Những nhà giáo đi vào tâm dịch

Họ sẵn sàng rời bảng đen để cùng các lực lượng tuyến đầu góp sức chống dịch COVID-19 trong đợt dịch thứ tư vừa qua.

Dịch COVID-19 bùng lên tại TP.HCM và cả nước, như hầu hết ngành nghề khác, giáo viên (GV) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nhưng, bằng tất cả tấm lòng người thầy và trái tim nhiệt huyết, không ít thầy cô giáo đã có những đóng góp đáng kể để cùng TP đẩy lùi dịch bệnh.

4 tháng chống dịch, dù phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm nhưng thầy Lương Phú Long chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dừng lại. Ảnh: NVCC

4 tháng chống dịch, dù phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm nhưng thầy Lương Phú Long chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dừng lại. Ảnh: NVCC

Người thầy 4 tháng không về nhà

“Mỗi lần phường tặng gói quà an sinh, tôi lại mang về đặt trước cửa nhà để mẹ ra lấy. Không dám vào nhà vì sợ lây bệnh cho gia đình, tôi chỉ có thể đứng nhìn cha mẹ còn khỏe mạnh qua cánh cổng, rồi vội vàng chạy đi…”.

Đó là lời tâm sự về những ngày tháng đi vào tâm dịch của thầy Lương Phú Long, GV Trường Tiểu học Bình Hưng Hòa 1 (quận Bình Tân). Thầy Long được các tình nguyện viên (TNV) của phường gọi vui là “bàn tay vàng của làng dương tính” vì thầy thường lấy mẫu cho rất nhiều F0 trong khu vực. Nguy hiểm là thế nhưng chưa giây phút nào thầy nghĩ đến việc dừng lại bởi: “Rất nhiều người đang cần chúng tôi”.

Tháng 7-2021, sau khi Đoàn phường Bình Hưng Hòa B kêu gọi TNV tham gia hỗ trợ chống dịch tại địa phương, thầy Phú Long liền đăng ký tham gia. Thời điểm đó, tình hình dịch trên địa bàn phường và quận Bình Tân rất nóng, là vùng đỏ của TP. Thấy nhiều ca trở nặng, mất vì COVID-19, mẹ của thầy ra sức cản ngăn.

Cô Nguyễn Thị Kim Oanh trao quà hỗ trợ cho người dân trong khu phố. Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Thị Kim Oanh trao quà hỗ trợ cho người dân trong khu phố. Ảnh: NVCC

Những ngày đầu tham gia, thầy phải nói dối mẹ là đi làm vệ sinh trường học. Sau đó, để an toàn cho gia đình, thầy dọn ra ngoài ở một mình. Đến nay, đã 4 tháng thầy không về nhà và việc tiếp xúc với F0 trở thành điều bình thường. Nhớ nhà, thầy lại chạy xe máy đến trước cổng, nhìn cha mẹ từ xa. Có khi thầy ghé đem gói quà an sinh của phường tặng, khi thì tới lấy hộp cơm mẹ đã chuẩn bị sẵn. Mẹ con chỉ có thể trò chuyện qua màn hình điện thoại.

Thầy kể: “Lần đầu chống dịch ngỡ ngàng lắm, tôi chỉ đi theo đoàn lấy mẫu và điều phối người dân. Bởi chuyên môn chính của tôi là dạy học, tuy nhiên sau khi được tập huấn, tôi trực tiếp đi vào các khu cách ly, khu phong tỏa để lấy mẫu”. Nếu không lấy mẫu, thầy đến hỗ trợ các điểm tiêm vaccine. Thầy hướng dẫn người dân kiểm tra thông tin, điền phiếu giúp người già, người không biết chữ.

Ngoài lấy mẫu và hỗ trợ điểm tiêm, thầy Long còn đi chợ giúp dân và giao sách giáo khoa cho nhiều gia đình trong thời điểm giãn cách. Nhiều gia đình trong khu phong tỏa, tự cách ly tại nhà không thể đi chợ. Khi được phường tặng những phần quà nhu yếu phẩm, thầy lại gửi tặng cho các gia đình đó.

Trong mắt những TNV hỗ trợ chống dịch của phường Bình Hưng Hòa B, thầy Long là người rất nhiệt tình, năng nổ và “mãi xanh”. Bởi không chỉ có trách nhiệm với việc chống dịch, thầy còn thường xuyên giúp đỡ, hướng dẫn những TNV trẻ của phường.

Nói về thầy Long, chị Phan Thị Hạ, Bí thư Đoàn phường Bình Hưng Hòa B, nhận xét: “Dù đã lớn tuổi nhưng thầy rất xông xáo trong công việc. Ở điểm tiêm, nhiều lần thầy cõng, dìu người già, người yếu thế, giúp họ điền thông tin. Cứ rảnh rỗi thầy lại đi hỗ trợ lấy mẫu, phát bộ kit xét nghiệm ở các vùng đỏ, vùng phong tỏa; lấy mẫu ở các vùng xanh, cận xanh, cam từ sáng đến chiều, không kể thứ Bảy hay Chủ nhật”.

Thấy cô nhiệt tình và nghiêm túc với việc chống dịch, hơn 50% GV của Trường Mầm non Tường Vi cũng không ngại nhập liệu hỗ trợ khu phố đến 1, 2 giờ sáng. Những lúc ấy, cô Oanh lại nấu cơm và mang đến cho đồng nghiệp. Cô cũng đến thăm, gửi quà hỗ trợ những nhân viên y tế của trường hỗ trợ tại BV dã chiến Củ Chi.

Trường mầm non đóng cửa do dịch, nhiều GV và nhân viên tại Trường Tường Vi gặp khó khăn do không có thu nhập. Cô Oanh dùng tiền cá nhân hỗ trợ mỗi nhân viên 2-3 triệu đồng/tháng và GV 1 triệu đồng/tháng cùng nhiều gói rau củ quả, thịt trứng.

Đầu tháng 10-2021, cô Kim Oanh được luân chuyển, đảm nhiệm vai trò hiệu trưởng của Trường Tiểu học Họa Mi (quận Gò Vấp). Ngay sau khi tới trường, cô cũng tìm hiểu những GV, cán bộ đã tham gia chống dịch để có quyết định khen thưởng, động viên tinh thần vào cuối năm.

Cô giáo kiêm “bác sĩ” của hai khu phố

Cô Nguyễn Thị Kim Oanh trước đây là hiệu trưởng Trường Mầm non Tường Vi (phường 10, quận Gò Vấp). Khi TP.HCM siết chặt giãn cách, dù ngại ra đường nhưng cô Oanh cho rằng: “Là cán bộ, mình phải đi đầu hỗ trợ chống dịch cùng TP”. Nghĩ là làm, cô liền liên hệ với chủ tịch phường 10 và phường 11 nơi cô sống để đăng ký tham gia hỗ trợ ngay khi các phường cần TNV.

Trước đó, cô Oanh thường xuyên theo dõi thông tin về dịch bệnh trên các kênh thời sự, báo đài chính thống để có kiến thức chắc chắn. Khi hai phường cần TNV lấy mẫu xét nghiệm nhanh, nhập liệu, cô tham gia ngay và được Trạm Y tế phường 11 tập huấn. Cô còn vận động GV trong Trường Tường Vi cùng hỗ trợ. Nhiều người dân yêu quý gọi cô là bác sĩ, còn hẹn lần sau hãy lấy mẫu cho mình.

Cô được khu phố trưởng động viên làm tổ trưởng tổ dân phố thay cho cán bộ cao tuổi trước đó. Không chỉ là “bác sĩ” của khu phố, cô Oanh còn là tư vấn viên cho những gia đình có F0. Khi khu phố có người dương tính với COVID-19, cô trực tiếp tới thông báo, động viên F0 và gia đình bình tĩnh, đưa ra lời khuyên điều trị tại nhà, không quên nói nếu người dân cần gì thì liên hệ để được hỗ trợ ngay.

Khi có văn bản của quận, TP, những bài báo chính thống về phòng dịch, cô Oanh đánh dấu những điểm quan trọng rồi gửi vào nhóm Zalo để người dân kịp thời nắm bắt. Nhờ vậy, tại tổ dân phố cô phụ trách, không có ca F0 lây nhiễm trong cộng đồng trong suốt thời gian giãn cách.

Sau khi TP mở cửa trở lại, một vài người dân đi làm và bị lây nhiễm. Ai cũng gọi cô Oanh để báo tình hình và hỏi cô cách điều trị tại nhà. Chị Võ Nguyễn Đông Nghi (33 tuổi, trú quận Gò Vấp) là một trong số đó. Biết con của chị Nghi bị nhiễm COVID-19, cô Oanh gọi hỏi thăm sức khỏe của cháu mỗi ngày. Chị Nghi kể cô còn mua cho bé thuốc hạ sốt loại dành cho trẻ nhỏ và đưa đến tận nhà.

 “Cô Oanh là chỗ dựa tinh thần cho nhiều người dân”

Nói về cô Kim Oanh, anh Hồ Đại Hiếu (Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 11, quận Gò Vấp) nhận xét: “Cô Oanh nhiệt tình đúng với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch. Nếu không có lực lượng TNV như các GV thì công tác phòng chống dịch của địa phương, TP không thể đảm bảo và mở cửa sống trong trạng thái bình thường mới như hiện nay. Dù không tham gia trực tiếp điều trị như đội ngũ y tế nhưng cô Oanh là chỗ dựa động viên tinh thần cho người dân rất nhiều”.

Thầy vừa giỏi chuyên môn lại nhiệt tình tham gia chống dịch

Về công tác chuyên môn, thầy Long luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Dù lớn tuổi nhưng thầy luôn hăng hái tham gia và đạt giải nhất GV dạy giỏi cấp quận năm rồi.

Từ tháng 9, trường bắt đầu triển khai dạy trực tuyến, các GV khác rút công tác chống dịch nhưng thầy Long vẫn tham gia cả hai công việc. Tinh thần phòng chống dịch thầy Long rất tốt, là tấm gương để mọi người học hỏi.

Ông Nguyễn Văn Tân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hưng Hòa 1

Đôi bàn tay trắng bệch của nhân viên y tế trong tâm dịch

Hà cùng mọi người phải đeo găng tay cao su và mặc bộ đồ bảo hộ kín mít để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 khiến bàn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quyên - Khánh Chi ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN