Những "Nick Vujicic" Việt Nam thầm lặng

Trong buổi diễn thuyết đầu tiên tại Việt Nam, nếu như Nick hài hước, dí dỏm khiến cả hội trường cười vang, thì Bích Lan lại khiến nhiều người cảm phục bởi tinh thần thép toát lên từ một thể trạng nhỏ bé, còn thầy Nguyễn Thế Vinh lại khiến mọi người ngưỡng mộ khi chơi đàn ghi-ta bằng một tay cùng lúc với thổi kèn Harmonica…

Họ thực sự đã truyền được cảm hứng cho mọi người mà không cần một lời hoa mĩ nào. Họ là những “Nick Vujicic của Việt Nam” thầm lặng.

Bài viết này xin giới thiệu 2 trong số những con người tuyệt vời ấy. Họ cũng nằm trong 24 tấm gương nghị lực vừa được tôn vinh trong đêm diễn thuyết vừa rồi.

Nguyễn Thị Thu Thương - Cô gái xương thủy tinh khéo léo

Lần đầu tiên tôi được gặp Thu Thương (tên gọi thân quen là Thương Thương) là trong một buổi giao lưu những người khuyết tật cả nước diễn ra tại Hà Nội. Ấn tượng về chị là sự cởi mở, hòa đồng và nói chuyện rất nhẹ nhàng, tình cảm. Lần này gặp lại tại sự kiện Nick Vujicic diễn ra ở TP.HCM, Thu Thương vẫn tươi cười trên chiếc xe nôi, ôm tôi thân thiết.

Thương - cái tên gọi ấy được bố mẹ chị đặt để gửi gắm tình thương yêu vô bờ bến của họ dành cho đứa con khi sinh ra vốn đã có đầu to, người nhỏ, chân tay cong queo. Thu Thương không đi, không đứng, không ngồi được, mà chỉ di chuyển bằng cách lăn. Mọi sinh hoạt của Thương đều do bố mẹ hỗ trợ, bế hoặc đẩy trên một chiếc xe nôi. Hồi bé, chị có ước mơ trở thành ca sĩ hoặc bác sĩ, nhưng đành từ bỏ vì những điểm khuyết về bản thân mình.

Những "Nick Vujicic" Việt Nam thầm lặng - 1

Thu Thương (phải) trong buổi thuyết trình đầu tiên của Nick Vujicic tại TP.HCM

Căn bệnh xương thủy tinh (xương dễ vỡ do va chạm, và phải mất một thời gian lâu mới lành lại được), chị không được đến trường như bè bạn. Nhưng với sự động viên của gia đình, với nỗ lực và mong muốn tự khẳng định mình, Thu Thương đã tự học chữ ở nhà, phụ giúp mẹ bán hàng, tự đan vó bán và đi học nghề tại Trung tâm xã hội “Vì Ngày Mai”. Sau ba tháng chăm chỉ học nghề, Thương đã tạo ra được sản phẩm không chỉ đẹp mà còn rất sáng tạo bằng len, cúc áo, giấy…

Thương thành lập Trung tâm đồ thủ công mỹ nghệ mang tên chính mình vào năm 2008. Trung tâm của cô còn nhận dạy nghề cho người khuyết tật. Thương mong muốn trong tương lai sẽ mở rộng trung tâm, mô hình kinh doanh của mình để tạo nhiều việc làm cho người khuyết tật hơn nữa.

Với những cống hiến đó, Thu Thương cũng đã được bằng khen của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi TP Hà Nội, bằng khen tôn vinh “anh hùng thầm lặng” của công ty Microsoft Việt Nam, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội…

Nguyễn Chung Tú – Chàng kỹ sư tin học tương lai

Bất cứ ai gặp Tú chắc chắn cũng sẽ bị thu hút bởi khuôn mặt thanh tú và cặp mắt sáng. Tú sinh ra là một đứa trẻ thông minh, lanh lợi. Nhưng điều trớ trêu bắt đầu đến khi Tú có những biểu hiện của một căn bệnh lạ, chân yếu hẳn đi và không thể đi được bình thường như bạn đồng trang lứa từ lúc học lớp 1. Anh bắt đầu di chuyển bằng hai tay và đến cuối lớp 5, Tú đã phải đến trường trên tấm lưng của mẹ.

Tú bị yếu tứ chi, không thể tự di chuyển hay cầm mang vật nặng được, và mẹ là đôi chân, đôi tay diệu kỳ của Tú. Bất kể mưa nắng, hai mẹ con Tú vẫn đều đặn đến trường, không nghỉ buổi học nào.

Không muốn phụ lòng yêu thương của mẹ, Tú đã vượt qua những trở ngại của cuộc sống, cậu tốt nghiệp THPT loại giỏi với 51 điểm (trong đó có hai môn điểm 10) và đậu hai trường đại học tại TP.HCM là Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Mở. Hai năm liền học Khoa Công nghệ thông tin trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM, Tú luôn đạt kết quả loại giỏi (trên 8.0 điểm) và giành được khá nhiều suất học bổng.

Những "Nick Vujicic" Việt Nam thầm lặng - 2

Nguyễn Chung Tú

Ngoài học tập, Tú còn tham gia các hoạt động xã hội. Anh là một trong những người thuộc dự án Nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật tại TP.HCM của Trung tâm Khuyết tật và phát triển DRD Việt Nam. Tú là chủ nhiệm CLB Niềm Tin trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Khi tôi hỏi về những điều Tú muốn thực hiện trong thời gian tới đây, anh chia sẻ: “Mình có 2 điều muốn thực hiện là thành lập câu lạc bộ Sinh viên khuyết tật tại TP.HCM và xây dựng công trình thanh niên tiếp cận trường học. Còn trong tương lai mình muốn về quê xây dựng trung tâm vi tính dạy cho trẻ em nghèo, khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Hi vọng, mình sẽ làm được!”.

Nick Vujicic khiến cả thế giới ngưỡng mộ, nhưng trên chính đất nước Việt Nam cũng có biết bao người đáng khâm phục, đáng ngưỡng mộ như anh. Họ có thể không có điều kiện quốc tịch tốt như Nick (Úc là một trong những nước có nền kinh tế phát triển, xếp hạng 3 về chỉ số phát triển con người, xếp hạng 6 về chỉ số chất lượng cuộc sống), có thể không là diễn giả làm lay động hàng chục triệu con người trong mỗi buổi diễn thuyết… nhưng họ cũng đang tỏa sáng.

Họ là những bông hoa, vầng trăng khuyết, đang ngày ngày khoe sắc và tỏa hương cho đời. Họ tươi vui yêu đời, sống và làm việc, mang lại giá trị thầm lặng cho cuộc sống này. Chính họ có thể trở thành nguồn cảm hứng, nguồn động lực bất tận cho những người Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hoa ([Tên nguồn])
Nick Vujicic đến Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN