Những trận tập kích "muối mặt" của đặc nhiệm Mỹ (P1)
Dù được trang bị rất hiện đại và có kỹ năng tác chiến tinh nhuệ, song lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã không ít lần hứng chịu thất bại.
Ngày 19/8, cả thế giới bàng hoàng khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) công bố một đoạn video quay cảnh hành hình phóng viên người Mỹ James Foley để đáp trả những cuộc không kích của Mỹ vào lực lượng phiến quân ở Iraq.
Một ngày sau khi nhà báo Foley bị hành hình, Lầu Năm Góc mới tiết lộ thông tin rằng lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã từng thực hiện chiến dịch tập kích để giải cứu nhưng không thành công. Sau một thời gian chuẩn bị công phu, lực lượng đặc nhiệm SEAL đã đến nơi giam giữ để giải cứu con tin, song phải ra về trắng tay vì con tin đã bị di chuyển đi nơi khác.
Một đơn vị thuộc lực lượng đặc nhiệm Lục quân Mỹ
Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng đặc nhiệm đặc biệt tinh nhuệ của quân đội Mỹ thất bại trong các chiến dịch giải cứu con tin. Trong lịch sử, lực lượng đặc nhiệm được coi là hiện đại và thiện chiến nhất thế giới này đã từng không ít lần “muối mặt” trong các chiến dịch đặc biệt của mình.
Trận tập kích Sơn Tây
Vụ tập kích Sơn Tây (còn có mật danh là chiến dịch Ivory Coast) là cuộc tấn công của quân đội Mỹ bằng máy bay lên thẳng vào một trại giam tù binh chiến tranh ở thị xã Sơn Tây cách Hà Nội 50 km trong chiến tranh Việt Nam.
Vụ tập kích diễn ra đêm ngày 20 rạng sáng ngày 21/11/1970, do đại tá bộ binh Athur Simons (biệt danh "Bò tót") trực tiếp chỉ huy nhằm giải cứu số phi công Mỹ đã bị quân đội và nhân dân ta bắt làm tù binh trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc do Mỹ phát động và thực hiện.
Bản đồ kế hoạch tác chiến của cuộc tập kích Sơn Tây
Vụ tập kích này được thực hiện bởi Lực lượng Đặc nhiệm Lục quân với 56 quân nhân Mỹ được chọn từ Lực lượng Đặc biệt số 6 và số 7 tại Trung tâm Chiến tranh Đặc biệt Lục quân Mỹ ở căn cứ Fort Brag và Fort Beening.
Chiến dịch Ivory Coast được chia làm 3 giai đoan khác nhau, gồm có thu thập thông tin tình báo, huấn luyện nhân sự và hành động. Giai đoạn đầu tiên có tên gọi là “Polar Circle”, chủ yếu tập trung vào việc thu thập mọi thông tin có liên quan đến số tù binh Mỹ đang bị giam giữ tại đây.
Tướng lục quân Earle Wheeler, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ phê chuẩn kế hoạch giải cứu tù binh ở Sơn Tây. Ngày 10/6, giai đoạn chuẩn bị bắt đầu khi Ủy ban Tù binh liên cơ quan (IPWIC) gồm 15 người do tướng Donald Blackburn chỉ huy lên kế hoạch cho chiến dịch.
Dựa trên các thông tin tình báo thu thập được, đặc biệt là các bức không ảnh chụp từ máy bay do thám, Mỹ ước tính rằng có 55 phi công của họ đang bị giam tại trại tù binh Sơn Tây. Một kế hoạch giải thoát đầy táo bạo được vạch ra với sự phối hợp của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), DIA, Cục điều tra liên bang (FBI), Cơ quan an ninh quốc gia (NSA), Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các cố vấn an ninh quốc gia.
Hình ảnh trại tù binh Sơn Tây do máy bay do thám Mỹ chụp được
Trong quá trình thu thập thêm thông tin, tình báo Mỹ xác định trại giam tù binh Sơn Tây là một khu hình vuông có tường cao 2 mét gắn dây kẽm gai. Trại nằm bên bờ sông Tích, xung quanh trại là ruộng lúa nước, tù binh Mỹ được ở trong bốn dãy nhà lán trại cấp 4, với ba vọng gác bao quanh tường rào của trại.
Vị trí của trại tù binh này chỉ cách thủ đô Hà Nội 30 km về hướng Tây Bắc, xung quanh có doanh trại của Sư đoàn 12, Trường Sĩ quan Pháo binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc chiến dịch tập kích phải diễn ra rất nhanh chóng để tránh đụng độ lớn.
Sau khi hoàn tất giai đoạn chuẩn bị và thu thập thông tin, chiến dịch bước sang giai đoạn 2 với nhằm tuyển mộ và huấn luyện lực lượng đặc nhiệm thực thi chiến dịch, dưới sự chỉ huy của tướng không quân Loroy Roy Manor.
Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục thu thập thêm thông tin tình báo bằng máy bay trinh sát SR-71 và máy bay không người lái Buffalo Hunter trên bầu trời Sơn Tây.
Trong số những lính đặc nhiệm được triệu tập từ Lực lượng Đặc biệt số 6 và số 7, người trẻ nhất là trung sĩ Terry Buckler mới 20 tuổi và là người chưa từng tham chiến ở Việt Nam trước đây.
Các đặc nhiệm được triệu tập tham gia chiến dịch
Sau này, Buckler kể lại rằng đơn vị đặc nhiệm của anh nhận được mệnh lệnh của cấp trên đến tập kết tại căn cứ không quân Eglin ở Florida để thực hiện một nhiệm vụ bí mật. Tại đây, đội đặc nhiệm này được bố trí ăn ở tại một khu vực hoàn toàn tách biệt và được canh gác cẩn mật 24/24.
Tại đây, quân đội Mỹ cho xây dựng cả một mô hình khu vực địa hình Sơn Tây y như thật, dựa trên những bức không ảnh mà họ thu thập được. Với mô hình y như thật này, lính đặc nhiệm bắt đầu được huấn luyện về các bài đột kích và đổ bộ bằng trực thăng vào ban ngày.
Sau đó, cả đội bắt đầu được chuyển sang huấn luyện đột kích vào ban đêm, và đặc nhiệm Mỹ đều sử dụng đạn thật trong toàn bộ các bài huấn luyện này. Điều này khiến lính đặc nhiệm ngạc nhiên, vì từ trước tới nay họ chưa từng dùng đạn thật trong huấn luyện. Qua đó họ lờ mờ đoán ra rằng sứ mệnh lần này của mình rất nguy hiểm và ác liệt.
Đặc nhiệm Mỹ luyện tập cho chiến dịch tập kích vào Sơn Tây
Tuy nhiên, cho đến lúc đó, các lính đặc nhiệm này vẫn chưa hề biết mình sẽ thực hiện nhiệm vụ ở đâu. Họ vẫn tưởng rằng họ được huy động để thực hiện một chiến dịch giải cứu con tin khỏi bọn không tặc, và không một chỉ huy nào hé răng nửa lời với họ về địa điểm mà họ sắp tới là Sơn Tây.
Đợt huấn luyện căng thẳng và khắc nghiệt đến mức nhiều lính đặc nhiệm gần như phát điên vì sức ép quá lớn. Trung sĩ Buckler nhớ lại rằng có lần một lính đặc nhiệm đã lao vào kho đòi lấy vũ khí để giết đại tá Simons “Bò tót” vì không đồng ý với cách rèn lính quá khắc nghiệt của ông này, tuy nhiên anh ta đã bị đồng đội ngăn cản kịp thời.
Đợt huấn luyện kéo dài ròng rã suốt 3 tháng trời. Đến một đêm, đội đặc nhiệm nhận được lệnh thu dọn hành lý để lên một chiếc máy bay C-141 bay tới Thái Lan. Từ thời điểm đó trở đi, họ bị cấm đeo bất cứ loại phù hiệu quân đội nào trên người để trở thành những người “không tồn tại”.
--------------------------------------------------
Trận tập kích Sơn Tây sẽ diễn ra như thế nào? Mời các bạn theo dõi: Những trận tập kích "muối mặt" của đặc nhiệm Mỹ (P2) vào 19h00 ngày 1/9.