Những phát biểu nóng diễn đàn Quốc hội về tiêu cực thi cử
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội, nhiều ĐBQH có những phát ngôn ấn tượng về các vấn đề giáo dục đào tạo, trong đó đặc biệt là vụ việc tiêu cực, gian lận thi cử thời gian vừa qua.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang):
“...Bộ không đánh giá về kết quả thi hằng năm của các tỉnh, thành phố, tỷ lệ điểm. Nếu phân tích kết quả không thể không đặt dấu hỏi, vì sao nhiều tỉnh miền núi điểm khá giỏi lại cao hơn Hà Nội, Hồ Chí Minh. Nếu phúc tra cả nước, tôi tin sẽ còn rất nhiều vi phạm trong kỳ thi vừa qua. Đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình rất cần có người chịu trách nhiệm trước nhân dân...
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu
Trong giáo dục, việc đánh giá kết quả là hết sức quan trọng. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã có rất nhiều cải cách nhưng theo tôi phương pháp là chưa đúng. Trong phiên thảo luận về giáo dục, nhiều người đã bàn về triết lý giáo dục, trước mắt chúng ta cần đưa ra nguyên tắc giáo dục rất đơn giản nhưng cần thiết lúc này là một nền giáo dục không nói dối. Không thể tạo nên một sản phẩm giáo dục hoàn hảo khi chúng ta chấp nhận nói dối từ những năm đầu tiên các con cắp sách tới trường.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận):
“...Tiếp xúc với cử tri trước kỳ họp này, rất nhiều cử tri có ý kiến phàn nàn về chất lượng giáo dục, về bệnh thành tích cũng như tiêu cực trong giáo dục. Điều đó cho thấy người dân không những không yên tâm mà còn mất niềm tin với giáo dục. Thử hỏi rằng rồi nên giáo dục của chúng ta sẽ đi về đâu khi mà hiện trạng giáo dục như vậy.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương
Quay lại với sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2018, tôi dám chắc Bộ GD&ĐT chưa thấy hết hệ quả tệ hại mà sai phạm đó mang lại. Nó khiến cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục nước nhà. Là người tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng và tiến hành nhưng bộ không kiểm soát được tình hình. Ngay cả sai phạm khi xảy ra, không phải bộ phát hiện mà do một nhóm các thầy giáo ở Hà Nội phát hiện, tố giác rồi bộ mới vào cuộc.
Nhưng điều đáng nói hơn là khi làm rõ được sai phạm thì việc công khai danh tính của những học sinh và phụ huynh liên quan đến sai phạm thì bộ không có chính kiến rõ ràng vì cho rằng nào là nhạy cảm, nào là nhân văn, nhưng tất cả những mất mát lớn nhất của vụ việc này là mất đạo đức xã hội. Chỉ khi xử lý triệt để vụ này thì mới lấy lại niềm tin của người dân và để người dân tin rằng đất nước này vẫn còn pháp luật...”
ĐBQH Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau):
“Nếu chúng ta tiến hành một cuộc khảo sát nền giáo dục bây giờ tìm được một học sinh yếu kém khó như mò kim đáy biển... Nếu như trước kia tiêu cực trong thi cử chỉ diễn ra nhỏ lẻ thì ngày nay chuyển thành gian lận có tổ chức, quy mô lớn hơn, tinh vi hơn và diễn ra ở nhiều địa phương do những người có chức, có quyền, có tiền, có thế lực trong và ngoài ngành giáo dục thực hiện.
ĐBQH Thái Trường Giang
Tôi có thể gọi hành động gian lận thi cử năm 2018 là hành vi ăn cướp, là vô liêm sỉ vì đã đánh mất cơ hội và tương lai của các cháu học thật, thi thật. Hành động gian lận thi cử đang làm băng hoại nền tảng xã hội, nền giáo dục nước nhà”.
ĐBQH Quách Thế Tản (đoàn Hoà Bình):
“Môi trường giáo dục trong xã hội đang có những bất cập, đó là tồn tại một lối sống buông thả, gian lận trong thương trường và hưởng thụ quá độ trong cuộc sống hiện đại. Nạn tham nhũng, thiếu trách nhiệm, xa dân trong một bộ phận cán bộ đảng viên các cấp, một số vi phạm pháp luật của người lớn còn được du di cho qua, không thể không khiến người trẻ nghĩ rằng làm sai cũng chẳng sao cả.
ĐBQH Quách Thế Tản
Xã hội tồn tại không ít sự dối trá, nói một đằng làm một nẻo khiến trẻ em mất lòng tin, tệ hại hơn là học theo những thói xấu đó. Vậy môi trường giáo dục trên là do ai tạo ra. Đó là người lớn...”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ:
“...Sau khi nhận được thông tin phản ánh về gian lận, Bộ GD&ĐT đã cử đoàn thanh tra để kiểm tra và đã có văn bản đề nghị Bộ Công an phối hợp. Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, phải làm nghiêm. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an đã phối hợp để điều tra, xác minh, bước đầu đã có kết quả. Các em được nâng điểm đã chấm đưa vào điểm thật. Các em không đủ điểm thi vào đại học đã bị trả lại về địa phương.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm và rút kinh nghiệm toàn ngành qua hội nghị trực tuyến. Bộ Công an đã rất tích cực khởi tố bị can, vụ án đang tiếp tục khởi tố các đối tượng liên quan. Do tính chất phức tạp của công việc nên đến nay Bộ Công an vẫn tiếp tục quá trình điều tra và các địa phương tiếp tục xử lý theo trách nhiệm của mình.
Khi có kết quả điều tra, các đối tượng sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Quan điểm của chúng tôi là nghiêm khắc để xử lý gian lận. Chúng tôi đề nghị các địa phương xem xét cho ra khỏi ngành những cá nhân hoặc học sinh có dấu hiệu vi phạm được cơ quan điều tra xác minh...”.
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang):
“Tôi rất chia sẻ với những khó khăn của Bộ GD&ĐT, nhưng quyền lợi của cử tri, tôi thấy trong bài phát biểu của Bộ trưởng chưa đề cập tới giải pháp để phát triển quyền lợi của các cháu đã bị tuột mất cơ hội.
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ
Chính vì vậy, tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và các trường đã loại số thí sinh gian lận phải có giải pháp để gọi và công nhận bù lại số các cháu đã bị mất cơ hội... Tôi đề nghị phải có giải pháp để bảo đảm sự công bằng cho các cháu học thật mà đã bị mất cơ hội do sự gian lận vừa rồi”.
ĐBQH Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau):
“Về bệnh thành tích trong giáo dục, tôi cho rằng căn bệnh này là trầm kha, liên quan đến bệnh thành tích khác trong xã hội. Tuy nhiên, khi trả lời ý kiến, Bộ trưởng không đề cập đến vấn đề này để làm rõ hơn cho cử tri. Bệnh thành tích đó theo Bộ trưởng có trầm trọng không và tôi cần Bộ trưởng có thái độ dứt khoát hơn để chấn hưng nền giáo dục nước nhà, không chỉ nhận trách nhiệm chung chung như Bộ trưởng đã trình bày”.
ĐBQH Lê Tuấn Tứ (đoàn Khánh Hoà):
“...Trong quá trình phát triển của xã hội luôn có sự sàng lọc tự nhiên, loại bỏ các yếu tố tiêu cực như bạo lực học đường, bạo lực trẻ em, gian lận trong thi cử sẽ được loại bỏ. Biết rằng đó chỉ là một cá biệt, một hạt sạn nhưng ảnh hưởng đến nhân phẩm và tính mạng của con người là không thể chấp nhận được. Nỗi đau và trách nhiệm này không chỉ riêng của ngành giáo dục và đào tạo mà là nỗi đau và trách nhiệm chung của mỗi chúng ta...
ĐBQH Lê Tuấn Tứ
Tóm lại, vấn đề tiêu cực trong kỳ thi quốc gia năm 2018, tôi đồng tình phải lên án những cá nhân đã dùng vật chất và tinh thần để mua chuộc những người đang thi hành công vụ. Chính họ là nguyên nhân gây ra những tiêu cực này góp phần làm cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục. Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã xử lý việc này chưa kịp thời, còn chậm, làm mất cơ hội của một số em đáng lẽ đã được vào đại học năm 2018".
Trong vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, nhiều bị can khai đã thỏa thuận nhận hàng trăm triệu đồng để nâng điểm cho các...