Những nút giao thông hiện đại thay đổi diện mạo cửa ngõ TP.HCM
Trạm 2, Cát Lái, Vành đai 2,… là những nút giao thông hiện đại được xây dựng hàng chục năm qua giúp giải quyết kẹt xe và làm thay đổi diện mạo cửa ngõ TP.HCM.
Nút giao thông cầu vượt Trạm 2 (TP Thủ Đức) hoàn thành năm 2004 với tổng kinh phí khoảng 120 tỷ đồng. Đây là nút giao thông được thiết kế hệ thống cầu vượt dạng hoa thị đầu tiên tại Việt Nam, với 4 vòng tròn có đường kính 420m và các nhánh đường trong khu vực có diện tích 27ha. Trong đó, phần đường vành đai Khu Công nghệ cao TP.HCM vẫn chưa được thi công.
Đây là nút giao thông quan trọng, “độc nhất vô nhị” ở TP.HCM tại cửa ngõ phía Đông. Công trình có chức năng phân luồng giao thông, giải quyết kẹt xe, kết nối Xa lộ Hà Nội với quốc lộ 1A để vào trung tâm thành phố, đi các tỉnh Đông Nam Bộ.
Hiện tại, nút giao này có hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy ngang qua phía trên, trở thành nút giao thông 3 tầng. Diện mạo cửa ngõ phía Đông thành phố thay đổi ngày càng hiện đại hơn.
Song song với Xa lộ Hà Nội là dự án gồm 8 hầm chui qua các nhánh đường giao cắt của cầu vượt Trạm 2. Dự án khởi công năm 2017, có quy mô 165 tỷ đồng, góp phần giải quyết xung đột ở nút giao này. Đến nay, công trình chuẩn bị đưa vào sử dụng hầm chui hướng vào trung tâm thành phố.
Cũng nằm trên cửa ngõ phía Đông, trục Xa lộ Hà Nội, cách cầu vượt Trạm 2 khoảng 8km là nút giao thông ngã ba Cát Lái (TP Thủ Đức). Công trình nằm ở điểm cuối của đại lộ Đông Tây (gồm đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ) kết nối với Xa lộ Hà Nội. Đây là tuyến đường quan trọng bậc nhất khu vực cửa ngõ phía Đông, nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và miền Bắc.
Nút giao thông đẹp và hiện đại này được đưa vào sử dụng từ tháng 8/2010. Công trình thiết kế với 2 cầu vượt từ cảng Cát Lái (đường Nguyễn Thị Định – Đồng Văn Cống và Mai Chí Thọ), dự án Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc rẽ trái về trung tâm thành phố. Một cầu hướng từ cầu Rạch Chiếc trên Xa lộ Hà Nội rẽ trái về cảng Cát Lái, hầm Thủ Thiêm và 8 nhánh đường phía dưới. Tuyến metro số 1 cũng chạy bên nút giao này.
Đây được xem là nút giao có tầm quan trọng bậc nhất ở TP.HCM, giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông khi tạo điều kiện cho dòng xe đầu kéo, xe tải hạng nặng lưu thông giữa xa lộ Hà Nội và cảng Cát Lái thuận lợi, nhanh chóng. Ô tô các loại lưu thông đi trung tâm, phía Tây Nam thành phố và ngược lại dễ dàng hơn.
Hiện tại, một nhánh cầu vượt hướng từ dự án Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc rẽ trái về cầu Sài Gòn vẫn chưa được tổ chức giao thông.
Nút giao cầu Thủ Thiêm 1 (quận Bình Thạnh) là công trình đường dẫn lên xuống cầu nối quận Bình Thạnh và Khu đô thị mới Thủ Thiêm cùng hầm chui đường Nguyễn Hữu Cảnh nằm ở cửa ngõ phía Đông, gần trung tâm thành phố.
Nút giao gồm 1 hầm chui trực thông dài 460m trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, rộng 4 làn xe. Đường dẫn từ cầu Thủ Thiêm hướng TP Thủ Đức chia thành 2 nhánh hướng đi quận 1 và đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh cùng các đường gom có tổng chiều dài 1.460m.
Hầm chui nối đường Nguyễn Hữu Cảnh dành cho ô tô và xe máy lưu thông 2 chiều giúp giao thông khu vực này thông thoáng. Công trình được xem là nút giao thông 3 tầng đầu tiên được xây dựng ở TP.HCM.
Nút giao Vành đai 2 thuộc gói thầu số 9 của tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào sử dụng đầu năm 2015. Nút giao đi qua đường Vành đai 2, Nguyễn Duy Trinh, có vai trò kết nối các phương tiện lưu thông ra vào đường cao tốc từ các hướng cầu Phú Mỹ, nút giao An Phú, ngã tư Bình Thái, Khu Công nghệ cao và hướng từ Long Thành (Đồng Nai).
Công trình có thiết kế, xây dựng khá phức tạp trong tổng diện tích lớn khi có 8 nhánh đường với tổng chiều dài hơn 12km. Trong đó, phần đường dài hơn 8km, phần cầu 4km và 15 cống thoát nước.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), gói thầu xây dựng đường và nút giao giữa đường cao tốc và Vành đai 2 có điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp nên phải sử dụng hơn 442.000m3 đất đắp, gần 34.000m3 cấp phối đá dăm, trên 36.000 tấn bê tông nhựa các loại và nhiều loại vật liệu đặc thù khác.
Công trình nút giao thông lớn nhất TP.HCM này giúp kết nối giao thông cửa ngõ phía Đông với phía Tây, các tỉnh Đông Nam Bộ và phía Bắc, các khu đô thị, khu công nghiệp, cảng biển… xung quanh.
Cũng nằm trên trục đường Vành đai 2, dự án nút giao thông Mỹ Thuỷ khởi công xây dựng năm 2016, được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đưa vào khai thác gồm cầu Kỳ Hà 3, nhánh cầu vượt trên đường Vành đai 2, hầm chui rẽ trái từ Vành đai 2 đi cảng Cát Lái và giai đoạn 2 là cầu Mỹ Thuỷ 3. Các hạng mục đã giải quyết phần nào tình trạng xung đột, ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở khu vực này.
Các hạng mục còn lại của giai đoạn 1 là các tuyến đường nhánh phía bờ tả và bờ hữu rạch Mỹ Thuỷ đang tạm ngừng thi công do vướng giải phóng mặt bằng. Hạng mục chưa xây dựng giai đoạn 2 gồm cầu Kỳ Hà 4, nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ đi cảng Cát Lái và cầu vượt rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ.
Tháng 12/2022, dự án xây dựng nút giao An Phú (TP Thủ Đức) có tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng được khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2025. Nút giao thông An Phú là điểm giao giữa các trục đường giao thông lớn gồm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Mai Chí Thọ, Lương Định Của và kết nối với các tuyến Xa lộ Hà Nội, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định đi cảng Cát Lái, nên áp lực giao thông lên khu vực này rất lớn.
Công trình khi hoàn thành giúp giảm ùn tắc cho khu vực cửa ngõ phía Đông TP.HCM, việc đi lại với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, miền Trung cũng thuận tiện hơn.
Nguồn: [Link nguồn]