Những việc cần làm ngay sau bỏ sổ hộ khẩu

Các đơn vị cần rà soát, dần bỏ những yêu cầu về xác nhận nơi cư trú trong thành phần hồ sơ bắt buộc.

Hiện nay, khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, các địa phương đang cố gắng không yêu cầu người dân cung cấp bất kỳ giấy tờ nào ngoài CCCD gắn chip. Nhưng khi thực hiện, người dân vẫn gặp một số khó khăn nhất định.

Còn ít người đăng ký mã định danh cấp độ 2

Một cán bộ phường ở TP.HCM cho biết hiện nay với hàng chục thủ tục áp dụng dịch vụ công trực tuyến, trong đó có quá nửa liên quan đến hộ tịch như khai sinh, khai tử, kết hôn, xác nhận tình trạng độc thân… Tuy nhiên, máy đọc CCCD được trang bị ở các xã, phường không đọc hết được thông tin trong CCCD, không có đầy đủ thông tin cư trú nên cán bộ không đủ thông tin giải quyết cho người dân, đặc biệt với người cắt chuyển hộ khẩu nhiều nơi.

Để có đầy đủ thông tin, cán bộ ở UBND xã, phường và người dân vẫn phải liên hệ với công an xã, phường nhờ trích xuất, cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, tỉ lệ người dân đăng ký mã định danh cấp độ 2 không cao, cũng là một khó khăn nhất định. Việc này đã phần nào gây khó khăn trong việc liên thông dữ liệu của các đơn vị khi giải quyết thủ tục hành chính.

Người dân cần cài đặt ứng dụng VNeID

Ông Đào Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD, trực thuộc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về các thực tế giao dịch thủ tục hành chính sau khi bỏ sổ hộ khẩu và đề xuất những việc cần làm ngay, trong đó có hướng dẫn công dân cài đặt VNeID mức độ 2.

Theo ông Nam, Bộ Công an đã đưa ra bảy phương thức để thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và bổ sung thêm phương thức bằng cách tự tra cứu được thông tin của cả hộ gia đình trên ứng dụng định danh điện tử VNeID.

Việc cấp giấy xác nhận cư trú cũng là một thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thủ tục này không ưu tiên áp dụng bởi gây phiền hà cho người dân.

Cán bộ phường ở TP.HCM đang giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Cán bộ phường ở TP.HCM đang giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Hiện nay, C06 cũng đã có hướng dẫn cho công an, UBND các tỉnh về việc đối với các địa phương đã kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì không được yêu cầu người dân phải xuất trình các giấy tờ xác nhận về nơi cư trú nữa.

“Đối với các hồ sơ yêu cầu xác nhận về nơi cư trú, hiện nay có thể các bộ, ngành chưa thể bỏ ngay quy định trên. Đây cũng là một vấn đề còn tồn tại, vì vậy các đơn vị cũng cần rà soát, tiến tới bỏ những yêu cầu đó trong thành phần hồ sơ thì mới có thể tháo gỡ được. Bởi không yêu cầu người dân xuất trình nhưng trong thành phần hồ sơ lại yêu cầu bắt buộc phải có thì đây là câu chuyện rất mâu thuẫn” - ông Nam nói.

Liên quan đến thiết bị đọc CCCD gắn chip đang được sử dụng ở các địa phương cung cấp ít thông tin, ông Nam cho hay đầu đọc sẽ đọc được 18 trường thông tin cơ bản của người dân, trong đó có cả ảnh sinh trắc khuôn mặt. Có duy nhất một trường thông tin không đọc được đó là thông tin về nơi cư trú của công dân.

Muốn tra cứu, xác thực chính xác thông tin thì có thể lên ứng dụng định danh điện tử VNeID mức độ 2 hoặc các bộ, ban ngành, đơn vị khi kết nối được dữ liệu có thể tự kiểm tra thông tin mà không yêu cầu người dân phải xuất trình nữa.

“Tất cả những gì Bộ Công an đang có, chúng tôi đã làm hết sức có thể cho người dân. Điều quan trọng lúc này là cần hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng cần đồng bộ, kết nối và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tra cứu, không yêu cầu người dân phải xuất trình các loại giấy tờ nữa” - ông Nam khẳng định.

Bỏ yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu giấy trước 20-3

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản 1472 về việc công bố, công khai, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc xác nhận tại nơi cư trú.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ đề nghị các trưởng ngành, địa phương và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, sửa đổi các thông tư, quyết định, văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền có quy định liên quan đến nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy xác nhận cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Theo Văn phòng Chính phủ, hiện có 48 văn bản pháp luật liên quan đến việc này.

Bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác, thực hiện đúng các quy định tại Luật Cư trú và Nghị định 104/2022.

Các bộ, ngành hoàn thành việc công bố, công khai các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy xác nhận cư trú trước ngày 15-3 (gồm 267 thủ tục hành chính).

Căn cứ trên cơ sở công bố của bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương thực hiện công bố, công khai thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh và nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng thời, hoàn thiện quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện việc bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận cư trú (kể cả trường hợp chứng minh nơi cư trú trước khi xác nhận giấy tờ như sơ yếu lý lịch, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân,…) theo quy định, hoàn thành trước ngày 20-3.

Nguyên Thảo

Bỏ xuất trình sổ hộ khẩu giấy: Chính phủ yêu cầu hoàn thành trước 20/3

Các tỉnh, thành phố cần hoàn thiện quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện việc bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy trước ngày...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phi Hùng ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN