Nơi ly hôn được coi là điều may mắn

Hàng ngàn bé gái Nigeria phải kết hôn ở tuổi chưa thành niên. Sau nhiều năm lao động vất vả, cuộc sống không hạnh phúc, họ đều ước mong được ly hôn nhưng không phải ai cũng được “may mắn” như vậy.

Maimuna Abdullahi, một cô gái phải kết hôn khi mới 14 tuổi đã nhiều lần trốn chạy khỏi nhà chồng bất thành. Có lần Maimuna chạy về nhà nhưng bị chính cha ruột đánh đến nỗi cô bắt buộc phải quay lại.

Sau chiều năm chống chọi, cuối cùng Maimuna cũng ly hôn được với chồng của mình, anh Mahammadu Saidu. Dấu vết của cuộc hôn nhân không hạnh phúc là những vết sẹo ở khắp nơi trên cơ thể, sự tổn thương tinh thần và một tương lai mờ mịt. Trong khi chồng của Maimuna, Saidu 28 tuổi, nói rằng: “Cô ta nói quá nhiều”, thì Maimuna thở phào vì được giải phóng. 

Nơi ly hôn được coi là điều may mắn - 1

  Nhiều người phụ nữ Nigeria lấy chồng từ khi 9 tuổi và phải chấp nhận cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Ảnh: AP

Trường hợp của cô gái này không phải cá biệt, đó là hoàn cảnh chung của hàng ngàn thiếu nữ ở Nigeria. Khi họ sinh ra là con gái, lớn lên như một gánh nặng của gia đình thì việc gả bán không chỉ bớt miệng ăn mà còn đem về cho cha mẹ một khoản tiền nhỏ. Xu hướng của đàn ông Nigeria cũng là lấy vợ khi các cô bé này còn nhỏ, có người chỉ mới 9 tuổi. Chính Saidu nói: “Khi lấy một cô gái trưởng thành, họ sẽ không nghe lời mình”. Tệ hại hơn nữa là theo quy định đạo Hồi, đàn ông có thể lấy nhiều vợ, các cô gái đều phải chung chồng.

Vì lập gia đình sớm, họ hầu hết đều không được đến trường. Chỉ có 2% trong số những cô gái đã kết hôn từng đến trường. Trong khi đó, tỉ lệ các cô gái chưa kết hôn được đi học là 69%. Cứ 4 cô gái đã kết hôn thì có đến 3 người không biết đọc.

Maimuna có rất nhiều bạn bè đã kết hôn và không ai trong số họ hạnh phúc. Mù chữ, tảo hôn, không được bảo vệ, bị coi như một công cụ tình dục và thực hiện nhiệm vụ sinh con cho gia đình chồng, những cô gái Nigeria đã bị tước đi quyền căn bản của con người là được sống theo nguyện vọng của mình.

Nơi ly hôn được coi là điều may mắn - 2

Những hoàn cảnh như Maimuna không phải là hiếm ở Nigeria nhưng không phải cô gái nào cũng ly hôn được. Ảnh: AP

Cha của Maimuna, 45 tuổi, có 8 người con và 30 năm “kinh nghiệm” làm chồng. Ông nói: “Tôi biết hậu quả những đứa con gái phải chịu. Tôi sẽ cho chúng đi học nếu tôi có tiền, nhưng thực tế là tôi không có và chúng bắt buộc phải chấp nhận điều đó”.

Trước khi được ly hôn, các cô gái còn phải chắc chắn rằng mình chưa có con, nếu không chồng của họ sẽ tiếp tục giữ họ lại làm vợ để chăm sóc con cái, nhà cửa. Còn thủ tục thực sự rất đơn giản, người đàn ông chỉ cần hô to lên tuyên bố ly hôn của họ, thế là xong.

Nơi ly hôn được coi là điều may mắn - 3

Những cô gái học nghề tại trường Tattalli để tự lo cho tương lai của mình. Ảnh: AP

Những cô gái may mắn “được ly hôn” như Maimuna rất khó khăn để quay lại nhà cha mẹ ruột. Một số người may mắn được thu nhận vào một ngôi trường nhân đạo, mới được tổ chức ở thành phố Kaduna có tên là Tattalli. “Tôi thực sự sợ hãi khi phải về nhà, ở đây tôi được sống”, Maimuna nói. Họ được dạy nghề, học chữ miễn phí để hi vọng một tương lai tươi sáng hơn. Trường Tattalli đang giúp đỡ được hơn 200 cô gái. Đáng tiếc, mô hình này vẫn còn hạn chế ở Nigeria.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Khương (Pháp luật TP.HCM/AP)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN