Nỗi đau chưa vơi sau 7 năm vụ nổ kho pháo hoa

Sự kiện: Tin nóng

Vụ nổ xảy ra tại kho pháo hoa thuộc Nhà máy Z121 ở Phú Thọ đã cướp đi sinh mạng của 27 người và làm 75 người khác bị thương. Bảy năm sau ngày tang thương đó, người ở lại vẫn chưa vơi nỗi đau.

Vào 7 giờ 50 ngày 12-10-2013, khi công nhân Phân xưởng A17 đang làm việc thì một tiếng nổ lớn phát ra, sau đó pháo hoa, đất đá, bụi mù tạo thành cột khói cao hàng chục mét. Kho pháo chứa nhiều thuốc nổ đã làm khu vực sản xuất như một bãi chiến trường chỉ sau vài phút.

Ký ức kinh hoàng

Chỉ tay về khu vực nhà máy, bà Vũ Thị Minh, mẹ của anh Hà Anh Tuấn, cho biết khu vực xảy ra vụ nổ rất gần nhà bà nên cảm nhận rất rõ. Ngoài nghe tiếng nổ lớn, những vật dụng trong căn phòng của bà cứ rung lên như động đất, còn trên mái nhà đá văng rào rào như có trận mưa đá.

“Biết vụ nổ ở nhà máy, tôi lo sợ hỏi chồng. Anh trấn an rằng: Con mình thoát rồi. Tôi hỏi: Sao anh biết con mình thoát? Chồng tôi bảo sáng nay thấy con mặc đẹp lắm nên chắc không phải đi làm” - bà Minh kể.

Theo bà Minh, hôm đó là quốc tang nên toàn quân được nghỉ để viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vì vậy, vợ chồng bà vẫn có một niềm tin sâu thẳm rằng con mình không có mặt tại nhà máy vào thời điểm xảy ra vụ nổ.

Nhưng niềm tin đó nhanh chóng bị dập tắt khi có người báo tin vụ nổ lớn làm cho nhiều người bị văng ra xung quanh, hiện cơ quan chức năng phải xét nghiệm ADN, con trai duy nhất của bà cũng nằm trong số đó.

Ông Nguyễn Xuân Huy có con dâu là chị Đoàn Thanh Mai, khi vụ nổ xảy ra, dù nhà ở cách xa địa điểm nhà máy nhưng ông vẫn cảm nhận được rung chấn mà nó đưa lại.

Nhận được điện thoại của con trai báo về vụ nổ, nơi con dâu đang làm việc, ông Huy liền tức tốc vượt 15 km đi về phía nhà máy. “Lúc đó người dân trong bán kính 15 km đã được yêu cầu đi di tản, người ta chạy xa nhà máy còn tôi lại đi về đó để nghe ngóng thông tin về con dâu của mình” - ông Huy kể lại.

Vụ nổ đã cướp đi sinh mạng của 27 người, trong đó có 26 người là cán bộ, chiến sĩ, công nhân đang làm việc tại nhà máy, có người còn đang mang thai, một người dân bị mảnh vỡ cứa qua cổ khi đang ở trên đồng.

Đại diện các gia đình có người thân mất trong vụ nổ pháo hoa chia sẻ với PV Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: V.THỊNH

Đại diện các gia đình có người thân mất trong vụ nổ pháo hoa chia sẻ với PV Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: V.THỊNH

Lễ tang anh Lưu Thanh Tùng, nạn nhân trong vụ nổ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Lễ tang anh Lưu Thanh Tùng, nạn nhân trong vụ nổ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Khắc khoải mong người thân được công nhận liệt sĩ

Bảy năm kể từ ngày vụ nổ kinh hoàng đó, nỗi đau vẫn chưa vơi trong lòng người mẹ Vũ Thị Minh, bà nói: “Con mất đi, suốt mấy năm qua vợ chồng tôi không còn nước mắt để khóc con nữa”.

Ngồi bên cạnh vợ mình, ông Hà Đình Trọng hướng về di ảnh con trai. Ông nói cả gia đình ông đều phục vụ trong lực lượng vũ trang nên hiểu được sự mất mát này. Nhưng điều ông băn khoăn, trăn trở nhất là đến nay đứa con trai duy nhất của ông vẫn chưa được công nhận liệt sĩ sau sự ra đi.

“Ngày đó, nhiều cấp lãnh đạo đã lần lượt đến thắp hương và hứa sẽ xem xét công nhận liệt sĩ cho con tôi. Những lời động viên đó khiến hai vợ chồng cảm thấy được an ủi phần nào. Tuy nhiên, cuối năm 2016, công ty thông báo cho các gia đình đến nhận tiền hỗ trợ tử tuất và các khoản khác theo chính sách bảo hiểm xã hội, chúng tôi mới biết các cháu chưa từng được Bộ Quốc phòng lập hồ sơ công nhận liệt sĩ…” - ông Trọng nói.

“Không phải ai chết cũng được công nhận liệt sĩ”

Vụ tai nạn xảy ra không ai mong muốn. Giải quyết vụ việc, kể cả chính sách phải căn cứ quy định của Nhà nước và pháp luật. Về bất cứ lý do gì, liệt sĩ vẫn là danh hiệu cao quý để tôn vinh, chứ không phải ai chết cũng được công nhận liệt sĩ.

Thiếu tướng TRẦN QUỐC DŨNG, Cục trưởng Cục Chính sách 

Lật từng trang album ảnh chụp lại toàn bộ lễ tang của con mình, bà Đặng Thị Mùi, mẹ của anh Vi Thái Bình, cho biết: “Bình ra đi để lại hai người con, con đầu mới sáu tuổi, đứa út mới sinh vài tháng, cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn lại càng cơ cực”.

Đau đớn hơn, vụ nổ hôm đó đã khiến ông Hoàng Văn Chương không còn nhận ra con rể mình là Chương Hải Hà, mà phải chờ đến xét nghiệm ADN. Công ty nói trường hợp của anh Hà muốn công nhận liệt sĩ phải đến Sở LĐ-TB&XH xin lập hồ sơ để xem xét theo hướng căn cứ Nghị định 54/2006 về hướng dẫn pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Trong đó, anh Hà là người “dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân”.

“Tuy nhiên, tôi không đồng ý và cho rằng Hà phục vụ trong quân đội, không phải dân thường nên việc xác lập hồ sơ công nhận liệt sĩ phải là quân đội. Hơn nữa, vụ nổ diễn ra nhanh, con tôi không thể gọi là “dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước được” bởi vì chỉ trong tích tắc vài giây sau vụ nổ thì tất cả đều tử vong, sao còn thời gian cứu gì…” - ông Hoàng Văn Chương băn khoăn.

Cùng chung sự trăn trở, bà Nguyễn Thị Thu khẳng định con dâu bà là Đoàn Thị Hải Yến trước khi mất mang cấp bậc đại úy nhưng đến nay cũng không được công nhận là liệt sĩ.

“Tôi rất mong Bộ Quốc phòng sớm xem xét, công nhận liệt sĩ để bù đắp những mất mát của gia đình…” - bà Thu nói và đưa tay lên quệt những giọt nước mắt lăn dài trên má.

Điểm phát cháy nổ đầu tiên tại nhà 616

Biên bản điều tra vụ cháy nổ pháo hoa tại Xí nghiệp 4, Nhà máy Z121 ghi: “Căn cứ vào diễn biến vụ cháy nổ, kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, giám định pháp y và lời khai của các nhân chứng, đoàn điều tra có đủ cơ sở để khẳng định điểm phát cháy nổ đầu tiên tại nhà 616, nhiều khả năng do công nhân sơ suất khi bốc xếp, giao nhận làm rơi đồ hoặc va đập mạnh thùng (túi) chứa bán thành phẩm pháo hoa. Từ điểm phát cháy nổ đầu tiên đã làm lây lan cháy nổ sang các nhà xung quanh và toàn bộ hiện trường”. 

Lửa cháy bao trùm KCN ở Phú Thọ từ đêm đến sáng

Vụ cháy KCN Thụy Vân (Phú Thọ) xảy ra rạng sáng 14/6 đến 6h30 sáng cùng ngày.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viết Long- Viết Thịnh ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN