Nỗi đau xé lòng và câu nói ám ảnh người mẹ nghèo nuôi con trai thần kinh trong gian nhà hoang lạnh
"Bây giờ tôi còn khỏe thì không sao, ít năm nữa khi già yếu và qua đời thì không biết ai sẽ chăm sóc cho con trai. Cứ nghĩ đến đó, tôi đau như thắt từng khúc ruột…", người mẹ nghèo 76 tuổi ở Hải Dương nghẹn ngào chia sẻ với PV.
"Đau xót lắm, nhưng tôi vẫn phải xích con…"
Hơn 20 năm qua, câu chuyện về người đàn bà khổ hạnh Đào Thị Mý (SN 1946), trú tại thôn Đan Cầu (xã Ninh Thành cũ), nay thuộc xã Tân Hương (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) nuôi con trai mắc bệnh tâm thần trong gian nhà khô quạnh khiến người dân nơi đây không khỏi xót xa, thương cảm.
Hình ảnh bà Mý hơn 20 năm nay nuôi con trai mắc bệnh thần kinh khiến ai cũng xót xa, thương cảm
Đến thăm gia đình bà Mý vào buổi chiều muộn những ngày cuối năm, chúng tôi bắt gặp hình ảnh người phụ nữ tuổi cao, gương mặt khắc khổ đang tắm cho con trai mắc bệnh tâm thần phân liệt Nguyễn Văn Chung (SN 1982). Nhìn thấy chúng tôi, bà Mý tâm sự: "Hơn 20 năm nay, con trai tôi phải xích như thế này rồi. Biết là đau xót lắm nhưng tôi không còn cách nào khác…".
Ngồi trong căn nhà cấp bốn chật chội, đơn sơ được xây cách đây gần 30 năm, bà Mý kể cho chúng tôi nghe về cuộc đờ khốn khó và số phận không may của mình cũng như căn bệnh quái ác đã cướp đi tuổi thanh xuân, tương lai người con trai. Từ ngày anh Chung bị bệnh, cuộc sống của gia đình lâm vào cảnh khốn khó và số phận của bà cũng rẽ sang một hướng khác.
Căn nhà cấp 4 đơn sơ, không có gì đáng giá được xây gần 30 năm của gia đình bà Mý
Gạt những giọt nước mắt mờ đục lăn dài trên gương mặt sạm đen, bà Mý nghẹn ngào nói: "Nếu như con tôi không mắc bệnh thì nó đã lấy vợ sinh con và số tôi không phải khổ thế này. Cứ nhìn các bạn cùng trang lứa giờ ai cũng khỏe mạnh, có vợ con đề huề, tôi lại khổ tâm, lại khóc, nhưng khóc có thay đổi được số phận đâu".
Theo lời kể của bà, anh Chung là con thứ 4 trong gia đình, sau khi tốt THPT, anh lên TP. Hải Dương học may. Tuy nhiên khi học được khoảng 3 tháng thì bất ngờ anh phát bệnh khiến việc học phải tạm dừng.
Lúc đầu con trai bị bệnh, bà Mý đưa anh Chung lên thăm khám ở Bệnh viện Đa khoa Hải Dương, sau đó được chuyển về Bệnh viện Tâm thần của tỉnh. Sau 1 năm điều trị tại đây, bệnh tình con trai không thuyên giảm mà toàn bộ tài sản bao năm vợ chồng dành dụm đều lần lượt đội nón ra đi. Thương con đang ở tuổi đôi mươi, tương lai phía trước rộng mở; nhưng bà Mý đành gạt nước mắt để con về nhà vì gia đình không còn kinh tế chạy chữa.
Nỗi đau của người mẹ già khi phải tự tay xích con trai mắc bệnh thần kinh
"Khi về nhà, tôi vẫn thuốc thang cho con, nhưng nhiều khi bận công việc đồng áng, con tôi đi lang thang và có lần bị đánh. Sau lần đó, tôi sửa lại gian nhà nhỏ, mua xích về xích con lại. Phải tự tay mình xích con, tôi đau lắm nhưng biết làm thế nào được, nếu không xích con thì vợ chồng không thể đi làm được việc gì và không may cháu lang thang ra ngoài lại bị đánh, thậm chí ngã ở đâu đó rồi khổ", bà Mý nói.
Nỗi buồn tuổi xế chiều và mong ước giản đơn
Hơn 20 năm nay, người dân thôn Đan Cầu đã quen với cảnh bà Đào Thị Mý sớm hôm chăm sóc người con trai bị thần kinh trong gian nhà cũ. Không kể nắng, mưa hay bận đi công việc, bà đều dành thời gian chăm lo như một sự bù đắp, an ủi cho người con kém may mắn.
Cũng từ khi con đổ bệnh, chưa có ngày nào người phụ nữ khổ hạnh ấy có được ngày bình yên. Nếu đi đâu, làm gì hay có việc ra khỏi nhà, bà đều lo lắng cho con trai. Thậm chí, bà cũng chưa có đêm nào được ngon giấc; bởi mỗi khi đêm xuống, anh Chung rất ít khi ngủ mà thường la hét, đập cửa và nói những câu vô hồn. Thậm chí quanh năm, anh đều ở trần, nếu mặc áo, anh lại xé ra...
Ánh mắt ngờ nghệch của anh Chung trong gian nhà hoang lạnh
Thương con, nghĩ ngợi nhiều và thêm bệnh già, cho nên 3 năm trước, bà Mý bị đội quỵ tưởng chừng không qua khỏi. Sau 2 tháng nằm điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bà dần hồi phục. Tuy nhiên những tháng ngày nằm viện, bà lo cho bản thân thì ít mà thương con trai mắc bệnh thì nhiều.
Năm 1970, bà Mý xây dựng gia đình với ông Nguyễn Văn Lãm. Lúc con gái đầu lòng được 1 tháng tuổi thì chồng bà tham gia thanh niên xung phong. 5 năm sau, khi đất nước được hoà bình giải phóng, ông Lãm về quê cùng vợ tập trung lao động sản xuất và phụng dưỡng bố mẹ già. Ngoài làm ruộng, vợ chồng bà còn làm nhiều nghề khác nhau để có tiền sinh hoạt cũng như lo cho các con.
Gian nhà nhỏ được bà Mý sửa lại - là nơi sinh sống của anh Chung
Bà Mý cho biết: "Bản thân tôi làm nghề bán muối ở chợ cầu Ràm, sau đó đi gánh gạch thuê và có thời gian vào miền Nam làm kinh tế. Mặc dù làm nhiều công việc như vậy nhưng cũng không đủ tiền thuốc thang cho con. Bao nhiêu tiền làm được, rồi đi vay mượn đều dồn cho Chung chữa bệnh, nhưng bệnh tình không thuyên giảm và ngày càng nặng hơn. Rồi đến người con gái thứ 2 của tôi là Nguyễn Thị Chuyên, lấy chồng ở xã Nghĩa An cũng bị mắc bệnh thần kinh sau khi sinh người con út".
Hướng ánh mắt về phía xa xăm, bà Mý như đang nhớ lại ký ức đau khổ nhất của cuộc đời mình. Cách đây 8 năm, chồng bà được bác sĩ phát hiện mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối và chỉ sau nửa tháng, ông Lãm qua đời. Ngày chồng mất bao nhiêu nước mắt bà đã khóc cạn và đau đớn hơn khi trong tang lễ người chồng xấu số, 2 người con ngơ ngẩn, nói cười vô hồn như nỗi đau xát vào lòng bà…
Ánh mắt buồn của người mẹ già khổ hạnh nuôi con trai mắc bệnh thần kinh
"Năm nay tôi đã 76 tuổi, đáng ra ở tuổi này mọi người được sống an nhàn bên con cháu. Nhưng số phận tôi lúc nào cũng lận đận và sẽ còn khổ đến lúc chết. Bây giờ, tôi còn khỏe thì không sao, ít năm nữa khi già yếu và qua đời thì không biết ai sẽ chăm sóc cho con trai. Cứ nghĩ đến đó, tôi đau như thắt từng khúc ruột…". bà Mý nghẹn ngào.
Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Quảng – Phó chủ tịch UBND xã Tân Hương thông tin, hoàn cảnh khó khăn của bà Mý nuôi con trai bệnh thần kinh rất đáng thương. Ngoài công nhận gia đình bà là hộ nghèo, chính quyền xã cũng dành cho gia đình những phần quà vào dịp lễ tết, nhưng điều đó không thể làm vơi bớt đi khó khăn lúc này của mẹ con bà.
Dù mùa đông hay mùa hè, anh Chung không bao giờ mặc áo, nếu mặc anh lại xé vứt ra
Hoàn cảnh khó khăn, thương tâm của gia đình bà Mý cần lắm những tấm lòng hảo tâm ủng hộ
"Chúng tôi biết, hơn 20 năm qua, một mình bà Mý nuôi con thần kinh là nỗi đau lớn, không gì bù đắp, trong khi cuộc sống hiện tại của mẹ con chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp xã hội. Qua đây, tôi mong các tổ chức, mạnh thường quân, nhà hảo tâm hãy quan tâm, san sẻ cho hoàn cảnh khốn khó này. Chí ít cũng để bà Mý có thêm kinh phí, động lực tiếp tục nuôi người con trai bệnh tật", Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hương nói.
Chia tay gia đình bà Mý trong cái rét đã ngọt của những ngày cuối năm, hình ảnh người mẹ nghèo với gương mặt khắc khổ nuôi con trai thần kinh trong gia nhà hoang lạnh luôn ám ảnh mãi không thôi…
Khi con dâu báo tin đã mang thai, căn nhà nhỏ của bà tràn ngập hạnh phúc. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau đó, gia đình bà lại một lần nữa hứng chịu nỗi đau vô tận.
Nguồn: [Link nguồn]