Ninh Thuận phạt oan người bán vé số dạo!
Nghị định 98/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành vi “thực hiện kinh doanh xổ số không đúng địa bàn” trong khi người bán dạo không phải là người kinh doanh xổ số.
Người bán vé số dạo không phải là người kinh doanh xổ số. Ảnh: HTD
Ngày 7-9, ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết UBND tỉnh này đã yêu cầu Sở Tài chính, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết (XSKT) Ninh Thuận làm rõ việc báo chí phản ánh các cơ quan này đã tổ chức xử phạt những người bán vé số miền Nam ở địa bàn tỉnh. “Ngày 12-9 là hạn cuối cùng để các đơn vị này có báo cáo bằng văn bản và tỉnh sẽ cung cấp cụ thể cho báo chí” - ông Bình nói.
Theo diễn biến sự việc thì từ đầu năm 2016 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra Sở Tài chính tỉnh Ninh Thuận làm trưởng đoàn đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt người bán vé số dạo về hành vi thực hiện kinh doanh xổ số không đúng địa bàn theo Điều 38 Nghị định 98/2013 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số).
Chỉ có thể phạt đại lý xổ số
“Việc xử phạt này là trái luật do không đúng đối tượng. Cơ quan xử phạt đã hiểu sai về chủ thể điều chỉnh” - luật sư Phạm Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét.
Theo luật sư Tâm, người bán vé số dạo không phải là người kinh doanh xổ số. Khái niệm “kinh doanh” đã được giải thích rất rõ tại khoản 16 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014: Là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình, đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. Ngoài ra, việc kinh doanh phải thực hiện dưới một mô hình nhất định, phải đăng ký kinh doanh ngay cả đối với hộ cá thể.
“Người bán vé số dạo không phải là người kinh doanh vé số, họ chỉ là những người làm công hưởng chênh lệch trên phần trăm hoa hồng trong tổng số tiền bán vé do các đại lý, công ty xổ số quy định. Nếu có chứng cứ cho rằng có vi phạm trong việc kinh doanh vé số không đúng địa bàn thì chỉ có thể xử phạt đại lý vé số hoặc công ty xổ số. Cơ sở pháp lý để xử phạt hai đối tượng này là Thông tư 75/2013 của Bộ Tài chính” - luật sư Tâm phân tích.
Ý kiến này của luật sư Tâm cũng tương đồng với ý kiến của ông Đỗ Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, Tổng Giám đốc Công ty XSKT TP.HCM, nêu trong công văn ngày 26-8-2015 mà Thanh Niên Online ngày 7-9 đã viện dẫn. Theo đó, ông Vinh khẳng định việc vé xổ số truyền thống của khu vực miền Nam tiêu thụ trên địa bàn các xã, huyện giáp ranh giữa khu vực miền Trung và miền Nam là do đại lý xổ số của các địa phương trên mua về kinh doanh.
Do đó, việc xử lý và thực hiện các biện pháp chế tài các đại lý kinh doanh không đúng quy định thuộc thẩm quyền của các công ty XSKT khu vực miền Trung. Các công ty XSKT trong khu vực miền Nam không có chủ trương phân phối, phát hành vé số ra ngoài khu vực.
Phạt người bán dạo là sai đối tượng
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng theo Nghị định 30/2007 và Nghị định 78/2012 về kinh doanh xổ số thì những người bán vé số dạo là bán vé xổ số truyền thống có in sẵn trước giá vé, các chữ số, chữ cái để khách hàng lựa chọn tham gia dự thưởng. Khách hàng là người tham gia dự thưởng xổ số trên toàn lãnh thổ Việt Nam nên người bán lẻ có thể hoạt động ở tỉnh nào cũng được. Nói cách khác, người bán vé số dạo không phải là đơn vị kinh doanh xổ số.
Ngoài ra, điểm a khoản 1 Điều 12 Thông tư 75/2013 của Bộ Tài chính có quy định về việc công ty xổ số bán trực tiếp cho khách hàng. Điểm a khoản 2 Điều 13 thông tư này cũng quy định địa bàn phát hành vé số đối với khu vực miền Trung là phát hành theo cơ chế thị trường chung. Như vậy, công ty kinh doanh vé số có quyền bán trực tiếp cho khách hàng hoặc thông qua hệ thống đại lý xổ số. Điều đó cũng có nghĩa người bán vé số dạo không liên quan đến vấn đề phân phối kinh doanh vé số nên họ không vi phạm Điều 38 Nghị định 98/2013 và cũng không vi phạm quy định nào.
“Việc xử phạt và tịch thu vé số của người bán dạo sai còn dẫn đến hệ quả pháp lý khó lường. Đó là nếu trong các tờ vé số bị tịch thu có vé số trúng thưởng thì không biết giải quyết thế nào. Do đó cơ quan có thẩm quyền cần thu hồi ngay các quyết định xử phạt nêu trên và trả lại những tờ vé số đã tịch thu” - luật sư Tuấn nhấn mạnh.
Ngày 1-9, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận đã tạm giữ tám tờ vé số (do Công ty TNHH MTV XSKT Bình Thuận phát hành) của bà T. đang bán dạo. Vụ việc đã được nhiều người chụp ảnh, đưa lên mạng xã hội với các ý kiến không đồng tình. Theo Sở Tài chính tỉnh Ninh Thuận, việc phát hành vé số được chia theo khu vực, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt. Từ cuối năm 2015, tỉnh Ninh Thuận lập đoàn kiểm tra liên ngành và đã xử phạt, tịch thu một lượng vé số từ khu vực miền Nam của những người bán dạo. Hầu hết vé số khu vực miền Nam đều là vé số của Công ty XSKT tỉnh Bình Thuận, do cơ cấu trúng thưởng của Bình Thuận hấp dẫn nên bán đắt hơn. Cụ thể, vé số khu vực miền Nam trong đó có Bình Thuận bán giá 10.000 đồng/tờ xổ trúng thưởng sáu số có giải đặc biệt là 1,5 tỉ đồng. Vé số của khu vực miền Trung đồng giá nhưng xổ vé năm số với giải đặc biệt chỉ 250 triệu đồng. PHƯƠNG NAM Theo Thông tư số 75/2013 của Bộ Tài chính, hoạt động kinh doanh XSKT được chia theo các khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Thời gian qua Bộ Tài chính đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành chỉ đạo công ty xổ số và hội đồng xổ số các khu vực kiểm tra việc phát hành, phân phối, tiêu thụ vé số và rà soát lại hoạt động của các đại lý để xử lý nghiêm hành vi đưa vé xổ số tiêu thụ sai địa bàn. Nếu tình trạng này không được chấn chỉnh và giám sát nghiêm ngặt sẽ gây bất ổn đến hoạt động kinh doanh của các công ty xổ số. Đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) TRÀ PHƯƠNG ghi |