Những trường hợp huyện, xã phải sáp nhập

Sự kiện: Tin ngắn

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ khi chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức do thay đổi địa giới đơn vị hành chính thì không được thu bất kỳ loại phí, lệ phí nào.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030.

Những trường hợp phải sáp nhập

Theo quy định tại nghị quyết, các ĐVHC cấp huyện, xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 gồm:

ĐVHC cấp huyện, xã đồng thời có diện tích và dân số dưới 70% tiêu chuẩn của ĐVHC tương ứng quy định tại nghị quyết của UBTVQH về tiêu chuẩn và phân loại ĐVHC.

ĐVHC cấp huyện đồng thời có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn, ĐVHC cấp xã đồng thời có diện tích dưới 20% và dân số dưới 300% tiêu chuẩn cũng thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025.

Các ĐVHC cấp huyện, xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2026 - 2030 gồm:

ĐVHC cấp huyện, xã đồng thời có diện tích và dân số dưới 100% tiêu chuẩn; ĐVHC cấp huyện đồng thời có diện tích dưới 30% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn.

ĐVHC cấp xã đồng thời có diện tích dưới 30% và dân số dưới 300% tiêu chuẩn.

TP Thủ Đức, TP.HCM được thành lập từ việc sáp nhập ba đơn vị hành chính là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG GIANG

TP Thủ Đức, TP.HCM được thành lập từ việc sáp nhập ba đơn vị hành chính là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các ĐVHC không thuộc phạm vi quy định trên được khuyến khích thực hiện sắp xếp theo quy định tại Nghị quyết này để giảm số lượng, tăng quy mô ĐVHC, giải quyết các vấn đề còn bất hợp lý về phân định địa giới ĐVHC do biến động về địa chất, địa hình hoặc do quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã, ĐVHC hình thành sau sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo quy định, trừ trường hợp nhập từ ba ĐVHC cùng cấp trở lên.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp đối với từng ĐVHC có hiệu lực thi hành, các cơ quan, tổ chức ở ĐVHC mới phải hoàn thành xong việc sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy.

UBTVQH yêu cầu khi xây dựng đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã, UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo rà soát, dự kiến phương án bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm, xác định rõ số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế.

Việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, tổ chức mới và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư phải có lộ trình phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

UBND cấp tỉnh quyết định danh mục, số lượng vị trí việc làm và tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo các quy định và phù hợp với tình hình địa phương.

Chậm nhất là năm năm kể từ ngày nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp đối với từng ĐVHC có hiệu lực thi hành, số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức ở ĐVHC sau sắp xếp phải bảo đảm đúng theo quy định. “Trường hợp đặc biệt báo cáo Bộ Nội vụ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định” – Nghị quyết nêu rõ.

Không thu phí, lệ phí khi chuyển đổi giấy tờ

Khi sáp nhập ĐVHC cấp huyện, xã, UBTVQH yêu cầu phải bảo lưu các chế độ, chính sách về tiền lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với những người được tiếp tục làm việc nhưng không giữ các chức vụ trước đây cho đến hết nhiệm kỳ bầu cử (đối với những người giữ chức vụ do bầu cử) hoặc hết thời hạn bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý (đối với những người giữ chức vụ do bổ nhiệm).

Trường hợp thời hạn còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm dưới sáu tháng thì được bảo lưu tròn sáu tháng. Sau khi hết thời hạn được bảo lưu thì lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) được thực hiện theo chức vụ, chức danh hiện giữ hoặc giải quyết nghỉ chế độ theo quy định.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã tùy từng trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc hưởng các chế độ, chính sách đối với người nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định.

Cũng theo quy định tại nghị quyết, các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo ĐVHC cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng. Khi chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức do thay đổi địa giới ĐVHC thì không được thu bất kỳ loại phí, lệ phí nào.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2019 - 2021, cả nước đã sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã, qua đó giảm được tám huyện và 561 xã.

Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã đã giảm được 3.437 cơ quan cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện, tinh giản 3.595 người biên chế cấp xã và 141 người ở cấp huyện, giảm chi khoảng 2.008,63 tỉ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Lãnh đạo 2 địa phương lên tiếng về việc đổi tên TP Thanh Hoá sau sáp nhập

Theo lãnh đạo huyện Đông Sơn và TP Thanh Hoá, việc có đổi tên hay không thì mới chỉ là dự thảo, chưa có kết luận chính thức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.THẢO ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN