Nơi khoá cổng, nơi giữ khoá gây tâm lý e ngại khi về quê ăn Tết
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, các biện pháp thực hiện “hơi quá” và rất không thống nhất giữa các địa phương gây tâm lý e ngại cho người dân chuẩn bị về quê ăn tết.
Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ chiều 18/1, thông tin về công tác dân nguyện tháng 12 của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu cho biết, thời gian qua, cử tri băn khoăn về tình trạng hàng ngàn phương tiện vận chuyển hàng hóa nông sản trong thời gian qua ùn ứ nghiêm trọng tại các cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc do Trung Quốc tạm ngưng, đóng cửa để siết chặt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện một số quy định mới về xuất nhập khẩu.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, vấn đề vận chuyển hàng hoá nông sản đúng là rất bức xúc, nhưng thời gian gần đây thêm vấn đề bức xúc nữa, đó là tình trạng nhận hối lộ ở cửa khẩu của một số cán bộ. Những người này đã lợi dụng tình trạng dịch bệnh, tình trạng ùn ứ, người nông dân đã rất khó khăn khi không xuất khẩu được, chi phí bị dồn cục ở đó, vậy mà họ còn nhẫn tâm nhận tiền hàng trăm triệu. “Tôi nghĩ vấn đề này cần đưa vào nói thêm để báo cáo đầy đủ và được cập nhật”, ông Tùng nêu.
Đặc biệt, chỉ còn khoảng hai tuần nữa đến Tết Nguyên đán, qua theo dõi, ông Tùng phản ánh tình trạng mỗi địa phương thực hiện quy định việc đón người dân ở các tỉnh về quê ăn tết khác nhau và khác với Nghị quyết 128. Quy định của Chính phủ nói rất rõ và yêu cầu thực hiện thống nhất, nếu người tiêm đủ các mũi vắc xin khi về tự kiểm tra sức khoẻ, tự theo dõi ở nhà, chỉ phải xét nghiệm vào ngày đầu tiên. Còn nếu tiêm chưa đủ 2 mũi thì cách ly 7 ngày, sau đó tự theo dõi 7 ngày… Nhưng thực tế, theo ông Tùng, mỗi tỉnh làm một kiểu, mỗi nơi một kiểu, không có nơi nào giống nơi nào.
“Có nơi quy định, tôi không biết mấy mũi, về từ vùng cam, đỏ đương nhiên phải cách ly 7 ngày, có nơi 14 ngày, có nơi yêu cầu xét nghiệm 3-4 lần. Thậm chí có nơi khóa cổng, như báo chí phản ánh ở Thanh Hóa, 30 hộ dân bị chính quyền cơ sở khóa cổng. Thậm chí ở Thái Bình có trường hợp trưởng thôn giữ khoá gia đình có người bị cách ly. Sau đó cũng không quan tâm xem họ sống thế nào trong nhà. Họ phải nhờ hàng xóm mua thực phẩm, thức ăn.
Nói chung, các địa phương rất lo lắng cho việc phòng chống COVID-19 và cũng rất quan tâm để không lây lan, nhưng các biện pháp thực hiện hơi quá so với quy định của Chính phủ và rất không thống nhất giữa các địa phương, gây tâm lý e ngại cho người dân chuẩn bị về quê ăn tết”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật phản ánh.
“Ngày 17/1, Bộ Y tế đã có văn bản UBND các tỉnh nêu vấn đề này và yêu cầu thực hiện thống nhất, nhưng có lẽ Chính phủ cũng phải quan tâm hơn để chỉ đạo vì sát tết rồi, đây là vấn đề người dân rất quan tâm”, ông Tùng nhấn mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Những giấy tờ cần chuẩn bị sẽ dựa vào từng quy định phòng dịch của các địa phương. Trong đó dựa vào cấp độ dịch...