Nọc độc rắn hổ mang chúa 4,6kg ở núi Bà Đen và "cuộc lội ngược dòng" của nạn nhân
Sức khỏe người đàn ông bắt rắn hổ mang chúa đã khá hơn nhưng vẫn thở máy, hiện vết thương đã giảm sưng, hoại tử được khống chế.
Ngày 24-8, bác sĩ chuyên khoa II Phan Thị Xuân - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết tình trạng sức khỏe người đàn ông bị rắn hổ mang chúa tấn công đã khá hơn, vẫn thở máy nhưng trao đổi oxy ở phổi cải thiện.
"Bệnh nhân hiện không cần sử dụng vận mạch, tình trạng sưng nề và hoại tử mô không lan thêm, tình trạng nhiễm độc giảm, tổn thương thận cấp đang được lọc máu liên tục" - bác sĩ Phan Thị Xuân thông tin.
Trước đó, do sức khỏe bệnh nhân P.V.T. (SN 1982, quê Tây Ninh) trở nặng, cơ tim bị tổn thương do nọc độc tấn công, vết thương bị sưng phù và hoại tử nên bệnh nhân được chuyển sang Khoa Hồi sức Cấp cứu.
Hiện nay sức khỏe bệnh nhân T. đã cải thiện
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã chỉ đạo các khoa liên quan tập trung cứu chữa cho bệnh nhân, lọc máu và thay huyết tương liên tục.
Sáng 19-8, trong lúc đi làm thuê ở một rẫy mãng cầu gần núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh), anh T. phát hiện một con rắn hổ mang chúa nặng 4,6 kg và dài hơn 2,5 mét. Phát hiện rắn, con trai anh T. kêu cha bỏ chạy nhưng do gia đình khó khăn nên anh quay lại bắt con rắn để bán. Tuy nhiên, khi bị bắt, con rắn đã cắn vào đùi anh T.
Con rắn nặng 4,6 kg và dài hơn 2,5 mét
Anh T. chụp con rắn chạy ra đường nhờ người đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. Khi vào bệnh viện, anh T. vẫn giữ con rắn và người nhà mang theo con vật đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Anh T. được các bác sĩ truyền 15 lọ huyết thanh kháng nọc độc rắn hổ mang để bệnh nhân không bị liệt cơ hô hấp ở giai đoạn đầu. Các bác sĩ cho biết nếu rắn hổ mang chúa chưa đi săn mồi, hoặc mới bò từ hang ra sau một thời gian nằm ổ thì nọc độc khá mạnh, nếu bị tấn công thì nạn nhân có thể tử vong khi bước đi được 3 bước.
Ngày 21-8, tình hình anh T. chuyển biến xấu, vùng đùi bị rắn hổ mang chúa cắn hoại tử, nguy cơ phải đoạn chi.
Nguồn: [Link nguồn]