Níu lại chiều cao cho “người khổng lồ”
Theo ThS - BS Phạm Anh Tuấn, Phó Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - TPHCM, việc phẫu thuật cho “người khổng lồ” này đã được lên kế hoạch cụ thể. Dự kiến, ca mổ kéo dài trong vòng 1-2 giờ và sẽ khống chế được những rối loạn phức tạp trong cơ thể cho bệnh nhân.
Những ngày vừa qua, một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - TPHCM trở nên nổi tiếng đối với nhiều người ở đây do hình thù đặc biệt của mình. Đó là “người khổng lồ” Dương Tiến Đ. (ngụ huyện Long Khánh - Đồng Nai), dù còn trong độ tuổi thanh niên nhưng đã nặng 75 kg và sở hữu chiều cao hơn 2,03 m!
Tôi ơi, đừng cao nữa!
TS-BS Nguyễn Thy Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết anh Đ. đến khám bệnh vào ngày 12/6. Ngoài thân hình cao quá cỡ, Đ. còn thường bị triệu chứng đau đầu. Sau khi được các BS chuyên về nội tiết thăm khám, anh được chỉ định vào ngày 15/6 nhập viện làm các xét nghiệm để điều trị với u tuyến yên.
Trong những ngày vừa nhập viện Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh nhân bỗng dưng nổi tiếng với chiều cao xếp vào “xưa nay hiếm” ở Việt Nam của mình. Vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chỉ cần hỏi tên Đ. thì từ BS cho đến những thân nhân nuôi bệnh ai cũng biết.
Đ. cho biết những ngày qua, ngoài những người nuôi bệnh hiếu kỳ đến phòng quan sát lén thì cũng có nhiều phóng viên đến tìm hiểu về anh. Tuy nhiên, anh rất ngại tiếp xúc vì “mắc cỡ về chiều cao quá khổ” của mình. Hôm chúng tôi đến, nhiều người hiếu kỳ cũng đang tìm gặp anh.
Theo Đ., gia đình anh có 3 anh chị em. “Trong khi mẹ và chị gái tôi chỉ cao chừng 1,6 m, cha và anh trai cao lần lượt 1,75 m, 1,8 m thì riêng tôi lại phát triển quá khổ với chiều cao quá mức bình thường là trên 2 m” - Đ. băn khoăn. Lúc mới sinh, anh cân nặng gần 4 kg và thuộc diện trẻ sơ sinh lớn nhất bệnh viện hồi đó. Tuy nhiên, cứ như cái cây phát triển vậy, càng lớn, Đ. cứ cao dần, không thể kiểm soát nổi. Năm 2010, Đ. mới cao chừng 1,9 m nhưng đến nay, anh đã cao thêm rất nhiều.
Anh Đ. cao hơn người thường đến nửa thân mình
Do chiều cao quá cỡ, Đ. gặp khá nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt, như khó tìm quần áo, giày dép (vì chân dài đến 30 cm, quần áo phải chọn size XXL) vừa kích cỡ, không dám chạy xe máy vì giống như trẻ ngồi đồ chơi... Mỗi lần đi đâu, với thân hình cao lều khều, nhiều lúc anh mất tự nhiên vì trở thành tâm điểm chú ý của mọi người.
“Ở nhà, ngoài khung cửa phải thiết kế xây cao hơn bình thường thì giường ngủ của tôi cũng phải được đóng khác biệt với chiều dài 2 m. Tuy vậy, khi ngủ, tôi vẫn phải nằm cong như con tôm vì nếu nằm thẳng sẽ không đủ cỡ, cụng đầu, khua chân…” - anh Đ. lắc đầu. Anh kể thêm: “Lúc nhỏ thấy cao hơn các bạn trang lứa thì rất thích nhưng càng lớn càng cao quá, đến nỗi tôi phải mắc cỡ luôn. Ước gì đừng cao nữa, thấp bớt xuống đi”.
“Peter Crouch” của Việt Nam
Đ. cho biết anh ăn uống bình thường, khẩu phần cũng không có gì khác biệt so với mọi người, chỉ có chiều cao là không thể hiểu nổi vì ngày càng bất thường. Ngay từ nhỏ, hình dạng anh cũng bình thường, thời điểm bắt đầu khác biệt là khi học sang lớp 7-8. Lúc ấy, tôi là học sinh cao lớn nhất trường với chiều cao 1,8 m, sang các năm cấp THPT thì chiều cao càng cách biệt so với các bạn cùng trang lứa.
“Ngồi vào bàn học, tôi luôn phải cúi thấp người. Thỉnh thoảng, do không để ý, tôi bị đụng đầu vào các thanh ngang cửa, đau điếng. Vì vậy, các bạn cùng lớp đặt cho tôi biệt danh “Peter Crouch” (tên cầu thủ người Anh - PV) Việt Nam. Dù vậy, Peter Crouch cũng chỉ cao 2,01 m, thua cả chiều cao của tôi” – anh Đ. nhớ lại.
Khi tốt nghiệp cấp 3, Đ. mong muốn học ngành nông lâm nhưng do thường xuyên bị đau đầu, mệt mỏi nên việc học của anh tạm gác lại. Đ. biết rõ chuyện mình cao ngồng là hiện tượng không bình thường nhưng không dám đi khám điều trị vì “sợ bị BS mang ra làm thí nghiệm” và không muốn mình được nhiều người biết đến như một trường hợp bất thường. “Tuy nhiên, khi gia đình cố thuyết phục, tìm cách chữa trị, tôi mới chấp nhận” - anh Đ. cho biết.
Xử lý trong tầm tay
Theo BS Trần Quang Khánh, Trưởng Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, sau khi được thăm khám và thực hiện tất cả các xét nghiệm, cận lâm sàng cần thiết, bệnh viện đã tìm được nguyên nhân gây ra sự cao lớn bất thường của Đ. Kết quả cho thấy bệnh nhân này có khối u của tuyến yên bất thường tiết ra hormone tăng trưởng trước tuổi dậy thì.
“Nếu bệnh diễn tiến lâu ngày không được chẩn đoán và điều trị sẽ dẫn đến biến chứng và kèm theo một số bệnh lý không tốt cho sức khỏe như huyết áp, đái tháo đường... Hiện Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã hội chẩn liên khoa, chuyển bệnh nhân sang Khoa Ngoại thần kinh để chuẩn bị phẫu thuật cắt khối u tuyến yên” - BS Khánh phân tích.
“Peter Crouch” thường gặp nhiều chuyện khổ sở, nhất là khi đi đứng
ThS - BS Phạm Anh Tuấn, Phó Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết u tuyến yên là bệnh hiếm gặp nhưng không phải khó xử lý. Bệnh này khiến các đầu chi người bệnh to lên, chiều cao vì thế cũng không bình thường. Nhiều năm qua, bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật thành công nhiều ca mắc bệnh tương tự nhưng chưa có trường hợp nào cao quá cỡ như bệnh nhân Đ. này.
“Hiện nay, kế hoạch phẫu thuật cho “người khổng lồ” Dương Tiến Đ. đã được xây dựng cụ thể. Theo đó, ca mổ sẽ thực hiện vào thứ sáu tuần tới (ngày 29/6), dự kiến kéo dài trong vòng 1-2 giờ, sau đó các BS sẽ khống chế được bệnh cũng như những rối loạn phức tạp trong cơ thể bệnh nhân. Việc phẫu thuật là trong tầm tay của các BS nên không có gì lo lắng” - BS Tuấn khẳng định.
Trong những ngày chờ phẫu thuật, Đ. cho biết anh được BS can thiệp, dù không thấp trở lại như mọi người nhưng hy vọng sẽ không cao thêm nữa. “Thêm vào đó, sau điều trị, các BS sẽ hồi phục sức khỏe để thực hiện tâm huyết của mình” - chàng trai trẻ tâm sự.
Những người cao kỷ lục Người cao nhất thế giới hiện giờ là Sultan Kosen (SN 1982, người Thổ Nhĩ Kỳ), được Tổ chức Guinness thế giới xác nhận vào năm 2009 với chiều cao 2,51 m. Sultan Kosen cũng trở thành người khổng lồ do mắc chứng bệnh từ một khối u trong tuyến yên gây ra. Sau một thời gian điều trị tại Trường Đại học Virginia - Mỹ từ tháng 5/2010, đến giữa tháng 3 năm nay, các BS thông báo người đàn ông cao nhất thế giới đã ngừng cao thêm. Ông Trần Thành Phố, người được xem là cao nhất Việt Nam Tại Việt Nam, người mắc bệnh khổng lồ đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1960. Đó là bệnh nhân Đ.X.Y, 16 tuổi, cao 2,03 m, đã được đưa vào sách Nội tiết học đại cương của PGS - BS Mai Thế Trạch - Nguyễn Thy Khuê. Tuy nhiên, người cao nhất Việt Nam từng được ghi nhận đến nay là ông Trần Thành Phố (SN 1947), cao 2,3 m, đã qua đời năm 2010. |