Những việc cần làm trước khi sổ hộ khẩu hết giá trị
Việc bãi bỏ sổ hộ khẩu và sổ tạm trú giấy được coi là bước ngoặt lịch sử trong quá trình cải cách hành chính.
Theo khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020, kể từ ngày 1-1-2023, toàn bộ sổ hộ khẩu (SHK), sổ tạm trú (STT) giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Việc bãi bỏ SHK và STT giấy được coi là bước ngoặt lịch sử trong quá trình cải cách hành chính, với kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và cơ quan quản lý cư trú.
Trước thời điểm SHK và STT hết giá trị sử dụng, người dân vẫn còn một số băn khoăn, không biết cần chuẩn bị gì để đảm bảo quyền lợi cho mình.
Nên xem lại việc cấp giấy xác nhận cư trú
Biết được SHK sắp hết hạn sử dụng, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, nhân viên kế toán một công ty ở TP.HCM, cho biết từ 1-1-2023, khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, người dân chỉ cần xuất trình CCCD gắn chip hoặc dùng ứng dụng VNeID là được, không cần xuất trình SHK như trước đây. Như vậy là quá tiện lợi cho người dân. “Thế nhưng, mọi thông tin của người dân đều gói gọn trong CCCD. Đặt trường hợp nếu bị mất thẻ, tôi rất lo việc thông tin của mình sẽ bị lộ hoặc bị người khác đánh cắp thông tin để làm việc vi phạm pháp luật” - chị Nhung nói.
Anh Nguyễn Dương Nhật Uy, ở phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ: “CCCD gắn chip của tôi sai thông tin, đã được thu hồi. Thế nhưng hơn một năm nay, tôi chưa được cấp lại. Hơn thế, số định danh trước đây tôi cũng đã bị hủy vì cập nhật sai thông tin. Sắp tới đây, SHK không còn giá trị thì tôi không biết làm cách nào để chứng minh nhân thân cũng như nơi cư trú của mình”.
Người dân đang làm CCCD gắn chip tại Công an phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Anh Trần Văn Hùng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết hiện tại SHK của anh đã bị thu hồi vì trước đây anh có thay đổi thông tin trong SHK. Mặc dù anh đã được cấp CCCD gắn chip nhưng khi đi làm hợp đồng mua bán xe, nơi công chứng cũng yêu cầu anh phải xuất trình giấy xác nhận thông tin về cư trú.
“Tôi đã quay về công an phường xin giấy xác nhận. Thế nhưng, giấy xác nhận này chỉ có giá trị trong vòng 30 ngày. Nếu sau 30 ngày, tôi cần làm thủ tục liên quan đến công chứng thì phải ra công an phường yêu cầu cấp giấy tiếp. Như vậy rất mất công cho người dân. Cơ quan chức năng nên xem xét nếu bỏ SHK thì cũng nên xem lại việc cấp giấy xác nhận cư trú” - anh Hùng nói.
Nhanh chóng cập nhật thông tin cá nhân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (cơ sở dữ liệu) là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Một cán bộ công an phường tại một quận ở TP.HCM cho biết Điều 9 Luật CCCD quy định thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu...
Như vậy, nếu công dân chưa được cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu hoặc cập nhật nhưng chưa chính xác thì cần nhanh chóng đi cập nhật lại để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính sau 31-12-2022.
Lý do, những thông tin trên cơ sở dữ liệu sẽ được sử dụng thay thế SHK, STT giấy khi hai loại giấy tờ này hết hiệu lực từ 1-1-2023. Nếu thời điểm SHK, STT hết giá trị mà công dân chưa cập nhật thông tin có thể sẽ dẫn tới những khó khăn trong việc khai thác dữ liệu phục vụ các giao dịch cần thiết.
Khi bỏ SHK, người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự sẽ sử dụng một số giấy tờ tay thay thế như giấy xác định nơi cư trú, CCCD gắn chip, chủ yếu là người dân sẽ sử dụng CCCD. Hiện nay, hầu như phường nào cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đổi sang CCCD gắn chip để thuận tiện cho các giao dịch sau này.
Thậm chí có những trường hợp khó khăn, cán bộ công an sẽ đến tận nơi để làm thủ tục đổi CCCD cho người dân. Những trường hợp không đổi CCCD gắn chip vì cho rằng CMND còn hạn sử dụng thì phường cũng vận động để họ làm CCCD. Đây cũng là mục tiêu và là nhiệm vụ của mỗi cán bộ công an phường.
Số định danh cá nhân rất quan trọng, cần thiết Theo một cán bộ công an phường, những thông tin liên quan về cư trú của công dân đều được cập nhật tại cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ quan công an sẽ sử dụng số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh thông tin trên cơ sở dữ liệu. Điều 12 Luật CCCD quy định số định danh cá nhân như sau: Số định danh cá nhân được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Để đảm bảo quyền lợi, nhất là khi SHK và STT không còn giá trị, công dân đến độ tuổi làm CCCD thì cần nhanh chóng đi làm ngay để đảm bảo quyền lợi của mình. PV |
Nguồn: [Link nguồn]
Trước việc “khai tử” sổ hộ khẩu giấy, nhiều người dân hoang mang khi không rõ thủ tục thay đổi nơi thường trú sau ngày 1/1/2023.