Những người sống chung với xác chết ở Sài Gòn

Công việc hằng ngày của họ là thường xuyên tiếp xúc với xác chết, “nghề” mà nghe qua không ít người rùng mình sợ hãi. Họ là những nhân viên tại các nhà xác, nhà tang lễ bệnh viện.

Cảm giác ớn lạnh theo về tận nhà

Mường tượng về nơi đây, không ít người có cảm giác sợ hãi, rùng mình. Để hiểu hơn về công việc “sống chung với người chết” này, PV Infonet đã tìm gặp những nhân viên hành nghề bảo quản xác chết trong các nhà xác, nhà tang lễ tại TP.HCM.

Ở nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nằm trên đường Trần Phú, quận 5, chúng tôi được nghe những tâm sự về cái nghề “khác người” này của ông Tô Phương, người đã có thâm niên làm việc tại đây gần 30 năm.

Về cơ duyên đưa ông đến với cái nghề này, ông Tô Phương kể, thời đó gia đình ông rất khó khăn, anh em trong nhà sớm phải nghỉ học ra đường mưu sinh bằng đủ thứ nghề, ông cũng không ngoại lệ.

Được vài năm, chán với cảnh kiếm sống trên lề đường, được sự giới thiệu của một người bạn, cậu thanh niên 17 tuổi Tô Phương được nhận vào làm việc ở nhà xác Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cách nhà không xa.

Với giọng nói nhẹ nhàng đan xen với tiếng kinh phật được mở từ đám tang được tổ chức ở một nhà quàn gần đó, ông Tô Phương kể, những ngày đầu tiếp xúc với xác chết ông không khỏi bị ám ảnh. “Trước kia rất ít người làm ở đây nên ai cũng phải trực nhiều giờ, thay phiên nhau cả ngày lẫn đêm. Mới đầu, người chết nằm đó tôi còn không dám nhìn chứ đừng nói là chạm vào. Cảm giác ớn lạnh đó còn theo tôi về nhà, đến nỗi khi ăn cũng nghĩ tới”.

Những người sống chung với xác chết ở Sài Gòn - 1

Ông Tô Phương trong phòng tắm rửa cho tử thi

Nhưng rồi qua thời gian tiếp xúc ông dần quen. Cũng ở nhà tang lễ này, ông Tô Phương đã chứng kiến không biết bao nhân viên mới xin vào đã không chịu nổi sự sợ hãi mà phải bỏ việc giữa chừng, thậm chí có người mới 1 đêm đã về luôn.

 “Cách đây khoảng 5 năm, có một thanh niên xin vào đây làm. Chúng tôi bố trí cho anh này trực ca ban đêm. Đêm đầu tiên, do tận mắt chứng kiến 4 trường hợp thi thể người chết được chuyển vào đây, trong đó có nạn nhân một vụ tai nạn giao thông thi thể không còn nguyên vẹn, người thanh niên quá sợ hãi đã xin về. Anh này sau đó không dám quay lại làm việc nữa”, ông Tô Phương kể.

“Nghề này phải có tâm và không phải ai cũng làm được”

Nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có phòng lạnh lưu giữ xác. Trường hợp bệnh nhân của bệnh viện tử vong, ông Tô Phương và các nhân viên tại đây có nhiệm vụ đưa những thi thể này vào phòng lạnh lưu giữ xác để bảo quản, chờ gia đình làm thủ tục đưa về. Trong số thi thể này có cả những người vô danh, không có thân nhân đến nhận.

Một trong những công việc quan trọng mỗi ngày của ông Tô Phương và nhân viên tại đây là phải kiểm tra, điều chỉnh nhiệt độ trong phòng lạnh lưu giữ xác sao cho đủ lạnh để giữ cho các thi thể không bị phân hủy. Ngoài ra ông và các nhân viên tại đây sẽ phải tắm rửa, khâm liệm nếu gia đình người chết có nhu cầu. Công việc tuy không quá nặng nhọc vất vả tay chân nhưng không hề dễ dàng: môi trường độc hại, tử khí dễ gây nhiễm bệnh, quanh năm ông phải làm việc trong nhiệt độ rất lạnh (khoảng 17o để giữ cho thi thể không bị phân hủy), cảm giác day dứt khi có những thi thể vô thừa nhận, nỗi ám ảnh những thi thể biến dạng..

Ấy nhưng gần 30 năm nay ông Tô Phương vẫn gắn bó với cái nghề mà theo ông là “nghiệp nó chọn mình”. Không ít lần ông muốn bỏ công việc vì mặc cảm, vợ con cũng khuyên ông nên chuyển sang nghề nào khác, nhưng cứ mỗi lần thấy cảnh người ta than khóc, dặn dò ông chăm sóc cho thi thể người thân của họ đã khiến ông nghĩ lại.

Những người sống chung với xác chết ở Sài Gòn - 2

Ông Lâm Ích giới thiệu các phòng lưu giữ xác

“Người chết cũng là người mà. Nếu ai cũng thấy ghê rợn thì lấy đâu ra người làm công việc này. Tôi quan niệm công việc đang làm là nghĩa cử tốt đẹp cuối cùng mà người sống mang lại cho người chết. Làm nghề này phải có tâm và không phải ai cũng làm được. Sống có đức thì người mất linh thiêng sẽ phù hộ cho mình và gia đình thôi”, ông Tô Phương chia sẻ.

Đang trò chuyện với chúng tôi thì ông Tô Phương lại phải lật đật chạy đi mở cửa phòng lạnh khi được thông báo có thi thể đang chuyển vào. Công việc của ông và nhân viên tại đây cứ trôi qua buồn như không khí vốn có của một nhà tang lễ, nơi có nhiều nước mắt hơn niềm vui.

Những lần tiếp nhận xác đau lòng

Trong một dịp trò chuyện với ông Lâm Ích (60 tuổi, ngụ quận 5), người làm việc ở nhà tang lễ An Bình (quận 5) người viết càng được hiểu rõ hơn những vất vả mà những người làm công việc bảo quản xác chết phải trải qua.

Đây là nơi lưu giữ thi thể của đa số nạn nhân các vụ tai nạn giao thông, chết chưa rõ nguyên nhân từ các quận huyện trên địa bàn TP.HCM chuyển về.

Làm việc tại nhà tang lễ này từ những năm 90 của thế kỷ trước, ông Lâm Ích là người chứng kiến biết bao nhiêu giọt nước mắt của thân nhân người chết đã rơi. Ông cho biết, với đặc thù tiếp nhận thi thể của khắp các quận, huyện nên có những đám tang đặc biệt để lại trong ông nỗi tiếc thương vô hạn.

Ông Lâm Ích kể, chiều tối một ngày đầu tháng 1/2014 ông được thông báo sắp tiếp nhận nhiều thi thể trong vụ cháy nổ nghiêm trọng. Dù đã chuẩn bị trước nhưng khi 4 thi thể nạn nhân được đưa vào phòng lưu giữ xác ông không khỏi chạnh lòng. Thi thể của họ bị cháy đen không còn nguyên vẹn.

Đêm hôm đó cho đến sáng sớm hôm sau, nhà tang lễ An Bình đông hơn thường ngày, người thân, gia đình của các nạn nhân đến kín cả khuôn viên. Tiếng khóc than ai oán thấu tận ruột gan, đau thương bao trùm nhà tang lễ.

Nhưng bên cạnh đó có trường hợp, ông Lâm Ích cũng như nhân viên làm việc ở đây phải đối mặt với những trường hợp khó xử. Cách đây hơn 1 năm, giữa đêm khuya ông bị đánh thức bởi bởi tiếng đập cửa để tiếp nhận thi thể.

Nạn nhân là một thanh niên khoảng 30 tuổi tử vong vì bị đâm trong vụ ẩu đã ở quán nhậu trên địa bàn quận 5. Ông Lâm Ích chỉ biết nguyên nhân do mâu thuẫn trong việc ép uống bia rượu. Trường hợp này nhà tang lễ An Bình chỉ đảm nhận việc bảo quản và lưu giữ xác nạn nhân chờ cơ quan công an khám nghiệm tử thi, làm rõ.

Nhưng khi trời chưa sáng, nhiều người thân nạn nhân kéo đến chật kín nhà tang lễ, họ yêu cầu ông Lâm Ích phải bàn giao thi thể để đưa về quê mai táng. Một số người lớn tiếng chửi bới, thậm chí còn hâm dọa các nhân viên. Biết sự nóng giận của thân nhân là hợp lẽ nên ông Lâm Ích không nhờ công an địa phương can thiệp mà đứng ra giải thích cho họ hiểu. Nhiều năm làm việc tại đây ông gặp không ít trường hợp tương tự như thế và đều giải quyết êm đẹp.  

Đoạn kết buồn

Câu chuyện về hai mẹ con xảy ra đã lâu lại làm cho ông Lâm Ích nhớ nhất. Cách đây hơn 10 năm, nhà tang lễ An Bình tiếp nhận thi thể người phụ nữ lớn tuổi. Bà này được phát hiện nằm chết trên vỉa hè khi trời vừa tờ mờ sáng. Nhìn quần áo rách rưới, chân tay lấm đất ông Lâm Ích đoán là một người ăn xin xấu số. Thi thể của bà được chuyển vào lưu giữ trong phòng lạnh chờ công an xác minh lai lịch.

Điều khó khăn lúc đó là trên người bà này không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Sau thời gian công an không truy tìm được thân nhân, thi thể phụ nữ này được chuyển về Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân). Đây là nơi bảo quản cuối cùng sau đó hỏa táng của tất cả thi thể người chết ở TP.HCM.

Ông Lâm Ích kể tiếp, sau khi thi thể người phụ nữ được chuyển đi thì con gái của bà này đến tìm mẹ. Cô gái than khóc thảm thiết, hối hận vì đã đối xử không tốt với người mẹ đã mất. Qua câu chuyện của người con gái, ông biết được gia đình cô này rất giàu có ở Sài Gòn. Nhưng lại hắt hủi chính mẹ ruột của mình, đẩy bà ra đường đi xin ăn. Đến khi cô gái ân hận toan đi tìm mẹ thì mới nghe tin bà đã chết.

Ở nhà tang lễ An Bình này, không ít trường hợp người chết được đưa vào đây nhưng không có người thân, gia đình đến nhận. Khi sống họ có tên, có tuổi nhưng khi trút hơi thở cuối cùng họ bổng trở thành vô danh là vậy. Độ khoảng gần 2 tuần lễ sau, tùy từng trường hợp mà thi thể chưa có người đến nhận sẽ được chuyển về Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa.Nhiều thi thể chưa xác định được thân nhân ở các nhà xác bệnh viện cũng đều được đưa về đây.

Mỗi năm, Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa đã phải hỏa táng cho hàng trăm thi thể không có người thân đến nhận. Tro cốt của họ được đặt thứ tự, đánh số, những ai xác định được tên tuổi cũng được ghi thông tin cá nhân. Những hài cốt này được cho vào các thùng container lưu giữ lại. Có trường hợp, sau nhiều năm, có gia đình đến đến nhận đưa về hương khói, tuy nhiên còn rất nhiều tro cốt đã phải ở lại đây mãi mãi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nguyễn (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN