Những người lính đối mặt với hơn 90 tấn bom
Đó là các cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Xử lý bom mìn và môi trường Quân khu 5. Nghề của các anh là vô hiệu hóa “tử thần”, hồi sinh những vùng “đất chết”, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
10 năm qua, Trung tâm đã làm sạch đất cho hàng trăm công trình xây dựng, thủy điện, thu gom, tiêu hủy gần 90 tấn bom đạn các loại; xử lý hơn 3.000ha đất bị ô nhiễm. Công việc luôn đối mặt với hiểm nguy nên các chiến sĩ xác định tâm thế “vào ca là vào vị trí chiến đấu”. Thiếu úy Phan Văn Lãnh- Đội trưởng Đội dò tìm xử lý bom mìn số 3 cho biết: “Số lượng bom đạn, vật nổ còn tồn đọng rất nhiều, qua thời gian các ký hiệu trên thân đạn, vật nổ không còn. Mặt khác, những loại đạn chứa chất độc hoá học khi đưa lên khỏi mặt đất, chất độc dễ phát tán gây nguy hiểm... Trong quá trình thi công, chỉ huy đơn vị thường xuyên có mặt tại công trường, chỉ đạo và hỗ trợ những ca khó, nguy hiểm”.
Cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Xử lý bom mìn và môi trường Quân khu 5 xử lý bom mìn dưới nước tại cảng Kê Gà (tỉnh Bình Thuận). N.D
Hiện nay, lực lượng của trung tâm được đào tạo cơ bản, có chứng chỉ qua lớp huấn luyện do Binh chủng Công binh và Viện Hóa học và Môi trường quân sự - Binh chủng Hóa học cấp. Hàng năm, cán bộ, chiến sĩ được tập huấn bảo đảm khai thác, sử dụng thành thạo các loại máy móc trang bị hiện có. Anh Hồ Văn Phương, nhân viên kỹ thuật của trung tâm chia sẻ: “Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi gặp nhiều loại bom, mìn nguy cơ cao… tồn đọng từ thời chiến tranh. Khi xử lý rất nguy hiểm có thể gây nổ sát thương. Do đó, phải thật cẩn thận xử lý đúng kỹ thuật”.
Sự dũng cảm của người lính rà phá bom mìn đã đảm bảo an toàn cho các công trình thi công còn ô nhiễm bom mìn. “Đối mặt” với bom mìn từ miền Trung sang tới Campuchia, Lào, thiếu úy Phan Văn Lãnh cho biết các anh luôn gắng sức làm cho mỗi tấc đất sạch và bình yên.