Nỗi lòng của những người vợ tài xế đường dài
Ghé thăm ngôi làng của những người tài xế xe đường dài dịp cuối năm, chúng tôi được nghe biết bao câu chuyện từ những người vợ, người thân của họ.
Chiều cuối năm, chúng tôi tìm về ngôi làng nhỏ gần sông Hồng. Ngôi làng ấy rất ít đàn ông, chỉ có phụ nữ và trẻ con. Hầu hết những người đàn ông nơi đây là lái xe đường dài, đi suốt chẳng mấy khi ở nhà.
Nhà chị L., vợ một tài xế xe tải đường dài. Ảnh: THUỲ DƯƠNG
Ngôi làng nhỏ, con đường vào làng sạch sẽ. Những ngôi nhà được xây cao, chắc chắn, sơn màu rực rỡ. Những người đàn ông làm chung một hãng xe, rồi lấy vợ, lập làng sinh sống ở đây. Do công việc phải xa nhà thường xuyên nên muốn những người phụ nữ của họ được gần gũi, giúp đỡ nhau lúc khó khăn.
1. Chị H. vợ của một tài xế lái xe, gương mặt hiền từ, sạm nắng, chị bảo: “Những ngày cận Tết thế này, những nơi khác rộn ràng còn làng chúng tôi thì vắng lặng, chỉ tới tận giao thừa mới nhộn nhịp hơn chút.”
Rất nhiều những người phụ nữ khác nhau, già có, trẻ có, quê quán khắp nơi. Họ theo chồng về đây, sống hiền hòa, thân thuộc như những người dân bản xứ. Cùng trồng ngô, trồng lúa, làm công nhân và chăm sóc những đứa trẻ.
Chị T. nói: “Làm nghề lái xe vất vả lắm các anh ơi. Nghề nào cũng nguy hiểm, nhưng lái xe thì nguy hiểm trùng trùng. Có những đêm, 10 giờ tối chồng gọi về, nói là đang chạy xe trên đèo mà buồn ngủ quá. Tôi không dám tắt điện thoại, bảo anh ấy gắn tai nghe vào nói chuyện, cứ lát lại phải nói to một chút để anh ấy trả lời... Đến khi anh ấy qua hết đèo, xuống quán ven đường nào đó nghỉ chân, tôi mới dám đi ngủ”.
“Mỗi lần chồng đi như thế, đêm nào cũng giật mình thức giấc vài lần, tôi bị đau tim quá”. Chị cười khi nói với chúng tôi như vậy. Đôi mắt lại xa thẳm âu lo.
Chúng tôi ghé căn nhà hai tầng khang trang nhất xóm. Ngôi nhà sơn màu xanh mát, với khoảng sân rộng, hai đứa nhỏ đang chơi đùa. Nhà chị L., cũng là vợ một tài xế xe container đường dài.
Chị bảo, ai cũng nói làm tài xế, nhất là tài xế đường dài như chồng chị thì nhiều tiền lắm. Nhưng người ta đâu biết những đồng tiền mà chồng chị kiếm được phải đổ mồ hôi, đánh đổi cả sức khỏe. Chồng chị nghiện thuốc lá ghê lắm. Chị khuyên hoài mà không được. Anh bảo lái xe không có thuốc lá sẽ không tỉnh táo để lái được.
Mỗi lần chồng về, chị lại thấy gương mặt anh sạm đi một chút, người gầy hơn vì những bữa cơm vội bên đường, giấc ngủ không trọn vẹn, tóc như bạc thêm.
Đêm, anh ho nhiều, liên tục, chị thấy ruột mình như cuộn lên từng cơn.
2. Người ta nói lấy chồng bộ đội thiệt thòi, nhưng lấy chồng làm tài xế còn thiệt thòi hơn. Lúc nào cũng lo cho chồng trên những chuyến đi xa. Mỗi lần về nhà cũng chỉ ghé ngang, có lần còn chưa kịp gặp con. Mọi việc chăm sóc con cái, cha mẹ già.. . chị K. đều phải làm hết. Có những ngày bão, mái tôn bị dột, chị leo lên nhưng không biết sửa thế nào, lại leo xuống.
Chị bắt đầu câu chuyện với chúng tôi khi còn đang mải mê chăm sóc cho luống rau trước nhà.
Chị K. chăm sóc luống rau trước nhà. Ảnh: THUỲ DƯƠNG
Bữa đó nhà chị có đám, chồng nói tối anh về để phụ vợ lo công chuyện. Chị mừng thầm trong bụng. Tuy mọi việc chị đã chuẩn bị đầy đủ cả rồi nhưng có anh thì vẫn yên tâm hơn. Chiều muộn, gọi điện anh bảo chưa về kịp. Chị ráng chờ, chờ mãi đến khuya. Con cái đi ngủ hết. Chị lẩm nhẩm kiểm tra lại đồ mà lòng đầy lo lắng.
Tay cầm điện thoại, mãi mới dám gọi cho chồng. Nhưng gọi hết cuộc này đến cuộc khác, chuông đổ mà không thấy anh bắt máy. Tim đập liên hồi, tay chân chị lạnh ngắt, lòng rối bời, muốn khóc vì lo.
Chị ngồi thẫn thờ cả đêm, tờ mờ sáng thì thấy dáng anh ngoài cổng. Chị bảo, lúc đó chân tay chị muốn rụng rời, không nhấc được chân ra mở cổng dù bên tai nghe rõ tiếng chồng gọi. Lúc định thần lại, chị ôm lấy anh mà khóc. Sau mới biết do mệt quá nên anh ngủ luôn trên xe, đến sáng mới tỉnh dậy nên vội vã về nhà.
Sau lần đó, chị bảo việc gì chị làm cũng được, chỉ cần anh bình yên trở về sau mỗi chuyến đi xa. Chị nói: Chúng tôi còn may mắn lắm dù không ít lần thót tim như vậy. Ngôi nhà nhỏ xinh, phía cuối làng kia mới nhiều bất hạnh. Ngôi nhà của vợ chồng chị G.
3. Kể lại câu chuyện của người hàng xóm mà giọng chị K. còn nghẹn ngào. Chị nhớ lại: Chiều đó chúng tôi đi nhổ lạc định chiều về luộc cho mấy đứa nhỏ ăn dịp trung thu. Đang còn ngoài ruộng thì cái G. nghe tin dữ về chồng. Xe chồng nó bị tai nạn ở đâu tận Quảng Trị.
Nó vừa chạy vừa khóc, một thân một mình chả kịp mang theo gì. Mỗi người tụi tôi góp một ít tiền để nó theo xe vào tận miền trong. Hai đứa nhỏ tụi tôi đón về cho ăn cơm. Nhìn dáng nó liêu xiêu mà chúng tôi muốn khụy xuống trong chiều.
Chăm sóc chồng trong bệnh viện, đến khi lành thì ra tòa. Chồng nó lãnh án mấy năm tù vì lái xe gây tai nạn chết người... Gương mặt nó ngày một khắc khổ. Tóc bạc đi nhiều dù tuổi còn trẻ.
Hai đứa nhỏ ngày ngày dắt nhau đi học, lẻ loi trên con đường làng nhìn thắt ruột. Chiều mẹ nó chưa về, tôi sợ chúng đói nên kêu qua ăn cơm. Bà nội của chúng còn tội hơn nữa, tóc bạc trắng, đôi mắt lúc nào cũng kèm nhèm vì khóc nhiều. Lưng còng xuống, ngày nào cũng chống gậy từ đầu làng xuống cuối làng để thăm cháu, cứ đi được một quãng lại đứng thở…
...
"Lái xe cũng là một nghề các anh ạ! Mà nghề này sao nguy hiểm quá, sao vất vả quá. Tiền kiếm được nhiêu chả bù lại được sức khỏe, đôi khi cả tính mạng. Chỉ sơ sẩy một chút thì hối hận, day dứt cả đời", chị K. nói với chúng tôi.
Những người vợ, người mẹ có cùng một chờ đợi, mong mỏi cho chồng con họ có những chuyến đi bình an.
Sau vụ tai nạn nghiêm trọng tại Long An, giới tài xế container tiết lộ nhiều nguyên nhân khiến người tham gia giao thông rùng...