Đường sắt trên cao: Những tai nạn ám ảnh người dân HN

Thời gian gần đây, tại Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ tai nạn gây thương vong và thiệt hại về vật chất cho người đi đường liên quan đến dự án đường sắt trên cao đang được thi công.

6.11.2014: Rơi thanh thép lớn, 3 người thương vong

Khoảng 9h sáng 6.11.2014, tại đoạn đường Nguyễn Trãi trước Học viện Y dược học cổ truyền, theo hướng Khuất Duy Tiến - Hà Đông (Hà Nội) xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng. Chiếc cần cẩu của đơn vị thi công đang cẩu một thanh thép lớn thì bất ngờ bị đứt cáp và rơi xuống phần đường phương tiện đang lưu thông khiến 1 người đi đường tử vong tại chỗ, 2 người bị thương. Nạn nhân tử vong là thượng úy Nguyễn Như Ngọc (33 tuổi), công tác tại Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Đường sắt trên cao: Những tai nạn ám ảnh người dân HN - 1
Hiện trường chiếc xe máy bị thanh thép lớn rơi trúng. Ảnh: Tất Định
Sau đó, Bộ GTVT đã yêu cầu đình chỉ công việc đối với chỉ huy công trường, tư vấn giám sát và công nhân tại công trường xảy ra tai nạn.

28.12.2014: Giàn giáo sập vùi xe taxi

Khoảng 4h sáng 28.12.2014, trên tuyến đường Cát Linh - Hà Đông xảy ra vụ sập giàn giáo. Trong quá trình thi công xà mũ trụ H7, hệ thống sàn, đà giáo và bê tông xà mũ H7 bị sụt xuống đường, khiến chiếc taxi bị đè bẹp và vùi kín trong đống đổ nát, 4 người bị mắc kẹt.

Đường sắt trên cao: Những tai nạn ám ảnh người dân HN - 2
Hiện trường vụ sập giàn giáo đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, 4 người mắc kẹt. Ảnh: Nguyễn Đức

Sau đó, 3 xe cẩu cùng toàn bộ công nhân đã dỡ vật liệu, giải phóng hiện trường. Tuy xe taxi bị đè bẹp, nhưng không gây thiệt hại về người. Nguyên nhân xảy ra vụ việc là giàn giáo đã bị dịch chuyển khi đổ bê-tông, mất khả năng chịu lực dẫn đến sập.

10.5.2015: Rơi thanh sắt 630kg, 2 người thoát chết trong gang tấc

Khoảng 18h tối 10.5, một thanh sắt dài 9m, rộng 0,3m, nặng khoảng 630kg đã rơi ra đường từ công trình thi công của Dự án đường sắt trên cao trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu (Nam Từ Liêm, Hà Nội), khiến nhiều người đi đường hoảng loạn. Rất may, 2 người đi đường đã thoát chết trong gang tấc.

Đường sắt trên cao: Những tai nạn ám ảnh người dân HN - 3
Thời điểm thanh sắt rơi, nhiều người đang lưu thông trên đường. Ảnh: Nguyễn Đức

Nguyên nhân xảy ra vụ việc do công nhân đang điều khiển cần cẩu đưa thanh sắt về phía trụ nhà ga thì bất ngờ thanh sắt tuột dây cáp rơi xuống đường, cắt ngang 2 người đi xe máy.

Chiều 12.5, UBND TP.Hà Nội có cuộc họp và ra quyết định cấm nhà thầu phụ Inceno đang thi công dự án trên trong thời gian 1 năm.

12.5.2015: Thanh sắt rơi vào ô tô, cần cẩu sập trúng thai phụ

Khoảng 9h30 sáng 12.5, tại công trường thi công tuyến đường sắt trên cao trên đường Nguyễn Trãi (gần số nhà 341 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã xảy ra sự cố, một thanh sắt dài hơn 1m bất ngờ rơi trúng xe Honda Civic đang lưu thông trên đường, khiến cửa trước, bên trái của xe ô tô bị méo, xước sơn. Tài xế ô tô đã làm việc với đơn vị thi công và lái xe đi ngay sau đó.

Đường sắt trên cao: Những tai nạn ám ảnh người dân HN - 4
Chiếc xe 4 chỗ bị thanh sắt rơi trúng. Ảnh: Nguyễn Đức

Tiếp đó - khoảng 16h30 chiều cùng ngày, trên đường Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), một chiếc cần cẩu ở công trình thi công đường sắt trên cao, tuyến Nhổn - ga Hà Nội, đã bất ngờ đổ vào số nhà 359 và 361 đường Cầu Giấy, khiến biển quảng cáo của nhà dân bị đè bẹp, dây cáp rơi vắt ngang qua 2 xe máy. Vụ tai nạn khiến một bà bầu bị thương nhẹ.

Đường sắt trên cao: Những tai nạn ám ảnh người dân HN - 5
Dây cáp cần cẩu rơi vào 2 xe máy đang lưu thông trên đường Cầu Giấy. Ảnh: Nguyễn Đức

Sau đó, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã thông báo cho các nhà thầu đang thi công tạm dừng trên các công trường của toàn dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - Ga Hà Nội (trong đó có gói thầu CP1 – đoạn tuyến đường sắt trên cao).

Khởi công từ tháng 10.2012, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP.Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được đánh giá là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn Hà Nội, với tổng số vốn đầu tư lên đến 339 triệu USD (tương đương hơn 7.000 tỷ đồng), tổng nguồn vốn vay ODA trị giá 783 triệu euro.
Theo dự án này, Hà Nội có 4 tuyến đường sắt đô thị: Nhổn – Hà Nội (tuyến số 3); Cát Linh – Hà Đông (tuyến số 2); Nam Thăng Long – Tây Hà Nội và tuyến chạy qua khu phố cổ Hà Nội. Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Nhà thầu EPC là Công ty xây dựng Hải ngoại – Tập đoàn Cục Đường sắt Trung Quốc.

Video: Dự án đường sắt tại Hà Nội liên tục uy hiếp người đi đường (Nguồn: ANTV):

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Chiêm (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN