Những phận đời lênh đênh trên sông Hồng và ước mong về chốn nương thân
Những người dân xóm Phao sinh sống dưới chân cầu Long Biên vừa lo lắng, nhưng cũng đầy hy vọng khi biết tin về đồ án quy hoạch khu đô thị sông Hồng.
Quy hoạch sông Hồng sẽ khiến không ít người dân đang sinh sống ở khu vực 2 bên bờ sông Hồng sẽ có nhiều thay đổi
Những ngày gần đây, ông Nguyễn Đăng Được – Trưởng xóm Phao cùng hơn 100 nhân khẩu (thuộc bãi giữa sông Hồng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) ngày đêm suy nghĩ về cuộc sống của gia đình mình cùng hơn 100 con người nơi đây khi biết tin về đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được nghiên cứu sẽ thay đổi cuộc sống của rất nhiều người, trong đó có họ.
Đây là sự kiện rất quan trọng đối với người dân ở bãi giữa sông Hồng đoạn qua cầu Long Biên. Khu vực này có xóm Phao là nơi cư trú tạm bợ của khoảng 35 hộ dân với khoảng 120 nhân khẩu. Họ từ nhiều tỉnh khác nhau lên Hà Nội mưu sinh bằng các nghề lao động phổ thông. Đất bãi ở hai bên bờ sông là phương tiện mưu sinh và là chỗ ở của họ. Họ sống lênh đênh trên những bè nổi, thiếu thốn cả điện và nước.
Những chiếc thuyền nổi của hơn 100 người dân xóm chài sinh sống
Ông Được - người sinh sống ở bãi giữa sông Hồng đầu tiên - nói: “Thời gian gần đây, trong đầu tôi luôn đặt ra câu hỏi duy nhất, người dân xóm phao nếu phải di dời thì sẽ đi đâu? Tôi luôn hy vọng sẽ có một nơi ở mới ổn định hơn, sạch sẽ hơn bởi dân xóm Phao đã thiệt thòi, sống ở đây thiếu thốn đủ thứ”.
Theo ông Được, nếu phải di dời thì người lớn chúng tôi ở đâu cũng được nhưng lo trẻ nhỏ đang đi học. Nếu phải chuyển trường, các cháu sẽ rất khó theo học được tiếp. Hiện tại có gần 30 trẻ nhỏ đang độ đi học từ mầm non đến cấp 3, các cháu rất ngoan và chịu khó khó, nhiều cháu học rất giỏi.
Ông Nguyễn Đăng Được - Trưởng xóm phao – trăn trở nhưng cũng hy vọng có chỗ ở ổn định sau khi biết tin quy hoạch sông Hồng
Nếu chuyển vào thành phố, chúng tôi phải thuê nhà nên rất khó khăn. Ai cũng có quê nhưng về quê giờ không có ruộng, không nghề nghiệp, không có tiền... Ra đi thì dễ nhưng về quê hương sống rất khó.
“Đã mấy lần tôi nói chuyện với người dân nơi đây. Điều mong mỏi lớn nhất của người dân xóm Phao là cơ quan chức năng sớm hoàn thiện quy hoạch cụ thể và hỗ trợ cho người dân ở đây để có chỗ ăn ở sạch sẽ, ổn định hơn. Việc di dời là hợp lý để thành phố quy hoạch các khu văn hóa, sinh thái cho người dân Thủ đô. Điều đó cũng tránh được tình trạng nhiều gia đình ở trên bờ có nhà cửa khang trang vẫn “nhảy dù” xuống bãi giữa sông Hồng làm nhà bè để lấy chỗ vui chơi”, ông Được chia sẻ.
Gia đình chị Trang gồm 5 người sống trong “căn nhà” hơn 10m2 cuối xóm phao
Chị Nguyễn Thu Trang, 21 tuổi, nhà ở cuối xóm Phao cho biết, ông Được có họp với dân trong xóm mấy lần về dự án quy hoạch, tất cả cư dân ở đâu đều ủng hộ nếu dự án triển khai. Có sự lo âu nhưng cũng niềm tin có nơi ở mới tốt hơn. “Cuộc sống nơi đây khó khăn như thế nào mình cũng chịu được nhưng nếu không có chỗ dung thân chỉ sợ sau này các cháu nhỏ phải bỏ học giữa chừng. Mong ước lớn nhất sau này gia đình có một chỗ ở ổn định, các cháu lớn lên sống có ích cho xã hội”, chị Trang cho hay.
Hiện tại, gia đình chị Trang gồm hai vợ chồng và 3 cháu nhỏ sống trong “căn nhà” hơn 10m2. Chồng chị Trang bị dị tật ở chân nhưng hàng ngày cần mẫn vào thành phố làm thuê, kiếm tiền nuôi gia đình còn chị Trang làm quanh quẩn ở nhà, trông đứa út.
Hai vợ chồng ông Thành gắn bó hàng chục năm trong “căn nhà” nổi ven sông Hồng dưới chân cầu Long Biên
Vợ chồng ông bà Ông Nguyễn Văn Thành (85 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thủy (84 tuổi) đã sống gần cả cuộc đời ở ven sông Hồng. Ông cùng vợ chỉ ở trong một chiếc bè nổi lênh đênh dưới chân cầu Long Biên. Chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình chỉ dựa vào việc nhặt ve chai kiếm vài chục nghìn đồng để sống qua ngày, đoạn tháng. Hiện tại, hai ông bà tuổi đã cao, ốm đau thường xuyên khiến cuộc sống ngày càng bấp bênh.
“Nếu phải di dời cũng không biết đi đâu về đâu, những người dân xóm phao đi đâu thì hai vợ chồng theo đó. Mong nhà nước và chính quyền có những hỗ trợ cụ thể giúp gia đình của ông có nơi ở ổn định để sinh sống.”, ông Thành nói.
Bà Lê Thị Hoa sinh sống ở xóm Phao 10 năm nay, công việc hằng ngày đi làm thuê cho các nhà vườn, ai thuê gì thì làm. Bà cho biết, nếu phải di dời cũng chưa biết đi đâu về đâu
Anh Nguyễn Văn Mẫn, đã theo mẹ sống ở xóm Phao gần 20 năm nay. Hiện tại, anh Mẫn mở một quán nước nhỏ gần nhà, bán nước cho những người đi tập thể dục ven sông Hồng, thỉnh thoảng anh vào thành phố làm thợ xây kiếm thêm thu nhập.
Hà Nội sáng 22-3 đã công bố Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống...
Nguồn: [Link nguồn]