhắn; mở các bài nhạc kích dục; đụng chạm thân thể; cản trở di chuyển; dùng sức mạnh để động chạm, ôm ấp, vuốt ve, hôn nạn nhân; tấn công tình dục; cưỡng hiếp.
Cô Anucha Browne Sanders (áo trắng, giữa) rời Tòa án Manhattan sau khi tòa tuyên cô được bồi thường 11,6 triệu USD. Ảnh: NEW YORK TIMES
Không chỉ người bị QRTD mà những người chứng kiến hoặc nghe về vụ việc cũng có quyền tố cáo và khởi kiện người QRTD. Nếu nhân viên cảm thấy bất mãn vì sếp có quan hệ tình dục và ưu ái một trong số nhân viên cũng có thể tố cáo và khởi kiện. Chính vì vậy, các chủ công ty có trách nhiệm coi trọng tố cáo, phải tổ chức điều tra và không được phân biệt đối xử với người tố cáo.
Tại Mỹ, luật cấm QRTD áp dụng đối với lao động tư nhân, lao động trong các công ty có yếu tố nước ngoài có trụ sở ở Mỹ và cả viên chức nhà nước. Chỉ có một ngoại lệ: Luật không áp dụng trong các công ty có chỉ dưới 15 nhân viên.
Tù giam và bồi thường
Tại các nước, hình phạt cho kẻ QRTD thường là bồi thường tổn hại về sức khỏe, tinh thần, tài chính của nạn nhân. Nếu nạn nhân khởi kiện hình sự, kẻ quấy rối có thể phải chịu tù giam. Các mức tù giam, tù treo, lao động công ích dựa vào việc tòa tuyên bản chất vụ QRTD là khinh tội hay trọng tội.
Ở Mỹ, QRTD được xem là một dạng của tội kỳ thị giới tính, khoản phạt thường rất cao, có thể lên đến vài trăm triệu USD cộng thêm mức tù giam từ vài tháng tới vài năm.
Tại Pháp, hình phạt dành cho tội QRTD thông thường là một năm tù cộng với khoản phạt 15.000 euro (hơn 400 triệu đồng VN). Mức phạt tại Tây Ban Nha là từ ba tháng đến một năm tù giam cùng một khoản phạt. Tại Anh, trong một số trường hợp, tòa án còn tuyên chủ lao động khôi phục việc làm cho nạn nhân nếu nạn nhân yêu cầu.
Cô Ani Chopourian, người được bồi thường 168 triệu USD vì bị QRTD. Ảnh: ABC NEWS
Tội phạm QRTD ở Algeria sẽ phải chịu mức án từ hai tháng đến một năm tù giam cộng với khoản phạt từ 50.000 dinar (hơn 13 triệu đồng VN) đến 100.000 dinar (hơn 26 triệu đồng VN). Hình phạt ở Kenya còn nặng hơn, tối thiểu ba năm tù giam hoặc khoản phạt tối thiểu 100.000 shilling (gần 24 triệu đồng VN) hoặc cả hai, tùy mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Tại Philippines, mức tù giam 1-6 tháng và/hoặc khoản phạt 10.000-20.000 peso (5-10 triệu đồng VN). Tại Trung Quốc, hình phạt cũng thường là vài tháng đến vài năm tù giam và một khoản phạt.
Các tổ chức xã hội cũng tham gia
Hầu hết các tổ chức bảo vệ phụ nữ các nước đều có lời khuyên các nạn nhân trong trường hợp bị QRTD nên khéo léo và cương quyết trong đối phó để hạn chế tổn hại cho mình.
Ủy ban Nhân quyền Úc (AHRC) khuyên các nạn nhân khi bị QRTD nên phản ánh trực tiếp lên lãnh đạo cấp cao trong công ty. Nếu vụ việc chưa được xử lý, nạn nhân có thể gửi đơn tố cáo lên AHRC. AHRC sẽ điều tra và hòa giải. Nếu không hòa giải được, vụ việc sẽ được đưa ra tòa sơ thẩm Liên bang Úc.
Ủy ban Công bằng cơ hội việc làm Mỹ khuyên các nạn nhân ghi chú lại các sự cố bị QRTD: Sự việc xảy ra, thời gian, địa điểm, nhân chứng sẽ có lợi trong trường hợp khởi kiện. Nếu tự bản thân không trấn áp được đối phương, nạn nhân cần báo cáo sự việc lên chủ lao động. Nếu sự việc vẫn chưa được giải quyết, nạn nhân nên khởi kiện ra tòa án trong vòng ba tháng từ ngày sự việc xảy ra.
Điểm đáng chú ý ở Mỹ, khi một nhân viên kiện một nhân viên khác trong công ty tội QRTD thì chính công ty đó chứ không chỉ người bị kiện phải gánh chịu hậu quả pháp lý, trong đó có trách nhiệm bồi thường. Chủ công ty cũng phải chịu trách nhiệm về QRTD nếu đã biết về vụ việc nhưng không có phản ứng gì. Vì các lý do đó, hầu hết các công ty Mỹ đều có chính sách ngăn chặn QRTD, không loại trừ sa thải cả sếp và nhân viên có quan hệ tình dục với nhau để nhân viên nhận được ưu ái của sếp.
Nguyên đơn được bồi thường hàng chục, hàng trăm triệu đôla |