Những thay đổi về mức hưởng bảo hiểm xã hội khi lương cơ sở tăng

Sự kiện: Thời sự

(PLO)- Có nhiều thay đổi về mức trợ cấp thai sản; mức hỗ trợ mai táng phí; chế độ tử tuất,... khi mức lương cơ sở tăng.

Nghị định 73/2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7. Theo đó, lương cơ sở sẽ tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Việc tăng lương cơ sở có nhiều tác động tích cực đến chế độ đóng, hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) của người tham gia BHXH bắt buộc.

Tăng trợ cấp khi sinh con, bị tai nạn lao động

Theo Luật BHXH năm 2014, lao động nữ sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được trợ cấp 1 lần/con bằng 2 lần mức lương cơ sở.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp 1 lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con.

Từ ngày 1-7, mức trợ cấp trên được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Cụ thể, khi lao động nữ sinh con thì ngoài tiền trợ cấp thai sản 6 tháng lương, còn được hưởng thêm mức trợ cấp một lần bằng 2,34 triệu đồng x 2= 4,68 triệu đồng. Mức trợ cấp thai sản 1 lần đối với lao động nam cũng bằng 4,68 triệu đồng.

Ngoài ra, Điều 41 Luật BHXH quy định về chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản. Cụ thể, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản thì trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5-10 ngày.

Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Như vậy, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản cũng tăng từ 540.000 đồng/ngày lên 702.000 đồng/ngày.

Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định người lao động suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

Từ ngày 1-7, mức trợ cấp 1 lần đối với người lao động suy giảm khả năng lao động 5% là 2,34 triệu đồng x 5= 11,7 triệu đồng. Sau đó cứ suy giảm thêm 1% được hưởng thêm 1.170.000 đồng.

Ngoài ra, Điều 49 Luật An toàn vệ sinh Lao động cũng có quy định đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

Theo đó, người lao động bị suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở là 702.000 đồng, sau đó cứ suy giảm thêm 1% tỉ lệ bị suy giảm khả năng lao động thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở (46.800 đồng).

Ngoài mức trợ cấp quy định trên, hằng tháng người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ 1 năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn, sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

Người dân đến thực hiện thủ tục liên quan đến BHXH tại cơ quan BHXH TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Người dân đến thực hiện thủ tục liên quan đến BHXH tại cơ quan BHXH TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Tăng mức hưởng lương hưu thấp nhất

Tại Điều 56 và Điều 71 Luật BHXH 2014 có quy định mức hưởng lương hưu thấp nhất của người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc là bằng mức lương cơ sở.

Do vậy từ ngày 1-7, mức này tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Theo Luật BHXH 2014, thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động tham gia BHXH, người nhận lương hưu chết. Như vậy, mức trợ cấp mai táng hiện nay là 23,4 triệu đồng.

Ngoài ra, Điều 68 Luật BHXH quy định về mức trợ cấp tuất hằng tháng. Theo đó, nếu người đang nhận lương hưu, người bị tai nạn lao động; bệnh nghề nghiệp chết thì mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân đủ điều kiện hưởng bằng 50% mức lương cơ sở. Hiện nay, mức trợ cấp này được điều chỉnh tăng từ 900.000 đồng/tháng lên 1,17 triệu đồng/tháng.

Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương cơ sở là 1.638.000 đồng/tháng.

Mức hưởng và đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất

Việc mức lương cơ sở tăng cũng sẽ làm thay đổi về mức đóng và hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Tuy nhiên, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở.

Như vậy, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 2,34 triệu đồng x 5 = 11,7 triệu đồng/tháng.

Tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc Làm 2013 đối với nhóm người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức đóng tối đa cho trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn 20 tháng lương cơ sở là bằng 20 tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, người lao động thuộc nhóm này tiền lương tháng đóng tối đa là 2,34 triệu đồng x 20 = 46,8 triệu đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, đưa ra quy định mới về việc rút bảo hiểm xã hội một lần với người lao động.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VÕ HÀ ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN