Những thay đổi quan trọng khi Luật Căn cước có hiệu lực ngày 1-7-2024

Sự kiện: Thời sự

Từ ngày 1-7-2024, những người chưa xác định quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Sáng 10-5, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (PC06) Công an TP.HCM tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật Căn cước và Dự án Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Lê Văn Hải, Trưởng phòng PC06, đề nghị Công an quận, huyện, TP Thủ Đức khi tuyên truyền Luật Căn cước sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7 phải cụ thể, chi tiết và dễ hiểu, dễ nắm,… và phải hết sức cầu thị, lắng nghe những trao đổi, đóng góp. Đồng thời, khi triển khai công an quận, huyện, TP Thủ Đức yêu cầu công an cấp xã và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau tiếp tục tuyên truyền đến tận người dân trên địa bàn.

Giải quyết được những bất cập

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng PC06 phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng PC06 phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Tại hội nghị, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng PC06, thông tin Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016, sau hơn bảy năm triển khai thực hiện đã góp phần không nhỏ trong hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại,…đem lại hiệu quả và tiện ích cho nhân dân cũng như cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, trước sự phát triển, đổi mới, sáng tạo tiến tới chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, sản xuất, kinh doanh, giao dịch dân sự... thì những quy định của Luật CCCD hiện hành vẫn còn một số bất cập. Ví dụ, Luật CCCD thiếu các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ CCCD, thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD chưa đầy đủ; chưa có quy định về cấp số định danh cá nhân cho người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật CCCD thì cần thiết phải ban hành Luật Căn cước để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta.

“Luật CCCD là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, quy định việc chuyển đổi từ cấp, sử dụng CMND sang cấp, sử dụng bằng thẻ CCCD. Tuy nhiên, nhiều cơ quan, tổ chức đã yêu cầu công dân bắt buộc phải thực hiện các thủ tục để cập nhật, điều chỉnh lại thông tin trên giấy tờ, tài liệu đã cấp trước đây cho công dân …điều này, gây khó khăn, phiền hà cho công dân. Luật Căn cước ra đời đã bổ sung quy định chuyển tiếp để bảo đảm việc sử dụng, thay thế từ CMND sang thẻ CCCD được thuận lợi hơn, hạn chế phát sinh các thủ tục khác đối với công dân” - Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ.

Không mất phí khi làm căn cước lần đầu

Toàn cảnh hội nghị tuyên truyền Luật Căn cước. Ảnh: HUỲNH THƠ

Toàn cảnh hội nghị tuyên truyền Luật Căn cước. Ảnh: HUỲNH THƠ

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải cũng cho hay: Việc đổi tên Thẻ Căn cước không phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân hoặc chi ngân sách nhà nước vì tại Điều 46 Luật Căn cước đã có quy định chuyển tiếp. Cụ thể, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, thẻ CCCD vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, Tại khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước quy định công dân không phải nộp lệ phí khi được cấp Thẻ Căn cước lần đầu.

Về quy định giấy chứng nhận căn cước là một điểm mới đáng lưu ý trong Luật Căn cước. Tại khoản 12 Điều 3 Luật Căn cước quy định giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định.

Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

“Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch phải xuất trình giấy chứng nhận căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân không được yêu cầu công dân này xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được chứng nhận trong giấy chứng nhận căn cước nếu thông tin của người đó không thay đổi trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” - Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải thông tin.

10 điểm mới của Luật Căn cước

1. Chính thức đổi tên CCCD thành căn cước ( Tại Điều 3, Luật Căn cước)

2. Giá trị sử dụng của thẻ CCCD, CMND đã được cấp (Điều 46, Luật Căn cước)

Cụ thể, thẻ CCCD đã được cấp trước ngày 1-7-2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước

Thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15-1-2024 đến trước ngày 30-6-2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, thẻ CCCD vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.

3. Khai tử CMND từ ngày 1-1-2025 ( tại Điều 46, Luật Căn cước):

CMND còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến ngày 31-12-2024.

4. Bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước (Tại Điều 18, Luật Cư Trú)

Thẻ Căn cước mới đã bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng, thay vào bằng thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú.

5. Mở rộng đối tượng cấp thẻ căn cước (Điều 18 và Điều 19, Luật Căn cước)

Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

6. Cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi

Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Không thu nhận thông tin nhận dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi

7. Bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người Việt Nam chưa xác định quốc tịch (Điều 13 và Điều 30, Luật Căn cước)

8. Bổ sung quy định cấp căn cước điện tử (Điều 31 và 33, Luật Căn cước)

Mỗi công dân Việt Nam được cấp 1 căn cước điện tử. Căn cước điện tử của công dân được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (VNeID).

Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

9. Bổ sung quy định thu thập thông tin trắc sinh học.

Thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước

10. Bổ sung quy định tích hợp thông tin vào thẻ căn cước.

Thông tin tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, số bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước.

Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

Nguồn: [Link nguồn]

Từ ngày 1-7, mỗi công dân sẽ được cấp một căn cước điện tử để thuận tiện trong các giao dịch hành chính. Luật Căn cước sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7, khi đó thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước và căn cước điện tử sẽ được sử dụng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYỄN HIỀN - HUỲNH THƠ ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN