Những vụ trộm xác chấn động ở trường bắn

Đến tận bây giờ khi khai quật những ngôi mộ của các trùm giang hồ khét tiếng, nhiều người mới vỡ lẽ xác của những tử tù này đã “bốc hơi” từ lâu mà không rõ lý do.

Mãi đến nay, sau khi trường bắn Long Bình bị giải tỏa để phát triển dự án đô thị, ông Ba Son mới hé lộ ra những kế hoạch trộm xác tử tù kinh thiên động địa mà chính ông là người “đạo diễn”.

Vụ cướp xác “thống lãnh” giang hồ chấn động

Mấy chục năm hành nghề phu mộ ở trường bắn Long Bình, ông Ba Son đã tận tay chôn cất nhiều thi thể tử tù khét tiếng như “trùm xã hội đen” Năm Cam, các “đại gia” Phạm Huy Phước, Lê Hữu Cảnh, Trần Quang Vinh (trong vụ án Tamexco), Tăng Minh Phụng, Phạm Nhật Hồng (trong vụ án Epco)… Vì vậy, ông khá “đắt mối” do được người thân tử tù tin cậy thuê thực hiện những vụ trộm xác khỏi trường bắn.

Ông Ba Son tâm sự, giờ trường bắn Long Bình đã được giải tỏa để phát triển dự án đô thị, ông mới dám hé lộ ra những kế hoạch trộm xác tử tù kinh thiên động địa mà chính ông là người “đạo diễn”.

Đầu tiên phải kế đến vụ trộm xác ông trùm xã hội đen Trương Văn Cam (tức Năm Cam) và đồng bọn vào năm 2004. Cuối năm 2012, sau bao nhiêu năm “thống lĩnh giang hồ”, băng nhóm Năm Cam bị triệt phá. Đến năm 2004, Năm Cam cùng bốn đệ tử thân cận là Châu Phát Lai Em, Nguyễn Hữu Thịnh, Nguyễn Việt Hưng, Phạm Văn Minh (Minh Bu) bị kết án tử hình.

Những vụ trộm xác chấn động ở trường bắn - 1

Dấu tích còn lại của phần mộ một “đại ca” bị trộm xác cách đây chưa lâu

Ông Ba Son nhớ như in vụ xử bắn ông trùm xã hội đen và đám tay chân thân tín. Ông kể, trước đó vài ngày phía trại giam có thông báo cho ông biết Năm Cam và đồng bọn sắp xử bắn ở trường bắn Long Bình để ông chuẩn bị an táng cho họ. Khoảng 5h10 sáng 3/6/2004, ông đang ngủ thì có người đến gọi ra trường bắn gấp để chôn cất xác Năm Cam và đồng bọn. Ông Ba Son vắt óc nghĩ mãi vẫn không hiểu tại sao hôm nay Năm Cam và các đệ tử của y bị “dựa cột” sớm như vậy.

Trên đường ra trường bắn, ông Ba Son kinh ngạc khi nhìn thấy cảnh tượng mà từ trước đến nay chưa từng xảy ra ở trường bắn Long Bình: Hàng trăm cảnh sát được trang bị vũ khí cùng xe đặc chủng đứng kín trên xa lộ Hà Nội (trên địa bàn quận 9). Cách đó không xa là đám đông giang hồ mặc quần áo đen, chân đi giầy đen, đeo kính đen… đứng đông nghịt khiến giao thông những tuyến đường dọc xa lộ Hà Nội kẹt cứng.

Ông Ba Son và những người hành nghề phu mộ trường bắn đến nơi pháp trường thì trời đã sáng hẳn. Ông tiến đến những chiếc cột đang trói chặt Năm Cam, Phạm Văn Minh, Châu Phát Lai Em, Nguyễn Việt Hưng và Nguyễn Hữu Thịnh, tất cả tử tù này đã bị xử bắn, thi thể vẫn còn ấm nóng...

Những người phu mộ trường bắn lần lượt tháo dây đưa thi thể tử tù vào quan tài rồi chôn cất. Sau khi Năm Cam và đồng bọn bị xử bắn, hàng trăm cảnh sát vẫn túc trực canh giữ nghiêm ngặt quanh trường bắn Long Bình để đề phòng đàn em Năm Cam đến cướp xác.

Một tuần sau, khi lực lượng công an rút về, một toán giang hồ đột nhập vào trường bắn, nhưng vì thi thể Năm Cam đang trong quá trình phân hủy nên không lấy được. Gia đình Năm Cam tìm gặp ông Ba Son nhờ giúp đỡ trộm xác Năm Cam,  Phạm Văn Minh, Châu Phát Lai Em, Nguyễn Việt Hưng và Nguyễn Hữu Thịnh với số tiền lên đến hơn 200 triệu đồng.

Chỉ một ngày sau, xác Năm Cam và bốn đệ tử thân tín của y lần lượt “bốc hơi” khỏi trường bắn. Thi thể Năm Cam được gia đình đưa đi hỏa thiêu rồi chuyển tro cốt về tỉnh Tiền Giang chôn cất.

Cướp xác “đại ca” bất thành

Ngoài phi vụ cướp xác trùm giang hồ khét tiếng Năm Cam và đồng bọn, ông Ba Son cùng chứng kiến cảnh đột nhập vào trường bắn Long Bình đào mộ Phước “tám ngón” của đám đệ tử cách đây đã mười mấy năm. Phước “tám ngón” (tên thật là Nguyễn Hữu Thành) cầm đầu băng nhóm chuyên giết người, cướp tài sản khét tiếng nhất từ trước đến nay tại miền Nam.

Những vụ trộm xác chấn động ở trường bắn - 2

Ông Ba Son kể lại những câu chuyện rùng rợn ở trường bắn với phóng viên

Ngày 29/4/1996, sau khi sa lưới pháp luật, Phước “tám ngón” bị Tòa án Nhân dân  TP.HCM đưa ra xét xử và tuyên án tử hình về tội giết người, cướp tài sản. Đến năm 1998, Phước 8 “ngón” bị thi hành án tử ở trường bắn Long Bình.

Thi thể Phước “tám ngón” được ông Ba Son và những phu mộ trường bắn chôn cất cạnh một cái cây lớn, xung quanh cỏ mọc um tùm. Ông Ba Son bảo, không ngờ một tướng cướp “xưng hùng xưng bá” như Phước “tám ngón” dưới trướng có hàng tá đàn em, nhưng đến khi “dựa cột” phải nằm lại nơi nấm mồ lạnh lẽo không hương khói.

Mọi chuyện tưởng yên ắng nhưng chưa đầy 4 tháng sau, băng nhóm gồm 10 người, trên mình xăm trổ chằng chịt chạy xe Su “xì po” tự xưng là đàn em của Phước “tám ngón” ập đến trường bắn Long Bình tìm gặp ông Ba Son. Khi biết được những tên giang hồ máu lạnh đến trộm xác đại ca Phước “tám ngón”, ông Ba Son không dám kháng cự.

Được chỉ nơi chôn Phước “tám ngón”, nhóm người này sau khi hành lễ đốt nhang khấn vái đã tận tay đào bới phần mộ của ‘đại ca”. Nhưng khi mở nắp quan tài, cả đám không tài nào lấy hài cốt “đại ca” vì mùi tử khí quá nặng do thi thể đang trong quá trình phân hủy. Sau một hồi đứng như trời trồng, những tay giang hồ này đành bỏ đi. Kết cục, ông Ba Son phải hì hục chôn xác Phước “tám ngón” trở lại nơi mộ phần này.

Cách đây hơn một năm không thấy gia đình đến nhận, ông Ba Son đã tự tay cải tang, gom hài cốt Phước “tám ngón” bỏ vào quách rồi gửi vào một ngôi chùa ở quận 9…

Rạng sáng 3/6/2004, hàng trăm cảnh sát bí mật áp giải tử tù Năm Cam và đồng bọn xuống khám Chí Hòa (TP.HCM), sau đó di chuyển về trường bắn Long Bình để thi hành án bằng hình thức xử bắn trước khi trời sáng. Ngoài trộm xác hàng loạt tử tù mang án hình sự, ông Ba Son còn “đạo diễn” những vụ cướp xác tử tù bị kết án về tội tham nhũng như Phạm Huy Phước, Lê Hữu Cảnh… Đó là những phi vụ “để đời” làm thay đổi cuộc đời những người hành nghề phu mộ như ông Ba Son.

Khu mộ tử tù trường bắn Long Bình có lúc rộn ràng bước chân những con đề say máu. Một trong những mộ phần được giới đề đóm đến xin số và truyền tụng “linh” nhất chính là mộ phần của tử tù tướng cướp khét tiếng Phước “tám ngón”.

Đón đọc Kỳ cuối: Trường bắn Long Bình: “Thánh địa” lô đề vào 19h ngày 5/12

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hưng Văn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN