Những vũ khí sinh học đáng sợ nhất
Một số bài khoa học nêu chi tiết cách tạo ra phiên bản cực kỳ nguy hiểm của virus gây cúm gia cầm H5N1 được xuất bản gần đây làm gợi lại những căn bệnh kinh hoàng trong lịch sử từng được sử dụng làm vũ khí sinh học.
Ngay cả khi công thức tạo virus cúm gia cầm chưa được xuất bản thì cũng còn nhiều loại virus khác mà những kẻ xấu có thể lựa chọn. Mầm bệnh chết người trong vũ khí sinh học có thể lây từ người sang người, có thời gian ủ bệnh và lây nhiễm đủ lâu để người mang bệnh có thể truyền cho người khác mà không có khả năng chống cự hay tiêu diệt.
Dưới đây là 5 vũ khí sinh học đáng sợ nhất từ trước tới nay:
1. Đậu mùa
Đứng đầu trong danh sách vũ khí sinh học nhất là mầm bệnh đậu mùa. Trong lịch sử, nó gây ra tỷ lệ tử vong tới 30-35%, hoặc có khi cao tới 90% đối với những cộng đồng dân cư, như người Mỹ bản địa, chưa bao giờ từng tiếp xúc với bệnh này.
Đậu mùa là virus lây truyền trong không khí, nghĩa là người mang bệnh có thể truyền bệnh dễ dàng khi hắt hơi, ho hoặc tiếp xúc. Dấu hiệu của bệnh là sốt, khó chịu, đau toàn thân và nôn mửa. 2-4 ngày sau, nốt đỏ nỏi khắp miệng, cổ họng. Đây là giai đoạn dễ truyền nhiễm nhất. Thông thường các vết đỏ lan khắp toàn thân trong 24 giờ, nhưng người bệnh trong giai đoạn này lại cảm thấy dễ chịu hơn. Sau 3-4 ngày, nốt đậu mùa sưng lên và chứa chất lỏng bên trong. Người bệnh lại bị sốt. Thêm một hoặc hai tuần nữa thì bệnh nhân sẽ qua giai đoạn dễ truyền nhiễm.
Đậu mùa gồm 4 chủng, trong đó 3 chúng dễ gây chết người. Trường hợp mắc bệnh tự nhiên gần đây nhất là năm 1975, xảy ra ở Bangladesh. Tuy nhiên, loại virus nguy hiểm này vẫn được bảo quản lạnh tại hai phòng thí nghiệm, một ở Mỹ và một ở Nga. Cho tới nay, hầu hết những người ở độ tuổi 20 và 30 đều không có khả năng miễn dịch với bệnh này, đặc biệt ở những nước đang phát triển, nơi phần đông dân số là người trẻ.
2. Vi khuẩn kháng thuốc
Các bệnh trước đây đã được điều trị bằng kháng sinh đều có khả năng tạo thành vũ khí sinh học nguy hiểm vì nhiều chủng mới xuất hiện khả năng vô hại trước các loại kháng sinh.
Tụ cầu khuẩn vàng MRSA là loại được biết đến nhiều hơn cả. Mầm bệnh này được lây truyền qua tiếp xúc. MRSA ở trên da, nhưng một số người lại bị tổn thương nội tạng như tim. Một số chủng gây hoại tử da, nên còn được gọi là “bệnh ăn thịt”. MRSA vô sự trước mọi loại thuốc kháng sinh hiện nay.
Mầm bệnh lao (TB) đến nay cũng đã phát triển thành các chủng kháng thuốc. Trường hợp kháng thuốc hoàn toàn đầu tiên được phát hiện vào năm 2007 ở Italy, và đến năm 2010 đã có 8,8 triệu người nhiễm chủng kháng thuốc. 1,4 triệu người trong số đó đã chết.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, TB là sát thủ nguy hiểm thứ hai sau HIV/AIDS. Nó lây từ người sang người qua đường ho. Vi khuẩn sinh sôi trong phối, bệnh nhân chết vì suy đường hô hấp và tràn dịch màng phổi.
3. Bệnh dịch hạch
Cái chết đen hay bệnh dịch hạch gây ra bởi vi khuẩn Yersina pestis đã giết chết 1/3 dân số châu Âu hồi thế kỷ 14, và ngày nay vẫn đang tồn tại ở một số nơi trên thế giới.
Nó có một lịch sử dài liên quan tới vũ khí sinh học: thông tin về cuộc vây hãm của người Mông Cổ quanh thành Caffa vào năm 1347 nói rằng những kẻ xâm lược đã thả xác của những người mang mầm bệnh vào trong tường thành. Đây không chỉ là câu chuyện thời trung cổ, đợt bùng phát bệnh lớn ở Mỹ vào năm 1900 và San Francisco khiến 113 người thiệt mạng. Từ đó đến nay vẫn rải rác có người chết vì bệnh này.
Bệnh dịch hay lây truyền qua bọ chét, chúng giữ vi khuẩn trong thực quản. Vi khuẩn Yersina ngăn máu không tới được dạ dày của bọ chét, khiến bọ chét đói quá nên càng đốt hăng và cố gắng thông cổ họng bằng cách ợ vi khuẩn ra, khiến vi khuẩn gây bệnh lây sang vật chủ, trong đó có con người.
4. Bệnh than
Bệnh than lây truyền qua bào tử, và những bào tử này có thể sống sót trong nhiều môi trường, thậm chí trong nhiều năm. Bệnh than lây lan qua 3 cách: khi nạn nhân hít phải bào tử, ăn phải thịt nhiễm bệnh hoặc bào tử bệnh xâm nhập qua da.
Lây lan qua đường hô hấp dễ gây chết người hơn cả. Khi vi khuẩn phân chia trong cơ thể người, chúng giải phóng chất độc vào máu và tế bào khiến tế bào sưng lên và hoại tử. Tỷ lệ tử vong vì bệnh này rất cao, khoảng 50% khi được điều trị bằng kháng sinh, và 90% nếu không được điều trị.
Bệnh này không dễ lây truyền, nhưng bom sinh học có thể phát tán bào tử bệnh than và khiến nhiều người nhiễm bệnh cùng lúc. Bào tử bệnh than còn có thể gửi qua thư như vụ khủng bố năm 2001. Trong những vụ khủng bố những thế, phong bì thư chứa bào tử bệnh than được gửi tới nhiều cơ quan truyền thông và văn phòng của hai thượng nghị sĩ Mỹ. Kết quả là 5 người thiệt mạng và 17 người nhiễm bệnh.
Bệnh than gây ra các triệu chứng giống như bệnh cúm, và nếu một người không có lý do gì để nghi ngờ họ mắc bệnh than thì các bác sĩ cũng ít khi xét nghiệm bệnh này. Bệnh than dễ được điều trị bởi thuốc kháng sinh nếu phát hiện sớm, dù một số chủng kháng thuốc được thử nghiệm ở Mỹ và Liên Xô trong những thập kỷ 70, nhưng sau đó đã bị cấm. Năm 1942, chính phủ Anh thử nghiệm một chủng bệnh than trên một đảo thuộc Scotland, và việc khử độc mãi tới năm 1990 mới được thực hiện.
5. Tấn công gia súc
Nguy hiểm không kém gì mầm bệnh ở người, mầm bệnh tấn công động vật hay nông nghiệp cũng có sức tàn phá ghê gớm.
Bệnh Rinderpest, đã được xóa sổ từ năm 2011, có thể gây ra tỷ lệ tử vong 100% đối những đàn gia súc chưa từng tiếp xúc.
Bệnh lở mồm long móng, gây ra bởi virus thuộc giống Aphthovirus, có thể tấn công bò, lợn, cừu và dê, gây tổn thương ở chân và mồm. Tổn thương ở mồm khiến động vật không thể ăn, còn tổn thương ở chân khiến chúng bị què quặt. Một số con chết vì sưng viêm.
Bệnh lở mồm long móng có thể lây truyền qua tiếp xúc với đồ dùng nông nghiệp, quần áo hoặc thức ăn mang mầm bệnh. Trong đợt bùng phát năm 2001 ở Anh, bất kỳ ai đến Mỹ và châu Âu từ điểm bùng phát bệnh đều bị yêu cầu phải vào phòng khử trùng để tẩy uế giầy, và Liên minh châu Âu cấm nhập gia súc của Anh. Kết quả là nhiều triệu gia súc bị loại bỏ, gây thiệt hại nhiều tỷ USD. Những tên khủng bố hoàn toàn có thể dùng bình xịt để phát tán loại virus này trong các đàn gia súc.