Những vấn đề đô thị “dậy sóng dư luận” thủ đô năm 2015

Trong năm 2015, nhiều vấn đề đô thị ở Hà Nội gây xôn xao dư luận như chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh, vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà, “xe điên” gây tai nạn liên hoàn, tắc đường, cháy chung cư, sập nhà cổ…

1. Chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội

Những vấn đề đô thị “dậy sóng dư luận” thủ đô năm 2015 - 1

Đề án chặt hạ và thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội gây bức xúc dư luận trong và ngoài nước.

Đầu tháng 3.2015, Hà Nội thực hiện đề án "cải tạo, thay thế cây xanh". Theo đó, hơn 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố sẽ được chặt hạ, thay thế với nguồn kinh phí thực hiện hơn 73 tỷ đồng.

Đến ngày 20.3, đề án đã phải dừng lại do gây nhiều bức xúc dư luận trong và ngoài nước.

Sau vụ việc, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND; Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Xây dựng đứng ra nhận trách nhiệm và tự kiểm điểm. Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và một số cán bộ công chức Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình (Sở Xây dựng) bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.

2. 7 lần vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà

Những vấn đề đô thị “dậy sóng dư luận” thủ đô năm 2015 - 2

Trong năm 2015, đường ống dẫn nước sạch sông Đà vỡ 7 lần khiến hơn 70.000 hộ dân ở nội thành Hà Nội thiếu nước sinh hoạt.

Trong năm 2015, đường sống dẫn nước sạch sông Đà 7 lần gặp sự cố khiến hơn 70.000 hộ dân ở nội thành Hà Nội liên tục chịu cảnh mất nước, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.

Đỉnh điểm của những lần vỡ đường ống nước, đó là sự thiếu hụt nước tại các bệnh viện lớn như 198, Phụ sản trung ương… khiến nhiều ca mổ phải trì hoãn.

Liên quan sự cố, 9 cán bộ thuộc Ban quản lý dự án xây dựng đường ống nước sạch Sông Đà và các đơn vị tư vấn giám sát đã bị khởi tố.

3. Liên tiếp cháy chung cư

Những vấn đề đô thị “dậy sóng dư luận” thủ đô năm 2015 - 3

Nhiều vụ cháy chung cư khiến người dân hoang mang về chất lượng hệ thống phòng cháy chữa cháy của những tòa nhà cao tầng này.

Hàng loạt vụ cháy chung cư xảy ra khiến người dân hoang mang về chất lượng hệ thống cảnh báo, phòng cháy chữa cháy của những tòa nhà cao tầng này.

Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 10.2015, 4 vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra tại các khu đô thị Đại Thanh, Xa La (quận Hà Đông); Kim Văn, Kim Lũ, khu nhà ở Hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai). UBND TP Hà Nội đã phải yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra toàn diện các chung cư trên.

4. Rơi sắt, sập cẩu trên công trường đường sắt trên cao

Những vấn đề đô thị “dậy sóng dư luận” thủ đô năm 2015 - 4

Rơi sắt công trường đường sắt trên cao khiến người dân lo lắng.

Công trường thi công 2 tuyến đường sắt trên cao tại Hà Nội xảy ra 4 vụ tai nạn trong năm 2015. Người dân luôn tỏ ra bất an mỗi khi phải đi qua những công trường này.

Sau mỗi tai nạn, các gói thầu đều bị đình chỉ thi công để phục vụ công tác điều tra dẫn đến chậm tiến độ thi công của 2 tuyến đường sắt trên cao.

5. Hàng loạt “xe điên” gây tai nạn liên hoàn

Những vấn đề đô thị “dậy sóng dư luận” thủ đô năm 2015 - 5

Nhiều vụ tai nạn do “xe điên” gây ra khiến người dân hoang mang mỗi khi ra đường.

Hàng loạt những vụ ô tô gây tai nạn liên hoàn gây hậu quả nghiêm trọng khiến người dân không khỏi bàng hoàng mỗi khi ra đường. 

Đáng chú ý, vụ tai nạn do taxi BKS 30A-646.73 mất lái gây ra trên cầu vượt Tây Sơn - Thái Hà - Chùa Bộc tối 8.11 khiến 1 người tử vong và 7 người khác bị thương. Sau khi gây tai nạn, tài xế taxi quá hoảng loạn đã nhảy từ cầu vượt xuống đất bị chấn thương sọ não.

6. Sập biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo

Những vấn đề đô thị “dậy sóng dư luận” thủ đô năm 2015 - 6

Hiện trường vụ sập biệt thự cổ số 107 Trần Hưng Đạo.

Biệt thự cổ số 107 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ đổ sập trưa 22.9 khiến 2 người tử vong, 6 người bị thương.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do ngôi nhà đã sử dụng lâu năm nên xuống cấp, cùng với việc thời tiết mưa nhiều khiến tường bị ngấm nước, khả năng chịu lực kém. Ngôi nhà đang được Ban QLDA Khu vực 1 Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) trực tiếp quản lý và sử dụng.

Vụ việc khiến 62 hộ dân sống trong khu tập thể 107 Trần Hưng Đạo phải chuyển đến ở tạm tại nhà CT1B Khu đô thị Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội).

Sau vụ việc, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện tiếp tục rà soát toàn bộ các công trình biệt thự, nhà ở, nhà chung cư đã cũ, xuống cấp; đề xuất các giải pháp xử lý bảo đảm an toàn cho công trình và an toàn cho nhân dân.

7. Tắc đường ở Hà Nội

Những vấn đề đô thị “dậy sóng dư luận” thủ đô năm 2015 - 7

Tắc đường thường xuyên xảy ra ở Hà Nội.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 183 điểm triển khai xây dựng, trong đó có 12 công trình trọng điểm dẫn đến tình trạng tắc đường xảy ra thường xuyên.

Để giảm tải ùn tắc, Hà Nội đã làm nhiều biện pháp như xén vỉa hè, thảm cỏ trên dọc tuyến đường vành đai 3; Tháo dỡ, thu hẹp rào chắn công trường thi công trên 2 tuyến đường sắt trên cao Nhổn-ga Hà Nội và Cát Linh-Hà Đông; Huy động cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, công an các quận, huyện ra đường điều tiết giao thông vào giờ cao điểm…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN