Những vụ bản quyền bóng đá khiến người hâm mộ đứng ngồi không yên
Hàng loạt vụ việc rất “nóng” liên quan tới bản quyền phát sóng các giải bóng đá đã xảy ra trong thời gian gần đây.
Chỉ trong vòng hơn một năm qua, nhiều vụ việc liên quan tới vấn đề bản quyền phát sóng các giải bóng đá quốc tế tại Việt Nam đã trở nên rất “nóng”, như giải Ngoại hạng Anh, World Cup 2018 rồi hiện tại là ASIAD 2018.
VTVCab bị cắt sóng UEFA Champions League
Sự việc này lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam và đã khơi mào cho làn sóng kêu gọi bảo vệ bản quyền truyền hình các giải đấu bóng đá.
Vào ngày 27/8/2015, VTVcab từng công bố bản quyền phát sóng các giải bóng đá UEFA Champions League (UCL) và UEFA Europa League (UEL) trong ba mùa giải 2015 - 2016, 2016 - 2017 và 2017 - 2018. (Ảnh: VTV)
Theo đó, hồi giữa năm 2017, dư luận từng đặc biệt quan tâm về việc Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) bị đối tác quốc tế ngừng cung cấp tín hiệu, yêu cầu VTVcab ngừng truyền dẫn, phát sóng, quảng bá, phân phối các giải bóng đá UEFA Champions League (UCL) và UEFA Europa League (UEL) vì vấn đề vi phạm bản quyền.
Bởi, theo quy định của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) là khi họ bán bản quyền cho bất cứ một đơn vị nào, ngoài việc trả tiền bản quyền để được phát sóng thì đơn vị đó phải có trách nhiệm bảo vệ bản quyền, không cho phép bất cứ một đơn vị nào khác phân phối, ghi hình, quay hình, kinh doanh, phát sóng dưới bất cứ hình thức nào khác. Nếu vi phạm thì đơn vị mua bản quyền phải chịu trách nhiệm cho tất cả các hành vi đó, và sẽ bị cắt sóng nếu như không bảo vệ được bản quyền tại khu vực mình đang phát sóng.
VTV căng thẳng mua rồi lao đao tìm cách giữ bản quyền VCK World Cup 2018
Sau vụ việc của VTVCab với các giải bóng châu Âu, câu chuyện bản quyền truyền hình một lần nữa lại được nhắc tới ở mùa VCK World Cup 2018 vừa mới diễn ra cách đây không lâu.
Bản quyền VCK World Cup 2018 có giá không dưới 10 triệu USD.
Như nhiều thông tin đã đưa, hai vấn đề lớn nhất trong việc đưa bản quyền phát sóng VCK World Cup 2018 về Việt Nam chính là giá cả và việc bảo vệ bảo quyền. Về giá cả, VTV đã phải đàm phán với phía đối tác Infront Sports & Media (trụ sở ở Singapore) gần 2 năm, từ tháng 10/2016 tới tháng 6/2018 mới có kết quả khả quan. Tuy nhiên, thực tế việc đám phán có thể đã đi vào “ngõ cụt” nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ Vingroup và Viettel, bởi giá bản quyền VCK World Cup 2018 tại Việt Nam có giá không dưới 10 triệu USD - vượt quá khả năng tài chính của VTV.
Còn về vấn đề bảo vệ bản quyền, VTV đã áp dụng những công nghệ hiện đại để giới hạn vùng địa lý, ngăn khả năng ăn cắp sóng từ các đơn vị chưa được cấp phép, và họ phải thành lập riêng một đội chuyên xử lý các trường hợp vi phạm. Mặc dù vậy, trong suốt một tháng diễn ra VCK World Cup 2018, đội bảo vệ bản quyền của VTV đã phát hiện, báo cáo xử lý hàng ngàn trường hợp vi phạm bản quyền trên Facebook, YouTube nhiều trang web nhỏ lẻ khác.
Facebook độc quyền bản quyền Ngoại hạng Anh tại Việt Nam
Theo Engadget, vào tháng 7/2018, Facebook đã đạt được thỏa thuận với Premier League để phát sóng trực tiếp các trận đấu trong khuôn khổ giải bóng đá Ngoại hạng Anh ba mùa giải liên tiếp, bắt đầu từ mùa giải 2019 - 2020 trên lãnh thổ Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia - những quốc gia có lượng người hâm mộ “khủng” đối với môn thể thao vua.
Facebook đã mua độc quyền bản quyền giải Ngoại hạng Anh trong ba mùa giải 2019 - 2020, 2020 - 2021 và 2021 - 2022 tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: PA Wire/PA Images)
Tờ The Times tiết lộ thêm, Facebook đã bỏ ra số tiền 200 triệu USD để mua bản quyền tổng cộng 380 trận đấu/mùa giải của giải đấu nói trên, đánh bại cả các nhà cung cấp truyền hình hàng đầu tại châu Á như BeIN Sport và Fox Sport Asia. Tuy nhiên, chưa rõ Facebook sẽ phát sóng miễn phí hay có hình thức nào khác để thu tiền người dùng.
Sau thông tin nói trên, các đơn vị truyền hình trả tiền của Việt Nam đã bắt đầu đứng ngồi không yên. Lý do là với việc đã được Facebook mua độc quyền, liệu “số phận” của bản quyền Ngoại hạng Anh ở Việt Nam sẽ ra sao? Ngoài ra, đó còn là hàng loạt vấn đề khác, như Facebook sẽ độc quyền phát sóng trên tất cả trên các kênh truyền hình và internet, hay chỉ trên internet? Facebook sẽ triển khai tại Việt Nam như thế nào? Có kế hoạch hợp tác với các đài, doanh nghiệp địa phương hay không?,...
Cho tới thời điểm này, đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ phát ngôn nào liên quan tới vấn đề trên.
Bản quyền ASIAD 2018
Cho tới 9h sáng 21/8, chưa có bất kỳ đơn vị truyền hình nào ở Việt Nam tuyên bố chính thức sở hữu bản quyền phát sóng ASIAD 2018, dù giải đấu đã diễn ra nhiều ngày. Theo tìm hiểu của PV, hiện chỉ có duy nhất Đài truyền hình VTC (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV) đang đứng ra đàm phán với đối tác KJSM World.
Nếu có đơn vị ở Việt Nam mua được bản quyền ASIAD 2018, người hâm mộ bóng đá sẽ được theo dõi đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu trên màn ảnh nhỏ một cách hợp pháp.
Trước đó, người hâm mộ bóng đá tại Việt Nam đã phải dùng nhiều thủ thuật để xem trực tiếp các trận đấu của U23 Việt Nam tại ASIAD 2018 qua internet, mà hầu hết trong số đó là đang xem “lậu”.
Qua các vụ việc như trên, có thể thấy vấn đề bản quyền các giải bóng đá chưa bao giờ “nóng” như lúc này. Trong tương lai, còn nhiều giải đấu khác như EURO 2020, World Cup 2022,… sẽ diễn ra, và chưa ai có thể nói trước được vấn đề bản quyền khi đó sẽ diễn ra theo chiều hướng như thế nào.
Nhà đài này không phủ nhận việc đang đàm phán mua bản quyền và cho biết sẽ cung cấp thêm thông tin mới trong hôm nay (21/8).