1001 tình huống bi hài khi lì xì ngày Tết

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Thay vì tiền lẻ, người ta mừng tuổi cho trẻ bằng những đồng polime, thậm chí là đô la có mệnh giá lớn.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, ngoài những lời chúc ý nghĩa, người ta thường dành tặng cho nhau những phong bao lì xì đỏ thắm với mong muốn may mắn, mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Phong tục lì xì đã có từ lâu đời, thế nhưng trong xã hội hiện đại, nó ít nhiều đã biến tướng.

Tục lì xì ngày Tết đang dần mất đi ý nghĩa vốn có ban đầu. Ảnh minh họa.

Tục lì xì ngày Tết đang dần mất đi ý nghĩa vốn có ban đầu. Ảnh minh họa.

Chị Nguyễn Thị Bích (quê Thái Bình) vẫn còn nhớ như in câu chuyện gặp phải dịp Tết năm trước. Trước Tết, chị Bích chuẩn bị nhiều phong bao lì xì với nhiều mệnh giá khác nhau. Con cháu trong nhà, chị mừng tuổi 20.000 đồng; trẻ nhỏ khác, chị mừng tuổi 10.000 đồng.

Ấy thế, khi gặp cả một đám trẻ trong đó có trẻ nhỏ trong nhà và trẻ nhỏ hàng xóm, chị Bích mừng tuổi xong thì lũ trẻ bóc phong bao lì xì ngay trước mặt chị. Chúng bắt đầu so kè nhau chuyện thiệt, hơn.

“Đứa được nhiều hơn thì tươi cười hớn hở, thậm chí còn trêu chọc đứa ít hơn. Có đứa bóc ra thấy 10.000 đồng thì vứt cả phong bao lì xì xuống đất và nói “giờ còn mừng tuổi 10.000 đồng” khiến tôi ngượng tím mặt”, chị Bích chia sẻ.

Câu chuyện của anh Tạ Văn Nam cũng trớ trêu không kém khi anh sang nhà bạn chúc Tết. Hai đứa bé con bạn anh Nam lập tức “đòi” tiền mừng tuổi: “Chú Nam ơi, mừng tuổi cháu”. Do số tiền lẻ mừng tuổi đã hết, trong ví anh chỉ còn vài tờ 500.000 đồng nên anh đành rút ra tờ 500.000 đồng mừng tuổi chung cho hai đứa nhỏ.

Chị Triệu Thị Hân (quê Bắc Giang) chia sẻ câu chuyện mà chị thấy bức xúc đã lâu. Đó là em dâu chị, mỗi dịp Tết đến đều xúi con đi “đòi” tiền mừng tuổi của các cô, chú, anh, chị. Hễ gặp ai cũng xúi con ra và nói to trước mặt: “Con ơi, ra chú, cô… mừng tuổi này”.

Và đứa trẻ như được mẹ dạy trước từ trước cũng ra “đòi” tiền mừng tuổi. Thậm chí, nếu thấy tiền mừng tuổi ít, nó chê luôn trước mặt.

“Lúc ấy, thay vì dạy bảo con mình thì em dâu tôi cũng hùa theo nói: “Cháu nó khôn lắm chú à. Chú nhiều tiền thế ai lại mừng tuổi cháu có 10.000 đồng". Tôi rất bức xúc chuyện ấy, góp ý thì nó chỉ cười xòa”, chị Hân nói.

Liên quan đến vấn đề này, Giáo sư Kiều Thu Hoạch - Nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho hay, ngày xưa, người lớn thường mừng tuổi trẻ nhỏ bằng những đồng xu vài hào để lấy may ngày Tết. Ngày nay, thay vì tiền lẻ lấy may, người ta mừng tuổi cho trẻ bằng những đồng polime, thậm chí là đô la có mệnh giá lớn.

“Lì xì ngày Tết dường như là một cơ hội để “kiếm chác, biếu xén” của các bậc cha mẹ. Có người thì dùng nó để khoe mẽ tiền bạc qua mệnh giá các đồng tiền mừng tuổi”, giáo sư Hoạch nói.

Giáo sư Hoạch cho biết thêm, trẻ nhỏ ngày nay đang bị ảnh hưởng chung của xã hội vụ lợi và từ chính các bậc phụ huynh. Những hành động làm biến dạng phong tục mừng tuổi chủ yếu là do người lớn gây ra nhưng lại vô tình tác động, ảnh hưởng không tốt đến tâm hồn con trẻ. Nhiều trẻ chỉ xem việc được người lớn mừng tuổi trong ngày Tết là dịp để “thu hoạch”.

Đáng buồn hơn, suy nghĩ thực dụng từ người lớn lan sang cả trẻ nhỏ khiến chúng bắt đầu có sự so bì, người này mừng tuổi ít, người kia mừng tuổi nhiều. Thậm chí, một số em còn đánh giá người lớn keo kiệt hay thoáng, tốt bụng qua tỷ lệ số tiền mà họ mừng tuổi…

“Chuyện trẻ nhỏ thích tiền thì thời nào cũng có. Thấy tiền lì xì ít, trẻ thường vùng vằng và có những câu nói dại dột. Khi đó, cha mẹ, người lớn phải là những người ứng xử tế nhị và sau đó dạy trẻ lại sao cho hiệu quả. Việc mừng tuổi cần phải được tuyên truyền và vận động rộng rãi để người lớn ý thức được rằng, đó là tiêu cực và trở về với đúng ý nghĩa tốt đẹp ban đầu”, giáo sư Hoạch cho hay.

Nguồn: [Link nguồn]

Những phong tục đón năm mới lạ lùng ở Việt Nam

Đi ăn trộm dịp đầu năm, vỗ mông hay bắt chồng là những phong tục đón năm mới độc đáo chỉ có tại Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN