Những thăng trầm của trực thăng UH-1 ở Việt Nam
Trực thăng quân sự đa năng UH-1 đã trải qua những bước thăng trầm lớn trong quá trình hoạt động ở Việt Nam.
Ngày 28/1, Trung tướng Võ Văn Tuấn, phó tham mưu trưởng QĐND Việt Nam xác nhận một máy bay trực thăng UH-1 của Không quân Việt Nam đã rơi tại ấp 4, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM sau khi cất cánh vài phút từ sân bây Tân Sơn Nhất.
Trực thăng UH-1 được sử dụng hiện nay trong Không quân Việt Nam hầu hết là những trực thăng thu được của Mỹ năm 1975 và được Việt Nam sửa chữa, bảo dưỡng để đưa vào phục vụ các hoạt động huấn luyện và các nhiệm vụ khác.
Được quân đội Mỹ phát triển vào năm 1955 do hãng Bell chế tạo với cái tên ban đầu là Bell 204. Sau khi được đưa vào sản xuất hàng loạt năm 1962, chiếc trực thăng quân sự đa năng này được mang cái tên UH-1 Iroquois, và nó trở thành một biểu tượng của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Những chiếc trực thăng UH-1 Iroquois sử dụng động cơ turbin đầu tiên được sử dụng trong các sư đoàn dù 101, 82 và chi đội cứu thương 57 của quân đội Mỹ. Chiếc trực thăng ban đầu có tên là HU-1A, nhưng nó thường được Thủy quân Lục chiến Mỹ nhắc tới với cái tên nổi tiếng "Huey".
UH-1 là loại máy bay lên thẳng cao 5,54m, dài 17,34m, có 2 cánh quạt đường kính 14,62m, càng dài 4,17m. Khối lượng rỗng của UH-1 là 2.140kg, tải trọng cất cánh lớn nhất là 4.304kg, tốc độ bay bằng lớn nhất 222km/h, độ bay cao lớn nhất là 3.600m, thời gian bay thực tế 2h15ph, tầm bay xa nhất 512km.
UH-1 là loại trực thăng đa năng có thể gắn 2 khẩu súng 6 nòng (7,62mm) với 12.000 viên đạn, bên 2 cánh treo 14 quả tên lửa để trở thành một trực thăng vũ trang yểm trợ hỏa lực lợi hại trên không. Tuy nhiên, khi tháo súng ra, nó có thể trở thành một trực thăng chở quân hoặc cứu thương chở được 11 người, hoặc chở 975 kg hàng hóa.
Trực thăng UH-1 có thiết kế độc đáo với 5 thùng dầu mềm kết cấu đặc biệt, tự bịt lại khi trúng đạn, nên dầu không chảy ra ngoài làm cháy máy bay được.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam, trực thăng UH-1 một thời đã đóng vai trò chủ lực trong chiến thuật “trực thăng vận” của Mỹ với hình ảnh những chiếc UH-1 bay rợp bầu trời miền Nam.
Ban đầu, chiến thuật “trực thăng vận” này đã gây cho ta nhiều thiệt hại, nhưng sau đó, bằng nghệ thuật chiến đấu tài tình của mình, quân và dân miền Nam đã tìm ra những điểm yếu và đánh bại hoàn toàn chiến thuật “trực thăng vận” với nòng cốt là UH-1 của Mỹ.
Theo thống kê, trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã mất 3.305 chiếc UH-1 trong tổng số 7.013 chiếc được đưa vào chiến trường, cùng với đó là 1.074 phi công và 1.103 binh lính đi kèm thiệt mạng.
Sau 1975, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thu được 50 chiếc UH-1 còn nguyên vẹn do Mỹ và ngụy quyền bỏ lại, sau đó những chiếc trực thăng này nhanh chóng được sửa chữa, hồi phục để đưa vào hoạt động bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
Theo các tính toán của các chuyên gia quân sự thì sau chiến tranh chống Mỹ, trực thăng UH-1 đã được Việt Nam cho xuất kích thêm vài nghìn lần nữa, bắn hàng nghìn quả tên lửa, hàng trăm ngàn viên đạn.
Tuy nhiên, đến cuối thập niên 1990, những chiếc trực thăng UH-1 này ngày càng cũ kỹ và phát sinh nhiều hỏng hóc, trong khi vật tư thay thế vô cùng khan hiếm, khiến trực thăng UH-1 gần như bị loại khỏi thực lực chiến đấu của Không quân Việt Nam từ năm 1982.
Đến năm 2005, UH-1 có những bước “hồi sinh” thần kỳ dưới bàn tay tài hoa của các kỹ sư, kỹ thuật viên Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam khi các hệ thống động cơ, thiết bị thông tin, thân vỏ, các cụm van nhiên liệu… đã được tận dụng thay thế từ những chiếc máy bay đã đưa vào diện thải loại.
Khoảng 12 chiếc UH-1 đã được sửa chữa, khôi phục và tái trang bị cho Không quân Nhân dân Việt Nam, trong bối cảnh chúng ta vẫn phải chịu lệnh cấm vận về vũ khí, trang bị kỹ thuật của Mỹ.
Đến năm 2009, Bộ Ngoại giao Mỹ đã rút lệnh cấm xuất khẩu trực thăng quân sự cho Việt Nam. Sau khi lệnh cấm vận được gỡ bỏ, Việt Nam đã ký kết các hợp đồng nâng cấp trực thăng UH-1H Huey để giúp hoạt động nhân đạo và cứu hộ cứu nạn, với sự giúp đỡ của các chuyên gia và phụ tùng từ Mỹ.
Năm 2010, tướng Mỹ Richard Genaille cho biết Mỹ đã cấp 1,3 triệu USD cho chương trình củng cố quan hệ an ninh quốc phòng với Việt Nam, trong đó có chi phí nâng cấp khoảng 15 chiếc trực thăng UH-1 của Việt Nam.