Nỗi đau cưa bom tháo đạn hay chuyện ăn cám trả vàng
Sau khi chồng bị bắt, hai người vợ tội nghiệp phải gồng gánh nuôi cả gia đình trong tủi khổ. Họ lo sợ, rồi đây phải làm sao để vượt qua nỗi đau khi chồng vướng vòng lao lý, làm sao để nuôi con trưởng thành.
Nỗi đau mang tên bom, đạn
Một buổi sáng tháng 7 trời mưa rả rích, chúng tôi ghé thăm ngôi nhà nhỏ của chị Phạm Thị Huyền Diệu ở đội 4, thôn Phú Hưng (Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị). Căn nhà mà chị Diệu cùng đứa con trai 4 tuổi đang sống là nhà tình nghĩa xây dựng năm 2007. Từ ngày anh Nguyễn Văn Cường (SN 1991) – chồng chị Diệu bị bắt, căn nhà ấy trở nên lạnh lẽo, u ám.
Chị Diệu và đứa con trai nhỏ buồn bã vì chồng bị bắt. Ảnh: Ngọc Vũ
“Nhà tình nghĩa này do một công ty xây cho bà nội anh Cường vì có công với cách mạng. Khi bà mất đã giao lại cho o ruột (cô ruột – PV). Hai vợ chồng ở trong nhà, phụng dưỡng o cho đến khi o qua đời”, chị Diệu cho hay.
Kể về chồng, người vợ trẻ có sức vóc nhỏ bé, chỉ cao 1,5 mét, nặng 37kg này cho biết, trước đây anh Cường làm nghề thợ sắt. Năm 2014, sau khi lập gia đình, không có ruộng vườn, đất đai, anh Cường chuyển sang nghề khai thác tràm thuê. Công việc hàng ngày là đi cưa, bốc vác gỗ, lúc rảnh rỗi thì ai kêu gì làm nấy, thu nhập không ổn định. Còn chị Diệu, sức khoẻ yếu nên xin làm công nhân ở một xưởng may tư nhân tại thị xã Quảng Trị, cách nhà chừng 6km, thu nhập khoảng 50-70 nghìn đồng/ngày.
Dù đã cần cù, chịu khó làm ăn nhưng vợ chồng chị Diệu vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo. Và nay, gia đình chị còn phải gánh thêm nỗi đau khi anh Cường vừa bị bắt.
Chị Diệu ngóng trông chồng từng ngày, từng giờ. Ảnh: Ngọc Vũ
Theo công an tỉnh Quảng Trị, khoảng 8h15 ngày 9/5 đã bắt quả tang Nguyễn Văn Cường và Nguyễn Quả (44 tuổi, cùng trú thôn Phú Hưng, Hải Phú) tháo bom để lấy thuốc nổ tại vùng rừng thuộc tiểu khu 816, xã Hải Lệ (TX.Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị). Tại hiện trường, công an thu giữ 70kg thuốc nổ, một vỏ bom dài 1,2m, đường kính 40,6cm, nặng 334kg chứa 175kg thuốc nổ. Hai người khai tháo bom lấy thuốc nổ bán. Sau đó ít hôm, cơ quan công an Quảng Trị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng đối với Cường và Quả để điều tra, làm rõ vụ việc. Hay tin chồng bị bắt, chị Diệu như người mất hồn, đau đớn đến tột cùng.
Hướng đôi mắt buồn ra phía hiên nhà, nơi trời đang trút những cơn mưa, chị Diệu cho biết, trước khi bị bắt anh Cường chưa từng đụng đến bom đạn, vậy mà không hiểu sao lại đi lấy thuốc nổ rồi bị bắt đúng ngày sinh nhật. “Sợ con trai buồn, cả gia đình giấu không cho biết. Cháu nó cứ luôn miệng hỏi ba đi đâu sao lâu về, tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong trả lời rằng ba đi làm ở Đà Nẵng, bận việc chưa về được”, chị Diệu rơi nước mắt.
Nguyễn Văn Cường và Nguyễn Văn Quả bị bắt quả tang cùng bom và thuốc nổ. Ảnh: Ngọc Vũ
Đến ngôi nhà chị Trần Thị Thu (SN 1982 – vợ anh Nguyễn Quả), chúng tôi càng thấy cám cảnh vô cùng. Nhắc đến chồng, hai hàng nước mắt chị Thu cứ lăn dài không ngớt. Chị cho hay, năm 2006 vợ chồng lấy nhau, nay đã có con trai 14 tuổi, vừa học xong lớp 7. Gần 13 năm nay, vợ chồng chị theo nghiệp làm thuê. Anh đi cưa, bốc vác, còn chị theo chồng bóc vỏ tràm, làm hết quả đồi này sang quả đồi khác, quanh năm suốt tháng lam lũ mà vẫn thiếu trước hụt sau. Không chỉ nuôi con nhỏ, vợ chồng chị còn phụng dưỡng cha già năm nay đã 84 tuổi, vì thế cuộc sống càng khó khăn hơn.
Theo lời chị Thu, anh Quả trước nay chưa đụng đến bom đạn cho đến ngày bị bắt. Lúc nghe hung tin của chồng, chị Thu đang vác khúc gỗ tràm thì ngã khuỵ. Đó là việc chị chưa hề nghĩ tới.
Đau đớn đến tột cùng, ban ngày chị cố gắng theo tổ đội đi bóc vỏ tràm. Ban đêm, sau khi lo toan cho con nhỏ và cha già đau yếu, chị lại khóc đến ướt gối, nhiều đêm không thể chợp mắt. Biết cha bị bắt, cháu Nguyễn Mạnh Quân cả ngày rầu rĩ, ít nói.
Trong nước mắt, chị Thu tâm sự: “Khi có chồng ở nhà, mỗi khi mệt tôi có thể nghỉ ngơi lấy lại sức. Còn nay, tôi phải làm gấp nhiều lần để có tiền chăm lo cho gia đình. Hiểu được hoàn cảnh ngặt nghèo của tôi, anh chị em trong tổ làm thuê thông cảm, tạo điều kiện cho về sớm một chút mỗi khi có việc nhà cần lo toan. Cùng cảnh nghèo, họ giúp được như vậy là quý lắm rồi”.
Nói với chúng tôi, hai người vợ khốn khổ nước mắt lưng tròng. Họ nói rằng đào bom tháo đạn đúng là ăn cám trả vàng. Thuốc nổ, vỏ bom lấy được nếu có bán cũng chỉ được vài trăm ngàn đến dưới 2 triệu đồng nhưng bị bắt thì phải dính vòng lao lý. Bây giờ, họ không mong gì hơn ngoài việc cơ quan chức năng xem xét, cố gắng giảm tội để chồng họ sớm trở về cùng gánh vác chăm lo cho gia đình, nuôi con cái ăn học.
Hãy tránh xa bom đạn
Không riêng gì hoàn cảnh chị Thu và Diệu, ở Quảng Trị có nhiều gia đình chung cảnh ngộ khi chồng, con của họ vướng vòng lao lý vì đạn bom. Đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa quên phiên toà đẫm nước mắt diễn ra vào tháng 9.2017. Nhóm 5 người gồm Lê Văn Hùng (SN 1972), Hoàng Bảy (SN 1970), Lê Văn Tý (SN 1978), Lê Quốc Phước (SN 1979), Đoàn Văn Vang (SN 1978, cùng trú tại xã Gio Châu, Gio Linh, Quảng Trị) bị xét xử về hành vi vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng. Anh Hoàng Bảy buồn rầu kể lại, vì cuộc sống khó khăn nên phải vay mượn nhiều nơi, góp tiền với một người khác mua chiếc máy rà tìm phế liệu cỡ lớn, dân địa phương gọi là máy Tọt khoảng 5 triệu đồng để hành nghề lấy tiền trang trải cuộc sống, lo cho con ăn học.
Chị Trần Thị Thu nước mắt lưng tròng nhớ chồng và lo lắng cho tương lai của gia đình. Ảnh: Ngọc Vũ
Tháng 4.2017, anh Bảy và anh Hùng rà tìm phế liệu ở khu vực rừng thuộc địa phận xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh thì phát hiện có tín hiệu kim loại. Cả hai thay nhau đào được một lúc, thấy đất cứng nên lấy lá khô rải lên làm dấu rồi ra về. Sau đó, anh Hùng gọi điện rủ thêm anh Phước và anh Vang cùng tham gia đào. Đến sáng ngày 1.5, cả 4 người mang cuốc xẻng đến vị trí đã làm dấu trước đó, thay nhau đào được một quả bom tạ. Cả nhóm bàn nhau chở bom đi cất dấu rồi đem bán và rủ thêm anh Tý cùng tham gia. Đến khoảng 19h cùng ngày, cả nhóm lăn quả bom lên xe ba gác chở đi bán thì bị công an bắt dọc đường.
Theo kết luận giám định, quả bom nhóm anh Bảy đào rồi vận chuyển mang ký hiệu M117 – 750LB do Mỹ sản xuất còn sót lại trong chiến tranh, trọng lượng 340kg, chứa 183kg thuốc nổ, còn đủ khả năng phát nổ và gây sát thương trên diện rộng. Chịu mức án từ 9 tháng cải tạo không giam giữ đến tù treo 15 tháng, nhóm anh Bảy ngậm ngùi chua xót và rút ra bài học đắt giá. “Sau khi bị bắt, cả nhóm quyết định bỏ nghề rà tìm phế liệu, riêng tôi hàng ngày rong ruổi ở các vùng quê mua nông sản đem bán ở chợ Gio Linh, cuộc sống như vậy sẽ êm đềm và bớt nguy hiểm hơn. Đào bom tháo đạn là ăn cám trả vàng, mọi người hãy tránh xa”, anh Bảy tâm sự.
Ở Quảng Trị có không ít người dính vòng lao lý khi đụng đến bom, đạn, gia đình rơi vào khó khăn như chị Diệu, chị Thu. Ảnh: Ngọc Vũ
Tháng 10.2018, TAND tỉnh Quảng Trị cũng mở phiên tòa sơ thẩm tuyên phạt Trần Hải Tuấn (53 tuổi, trú Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh) 8 năm tù về tội mua bán trái phép vật liệu nổ.
Bản án khởi nguồn từ việc, vào đầu tháng 4.2018, ông Tuấn đào quả bom tạ ở vùng rừng tràm xã Vĩnh Sơn rồi dùng búa, ve sắt tháo bom, lấy 84kg thuốc nổ đem bán thì bị công an bắt. Tại nơi ở của ông Tuấn, cơ quan chức năng thu giữ thêm 92,5kg thuốc nổ TNT. Chứng kiến ông Tuấn bị bắt, kết án, nhiều người thương xót nhưng cũng cảm thấy may mắn bởi nếu quả bom phát nổ thì hậu quả còn đáng sợ hơn.
Thống kê của TAND tỉnh Quảng Trị, trong 7 năm trở lại đây, TAND các cấp trên địa bàn tỉnh đã xử lý hơn 45 vụ án chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng mua bán trái phép vật liệu nổ với 109 bị cáo.
Thu lợi khủng, làm giàu nhanh những quả bom, đầu đạn được người dân gom từ khắp nơi đưa về cưa, cắt tái chế.