Những phút giây sinh tử trong thùng container lạnh đến nước Anh
Để nhập cảnh trái phép vào nước Anh, N.V.H (TP Vinh, Nghệ An) cùng hàng chục người khác phải trải qua 3 chuyến xe container. Đây cũng là nơi ăn nghỉ, vệ sinh trong của vài chục con người trong suốt hành trình.
Dồn “gà” vào container
Đọc những dòng tin về 39 nạn nhân xấu số được phát hiện trong container ở Essex (Anh), người thân của N.V.H (37 tuổi, TP Vinh, Nghệ An) cho rằng anh đã quá may mắn khi đã qua được chặng đường nguy hiểm và giờ vẫn ở bên gia đình.
Hành trình đầy mạo hiểm và bất hợp pháp sang nước Anh của N.V.H bắt đầu vào năm 2012. “Qua giới thiệu, tôi biết đến một đầu mối có thể đưa người sang nước Anh lao động, chi phí 500 triệu đồng. Không hiểu lúc đó suy nghĩ thế nào, tôi lại mong đổi đời ở miền đất hứa. Vay mượn khắp nơi, tháng 3/2012 tôi bắt đầu hành trình” – H kể.
N.V.H bay ra Hà Nội chờ một ngày rồi dùng giấy tờ tùy thân được đầu mối đưa cho để bay sang Đài Loan (Trung Quốc). Trong căn phòng trọ chật hẹp, H cùng hơn 10 người khác phải chờ gần một ngày nữa mới tiếp tục lên đường. Trong thời gian này, tất cả mọi người đều không được ra ngoài, kể cả muốn ra ngoài đi vệ sinh cũng không được.
“Sau này tôi mới biết, họ gọi chúng tôi là gà. Còn các đầu mối gom người vào đường dây nhập cư bất hợp pháp gọi là người chăn gà. Khi gom đủ gà họ mới tổ chức chuyến đi” – H nhớ lại.
Từ Đài Loan, H bay sang Frankfurt (Đức) để bắt đầu hành trình dài đằng đẵng trong thùng xe container qua nhiều nước châu Âu.
“Gần 20 người được cho vào trong container đông lạnh, loại chở hoa quả để sang Cộng hòa Séc. Trong đó có một chiếc xô, chúng tôi đi vệ sinh vào đó luôn. Điện thoại được mang theo nhưng “người buôn gà” yêu cầu phải tắt khi đang hành trình” – H bắt đầu kể về chuyến đi trong thùng container.
N.V.H kể lại hành trình di chuyển trong thùng container lạnh đến nước Anh
Đến nơi, nhóm của H phải tiếp tục chờ đợi để đầu mối gom thêm “gà”. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên thùng container, không được đi ra ngoài.
Gần 40 ngày sau, chuyến đi tiếp theo mới diễn ra. Số lượng “gà” trong thùng container đã gấp đôi trước đó, hơn 40 người. Chiếc xe container trực chỉ hướng cảng Calais (Pháp).
Qua được “chốt” này, những người nhập cảnh bất hợp pháp như anh H tiếp tục chờ đợi khoảng 2 tháng nữa cho chuyến đi cuối cùng đến “miền đất hứa”.
“Một đêm, khoảng gần 4 giờ sáng họ đánh thức chúng tôi dậy lùa lên thùng container đông lạnh. Chiếc thùng container chở nên rất chật chội, tôi không đếm nổi có bao nhiêu người nữa, có thể 80 mà cũng có thể hàng trăm người chen chúc nhau. Nhiều người quê Nghệ An, Hà Tĩnh” – H cho hay.
Chuyến xe đưa những người này qua phà sang cảng Dover (nước Anh). 10 giờ sáng hôm đó, nhóm người đến nơi, đặt chân đến nơi được kỳ vọng là miền đất hứa. Chuyến đi kéo dài gần 4 tháng đưa H đến nước Anh để bắt đầu hành trình lao động chui lủi, thậm chí phải làm cả những công việc phi pháp.
Nhiều người nhập cư bất hợp pháp vào Anh phải chầu trực trong rừng ở Pháp hàng tháng trời. Ảnh: The Sun.
Chỉ mong trả được nợ
PV đặt câu hỏi, vì sao cũng vận chuyển trong thùng container mà H cùng nhóm của anh “qua được” trong khi điều may mắn không đến với 39 nạn nhân được phát hiện ở Essex?
H lý giải: “Chúng tôi được vận chuyển bằng thùng container đông lạnh nhưng là loại chở hoa quả. Mỗi khi làm lạnh khoảng 5 phút, sau đó sẽ ngắt chừng nửa tiếng mới lại tiếp tục bơm hơi lạnh vào nên tôi mới sống được đến nay. Còn với các nạn nhân vừa qua, có thể họ bị cho vào thùng container lạnh loại chở thịt, phải cấp đông liên tục. Thời gian qua trạm lâu sẽ bị quá lạnh”.
Cần những điều kiện gì để tham gia tham gia vào đường dây nhập cảnh bất hợp pháp như vậy?
H thủng thẳng: “Tiền. Chỉ cần anh có tiền, các đầu mối sẽ lo hết phần còn lại. Đường dây đưa tôi sang Anh đều là người Việt Nam, đã có mối quan hệ với những người ở những nước sở tại. Đi sang nước nào cũng có một nhóm phụ trách gà hết”.
Sau đó, H chỉ phải đưa ảnh cho “người buôn gà”, sau đó đường dây trả lại hộ chiếu có ảnh của H nhưng tên tuổi, địa chỉ, quê quán lại của người khác.
N.V.H (bên phải ảnh) trước khi ra sân bay về nước sau khi "vỡ mộng" ở nước Anh
“Hành trình từ Việt Nam sang Anh Quốc tôi phải trải qua 4 tháng mới đến nơi. Vượt qua biết bao chặng đường, ăn uống thất thường, đói khát, nguy hiểm rình rập. Rất may chuyến đi đó của tôi đến đích an toàn... Cũng rất may tôi cũng kiếm được đủ số vốn bỏ ra để trả nợ và làm vốn để nuôi vợ con” anh H. cho biết.
Sau hành trình có thể phải trả giá bằng mạng sống đến đến Anh quốc, H nhanh chóng vỡ mộng. Không giấy tờ tùy thân, không chuyên môn, không có các mối quan hệ thân thiết, H phải trải qua nhiều công việc vất vả, sống chui lủi.
“Một số lao động sang đây nhờ mối quan hệ quen biết kiếm được công việc ổn định như nấu ăn, phụ bếp trong nhà hàng. Mỗi tháng kiếm được từ 6.000 – 10.000 USD. Nhưng số này không nhiều, như tôi chẳng hạn phải cố gắng làm việc để mong kiếm đủ tiền trả nợ” – H nói.
Nhiều người sức khỏe yếu, không đủ sức khỏe làm việc đã sớm đến trình diện Đại sứ quán Việt Nam tại Anh quốc để liên hệ gia đình bảo lãnh về nước.
Một số người tham gia vào đường dây trồng “cỏ” (cần sa – PV) quanh năm suốt tháng sinh hoạt trong nhà kín, không được ra ngoài. “Đen” thì bị bắt có thể đi tù hay bị trục xuất về nước với món nợ trên lưng.
Về phần H, sau khi đủ tiền trả nợ, anh cũng đã đến Đại sứ quán Việt Nam trình diện để xin được bảo hộ công dân, kết thúc hành trình đầy ám ảnh ở miền đất hứa.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward ngày 28-10 đã có cuộc làm việc với đại diện Bộ Công an Việt Nam về thảm kịch 39...