Nỗi day dứt của người chỉ huy xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4
“Nhiều đêm nghĩ đến những đồng đội hi sinh khi chưa có gia đình mà do chính tay mình chôn cất và không tìm được hài cốt, tôi thấy day dứt, thương anh em vô cùng...", người chỉ huy xe tăng 390 nghẹn ngào.
Gữa cái nắng oi ả của những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp về thăm lại Đại úy Nguyễn Đăng Toàn (73 tuổi), trú tại thôn Thượng Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc (Hải Dương). Ông chính là người chỉ huy chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử trưa 30/4/1975.
3 năm trước, PV có mặt tại nhà đúng vào thời điểm gia đình ông Toàn đang xây nhà với công trình dang dở. Còn hôm nay, ngôi nhà ấy đã được hoàn thiện khang trang kiên cố ấy, cũng là nơi sinh sống của vợ chồng ông cùng gia đình người con trai lớn.
Ngôi nhà của ông Toàn tại thôn Thượng Bì, xã Yết Kiêu sinh sống cùng vợ chồng con trai. Ảnh: Đ.Tùy
Ông Toàn cho biết: “Căn nhà mới này được gia đình khánh thành vào cuối năm 2016, ngoài số tiền tích góp của vợ chồng tôi, còn là ân tình của cán bộ và nhân dân TP. Hồ Chí Minh gửi tặng. Tấm lòng và tình cảm đó, gia đình tôi không bao giờ quên”.
Lật giở từng bức hình cũ, những kỷ vật thời chiến thì bao nhiêu kỷ niệm xưa, ký ức lại ùa về. Trong đó, câu chuyện 24 năm về trước khi nhà báo Pháp Phrăngxoa Đơ Mun-đơ cùng một số người về tận nhà ông để xác minh… khiến người chỉ huy xe tăng 390 ngày nào nghẹn ngào xúc động.
Ông kể, ngày 8/3/1995, khi ấy bà Nguyễn Thị Đông (vợ ông) đang nằm điều trị tại Bệnh viện Quân y 7, người thân trong gia đình có công việc nên ông nhờ người thân trông vợ để về quê giúp. Khi đang ngồi ở nhà người em, ông được một người cháu báo có khách tìm đến và có cả người nước ngoài làm ông lo lắng.
Người chỉ huy xe tăng 390 bên bức ảnh nhà báo Pháp. Ảnh: Đ.Tùy
“Đoàn hôm đó có 2 vợ chồng nhà báo Pháp, anh Phạm Công Dũng (Trung tâm báo chí Bộ Ngoại giao) và lãnh đạo huyện Gia Lộc, xã Yết Kiêu đến nhà. Sau đó, nhà báo Pháp có hỏi chuyện tôi toàn bộ về chiếc xe tăng 390 do tôi chỉ huy tiến vào húc đổ cổng Dinh Độc Lập thế nào. Qua lời kể, nhà báo Pháp thừa nhận câu chuyện tôi nói là đúng và sau đó cho tôi xem rất nhiều tấm ảnh mà nhà báo này chụp được về chiếc xe tăng do tôi chỉ huy cùng đồng đội khi húc đổ cổng Dinh.
Sau đó khoảng 4 ngày, 3 anh em chúng tôi gồm (Nguyễn Đăng Toàn, Nguyễn Văn Tập, Lê Văn Phượng, riêng anh Ngô Sỹ Nguyên thời điểm đó chưa tìm thấy địa chỉ) được mời đến Bảo tàng Quân đội dự hội thảo. Ngày diễn ra hội thảo có đại diện xe tăng 843 cùng nhà báo Pháp và một số cơ quan chức năng.
Những người chiến sĩ xe tăng huyền thoại 390. Ảnh: Đ.Tùy
Tại đây, nhà báo Pháp đưa ra những thông tin, hình ảnh khẳng định chiếc xe tăng do tôi chỉ huy chính là chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975”, ông Toàn nhớ lại.
Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, người chỉ huy xe tăng 390 kể, vào những ngày đất nước kỷ niệm ngày 30/4 thì ông luôn thương những đồng đội của mình đã hi sinh trên chiến trường và trong đó nhiều người chưa kịp xây dựng gia đình.
Phần thưởng cao quý của ông Toàn được dòng họ Vũ Việt Nam trao tặng. Ảnh: Đ.Tùy
Thậm chí, ông luôn day dứt khi chưa tìm thấy hài cốt của 4 đồng đội. Theo lời kể, khoảng năm 1972, 1973 khi đó đoàn xe tăng của đơn vị ông đang dừng lại khu vực phía Tây Thừa Thiên Huế nghỉ sinh hoạt và nấu ăn thì bất ngờ 1 chiếc xe tăng bị trúng bom B52 của Mỹ khiến chiếc xe lật ngửa, còn 4 đồng đội trên chiếc xe hi sinh.
Trước khi được lệnh rút ra, chính tay ông cùng những người còn sống đã chôn cất 4 đồng đội, nhưng 6 tháng sau quay lại thì không tìm được vị trí chôn cất nữa vì bị bom Mỹ cày xới. Cho nên, khi hòa bình lập lại, ông cùng đồng đội tổ chức đi tìm nhưng không thấy.
Ông Toàn cùng vợ xem lại những kỉ niệm xưa và nỗi day dứt khi chưa tìm thấy những đồng đội hi sinh. Ảnh: Đ.Tùy
“Nhiều đêm nghĩ đến những đồng đội hi sinh khi chưa có gia đình mà do chính tay mình chôn cất và chưa tìm được hài cốt, tôi thấy day dứt, thương anh em vô cùng. Riêng 4 người trên chiếc xe tăng 390 thì cách đây 3 năm anh Phượng đã mất, còn anh Tập vẫn làm trên công ty sơn Kova Hà Nội”, người chỉ huy xe tăng 390 nghẹn ngào.
Nhớ lại quãng thời gian sau khi rời quân ngũ trở về địa phương và giữa lúc cuộc sống gia đình khó khăn, bố mẹ già, các con nhỏ nheo nhóc, kinh tế gia đình phụ thuộc vào mấy sào ruộng khoán.
Niềm vui tuổi già của ông Toàn bên người cháu nội. Ảnh: Đ.Tùy
Lúc này, vợ chồng ông Toàn thuê ao của hợp tác xã bỏ không nhiều năm trước cửa nhà để đấu thầu thả cá, kết hợp với nghề làm bánh đa của gia đình. Đồng thời, tận dụng nuôi thêm lợn, gà… và rồi khó khăn về kinh tế cũng tạm qua đi đến khi nhà báo Pháp xuất hiện.
Hiện tại, 3 người con của ông (2 gái, 1 trai) đều có gia đình nhưng không ai theo con đường binh nghiệp và vào mỗi dịp 30/4, 22/12, ông về các nhà trường, đơn vị, doanh nghiệp... để trò chuyện kể thời khắc lịch sử khi cùng đồng đội trên chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập.
“Tôi may mắn khi được chỉ huy chiếc xe tăng húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập đúng vào thời khắc lịch sử 30/4/1975. Nhưng buồn vì nhiều đồng đội năm xưa, người còn, người mất…”, ông Toàn nghẹn ngào.
Vùng đất Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) chính là quê hương của ông Bùi Quang Thận - người cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập...