Những phong tục trong Tết xưa mà nay đang dần biến mất

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Tắm lá mùi già chiều 30 Tết, dựng thang mía, đi sêu Tết… là những phong tục thường xuất hiện trong Tết xưa nhưng nay ít người còn biết đến.

Theo Giáo sư Trần Lâm Biền – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, Tết Nguyên đán xưa có rất nhiều phong tục đặc sắc mà ở đó, người ta thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, mong muốn những điều tốt đẹp trong dịp năm mới. Ngày nay, trong xã hội hiện đại và hội nhập, có không ít phong tục đã và đang dần biến mất hoặc lưu giữ nhưng không còn đúng với ý nghĩa ban đầu.

Dưới đây là một số phong tục trong Tết xưa mà nay còn ít người biết đến:

Tắm lá mùi già chiều 30 Tết

 Đun nước lá mùi tắm chiều cuối năm là tục lệ có từ xa xưa, nay ít người còn biết đến.

 Đun nước lá mùi tắm chiều cuối năm là tục lệ có từ xa xưa, nay ít người còn biết đến.

Thông thường, những dịp gần Tết, người dân thường chuẩn bị một ít cây rau mùi để đến chiều cuối năm mang ra đun nước tắm. Cây rau mùi và nhất là mùi già có mùi thơm đặc trưng, nhẹ nhàng và tinh khiết, dễ chịu nên người dân quan niệm, tắm bằng nước cây mùi sẽ gột bỏ được muộn phiền và bụi trần trong năm cũ.

Nếu ai đã từng một lần được tắm nước lá mùi già vào chiều cuối năm, chắc hẳn sẽ nhớ da diết hình ảnh của bà, của mẹ cặm cụi đun bếp lửa hồng với nồi nước to khói bốc lên nghi ngút, hương thơm nồng nàn.

Dựng mía cạnh ban thờ

Dựng mía cạnh ban thờ để làm bậc thang đi về cho các vị thần linh và tổ tiên.

Dựng mía cạnh ban thờ để làm bậc thang đi về cho các vị thần linh và tổ tiên.

Theo phong tục xưa, cây mía tím sẽ được dựng ở hai bên bàn thờ tổ tiên sau khi đã dọn dẹp bụi bẩn của năm cũ. Cây mía tím tượng trưng cho cái thang vì có từng đốt giống như từng bậc thang, giúp linh hồn ông bà, tổ tiên lên trần gian ăn Tết cùng với con cháu.

Tập tục này có từ rất xưa nhưng đến nay hầu như không còn phổ biến nữa.

Dựng cây nêu

Dựng cây nêu ngày Tết với quan niệm trừ ma quỷ và cầu may mắn. Ảnh minh họa internet.

Dựng cây nêu ngày Tết với quan niệm trừ ma quỷ và cầu may mắn. Ảnh minh họa internet.

Cây nêu là cây tre cao khoảng 5 - 6m, để ngọn, được người dân dựng vào ngày 23 tháng Chạp và hạ vào ngày 7 tháng Giêng. Theo phong tục cổ, ngọn nêu thường được trang trí bằng các loại cờ, phướn, đèn lồng, câu đối, niêu đất chứa vôi, chuông gió… Bên dưới gốc, rắc bột vôi trắng tạo thành vòng tròn hoặc rắc hình cánh cung, mũi tên hướng ra phía cổng.

Cắm nêu với ý nghĩa tâm linh là mong muốn những điều tốt đẹp trong năm mới và xua đuổi tà ma, quỷ dữ. Thế nhưng, hiện nay, rất ít gia đình còn giữ được phong tục này. Một số gia đình còn cắm nêu nhưng cũng không còn đúng với phong tục cắm nêu cổ truyền.

Xin chữ, câu đối

Xin chữ, câu đối ngày Tết nhằm cầu an, cầu tài, cầu sức khỏe.

Xin chữ, câu đối ngày Tết nhằm cầu an, cầu tài, cầu sức khỏe.

Tục xin chữ, xin câu đối đã có từ rất trong những ngày Tết của người Việt. Xin chữ với ý nghĩa nhằm cầu an, cầu tài, cầu sức khỏe từ các ông đồ hay chữ xin. Hình ảnh ông đồ già bày mực tàu, giấy đỏ đã đi vào thơ ca rất đẹp đẽ.

Ngày nay, phong tục này đang dần mai một khi các ông đồ đã không còn nhiều tại các làng quê. Ở một số thành phố lớn có ông đồ cho chữ tuy nhiên, việc xin chữ, câu đối ngày nay cũng đang bị thương mại hóa. 

Đi sêu Tết

Đây là một trong những phong tục Tết cổ xưa đẹp mang ý nghĩa nhân văn của người Việt Nam. Ngày xưa, các cặp trai gái đang trong thời kỳ hứa hôn, trước Tết người con rể tương lai phải mang lễ đến biếu bố mẹ vợ.

Đồ lễ đi sêu Tết thường là thức ăn, như bánh chưng, rượu, gà sống cùng với hoa quả. Đặc biệt, không thể thiếu những gói hương vòng, loại hương thơm, thắp cả ngày trên bàn thờ tổ tiên trong 3 ngày Tết. Khi mang lễ vật đến nhà bố mẹ vợ, chàng rể sẽ thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, thành kính vái lạy.

Trong xã hội hiện đại, các chàng rể vẫn mang quà sang biếu bố mẹ vợ nhưng đồ biếu đã có sự thay đổi. Và có lẽ, nhiều người cũng không còn biết đến tục sêu Tết là một phong tục xưa.

Gánh nước cầu may

Tục gánh nước cầu may gắn với việc lấy nước, đổ đầy các lu đựng nước, chậu to, chậu nhỏ, chum vại trong các gia đình xưa… Điều này bắt nguồn từ nhu cầu thực tế cần trữ nước đủ dùng trong 3 ngày Tết và xa hơn, tục gắn với nền nông nghiệp lúa nước qua câu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Do vậy, việc đổ đầy nước vào ngày Tết được cho rằng sẽ mang lại sự may mắn, đủ đầy trong năm.

Đáng nói, tục này không được thực hiện bởi các thành viên trong gia đình. Những người gánh nước thuê ngày mùng một Tết sẽ chủ động gánh nước cho các gia đình để nhận được tiền thưởng Tết. Cũng giống như tục xông nhà, những người tốt vía, khiến gia chủ có cảm giác tin tưởng vào việc làm ăn may mắn, sẽ được lựa chọn.

Tập tục này mất dần khi nhu cầu lấy nước không còn là vấn đề quan trọng ở các địa phương. Hiện tại, chỉ còn một số vùng trung du phía Bắc giữ tập tục này.

Đầu năm mua muối

Mua muối là để cầu mong gia đình cả năm được no đủ, tình cảm thắm thiết, mặn mà.

Mua muối là để cầu mong gia đình cả năm được no đủ, tình cảm thắm thiết, mặn mà.

Người xưa vẫn có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Vào ngày đầu tiên của năm mới, thậm chí ngay sau khoảnh khắc giao thừa, nhiều người sẽ có thói quen mua muối mang về nhà. Ý nghĩa của việc mua muối là để cầu mong gia đình cả năm được no đủ, tình cảm thắm thiết, mặn mà.

Phong tục này đến ngày nay vẫn còn nhiều gia đình lưu giữ.

Ngày tết con trai Ama Kông kể chuyện săn voi trắng

Ama Kông nổi tiếng cả rừng núi Tây Nguyên với huyền thoại săn được gần 300 con voi, trong đó có ba con voi trắng quý hiếm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN