Những người giữ “trái tim” tàu chấp pháp ở Hoàng Sa

Chuyện về những người lính ngành 5 - những người cầm lái của tàu chấp pháp đang thực thi nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Nhìn những cuộc “quần thảo” trên biển của những con tàu cảnh sát biển, ít ai biết, dưới buồng lái là những người lính kỹ thuật đang thực hiện những mệnh lệnh hết sức căng thẳng với sự quyết đoán đặc biệt để tàu vận hành an toàn, tiến sát vào giàn khoan Hải Dương 981 làm nhiệm vụ chấp pháp.

Lính tốc độ

Tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981, vào thời điểm tàu Trung Quốc ùa đến cản mũi, áp sát biên đội tàu chấp pháp của Việt Nam những ngày cuối tháng 5/2014, những khẩu lệnh trên tàu liên tục được phát ra, thông tin từ các tàu dồn dập điện về để thống nhất phương án.

Những người giữ “trái tim” tàu chấp pháp ở Hoàng Sa - 1

Thượng úy Nguyễn Văn Dũng đang cho tàu tăng tốc, vượt qua hàng rào tàu hải cảnh (Trung Quốc) để tiến vào khu vực giàn khoan Hải Dương 981.

“3 con chào hỏi phía trước đội hình… con cao tốc 44, chú ý, coi chừng con này đánh lén từ phía sau… ngành 5 chú ý, 2 máy tiến… 2 máy dừng…lùi 3 máy!”.

Đó là những khẩu lệnh gấp gáp. Và những người lính bình thường ít được báo chí nhắc đến, nhưng khi vào vùng nóng thì ngành 5 trở thành yếu tố sống còn.

Lính ngành 5 phụ trách kỹ thuật. Tàu nhỏ thì thuyền trưởng trực tiếp cầm lái, còn tàu hiện đại và có nhiều tính năng thì thuyền trưởng chỉ phát lệnh, 5-7 người lính ngành 5 cho tàu lượn vũ điệu flamenco trên sóng biển. Dưới bàn tay điêu luyện của người lính ngành 5, con tàu gầm lên và chạy lướt sóng.

Nhìn vào tác phong của những người lính ngành 5 thì mới hiểu, họ là con người của tốc độ, mọi cử chỉ, hành động, tác phong đều hết sức khẩn trương; công việc thì không kể giờ giấc. Ngay cả khi anh em ăn cơm hay đi ngủ thì lính ngành 5 vẫn chui khắp các khoang để sửa chữa và kiểm tra vận hành.

Khi tàu Trung Quốc áp sát, khẩu lệnh trên tàu Cảnh sát biển vang lên: “Đóng chặt và khóa kín các cửa, kiểm tra cửa phòng ngủ”. Đó là lúc lính ngành 5 rầm rập thực hiện thao tác.

Trong nhật ký hành trình của tàu Cảnh sát biển 4033 còn lưu lại, tại tọa độ 15030’,033’’ N – 1110,03’, 346’’ E; định vị vệ tinh hiển thị cách giàn khoan 7,84 hải lý. Trung Quốc đã bày binh bố trận rất dày. Radar trinh sát hiển thị khoảng 78 tàu Trung Quốc chia thành 7 cụm. Tàu Trung Quốc từ từ chụm lại chính giữa, 11 tàu lao xéo đến để khép chặt hướng hành trình của tàu Việt Nam.

Tại ca bin, bàn tay của thượng úy Nguyễn Văn Dũng, trưởng ngành 5 đẩy cần tăng ga. Con tàu 4033 gầm lên lao vút trên biển với tốc độ 22 hải lý/giờ.

Kỹ sư biển

Trên bàn điều khiển, cần tăng ga như 3 chiếc quai xách để nâng, hạ tốc độ cho 3 máy tàu. Tàu cảnh sát biển 4033 là loại tàu cao tốc có chiều dài gần 54m, chiều ngang nơi rộng nhất là 9,3m, chiều dài đường nước là 49,5m, công suất máy 16.320 mã lực, trang bị máy thủy Palmal của Anh. Khi 3 máy đồng loạt chạy thì sức vận hành của 18 quả pít tông này đẩy tải lên đến 426 tấn. Nếu kéo ga 1.500 thì con tàu này gần như lướt trên mặt nước với tốc độ 30 hải lý/giờ.

Làm “bác sĩ” tàu, lính ngành 5 được ví von là “trái tim của tàu”. Chăm sóc con tàu, anh em lo ngại nhất, đó là hơi nước mặn làm các hệ thống vi mạch bị chạm, mất điều khiển, trong khi tàu đang đi vào vùng nóng và trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cấp 1. Những lúc đó, các anh - bằng mọi giá - phải đảm bảo cho tàu chạy an toàn.

Thượng úy Nguyễn Văn Dũng - trưởng ngành 5 tàu Cảnh sát biển 4033 được anh em nhận xét là “ông kỹ sư biển”. Trong bờ, máy móc trục trặc thì có thể thay thế hoặc gọi thợ chuyên môn về động cơ đến khắc phục. Nhưng trên biển thì ông kỹ sư ngành 5 phải lo tất, đảm bảo tàu vận hành tốt.

Thời điểm chấp pháp trên biển, tàu 4033 hạ canô nhưng bơm thủy lực bị kẹt, khiến canô treo lủng lẳng giữa không gian. Anh em xúm vào “moi ruột” chiếc bơm để “trị bệnh” nhưng máy vẫn không nhúc nhích. Tàu hải cảnh Trung Quốc thì đang lảng vảng ở mạn trái tàu.

Trong tình huống gấp gáp, ông trưởng ngành 5 làm một việc mà ai cũng phải ngạc nhiên. Đó là lôi ra một chiếc khoan điện rất to và đục thủng tấm thép cuộn dây cáp. Một chùm ruột của bơm tiếp tục được lôi ra và thay thế. Vậy là máy nổ, bơm chạy. “Đó là cách sửa máy không có trong sách vở, nhà trường cũng không dạy cách này” - một sĩ quan trên tàu cho biết.

Thượng úy Dũng cho biết “học nghề trong trường và những năm tháng lăn lộn trong lực lượng Hải quân”, các loại máy to, máy nhỏ anh đều nhẵn mặt và bắt bệnh khi nghe tiếng máy lạ.

Những kỷ niệm khó quên của lính ngành 5 được thượng úy Dũng kể: “Hồi ở Hải quân, tàu vận hành báo động cấp 1 thì dây dẫn nhớt bị bục, trong khi tàu thì không được phép dừng. Vậy là tôi đội cái chăn ướt lên lưng, chui xuống gầm máy để sửa. Máy thì nóng và rung bần bật, chưa kể tiếng ồn đinh tai nhức óc. Mất 45 phút thì tôi khắc phục được sự cố. Nhưng khi chui ra khỏi hầm tàu, cả 2 tai điếc đặc, toàn thân như bị sốc nặng."

Kỷ niệm gần đây nhất của thượng úy Dũng là ngày 16.5, tại tọa độ 150 30’, 652’’ N – 111004’.184’’ E, cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 7 hải lý, tàu hải cảnh 31101 tiến đến gần xin vượt, sau đó đâm sang tàu Cảnh sát biển 4033. Tàu bị kẹt vào thế bí phải chạy thẳng để cắt đuôi, sau đó mới có thể chạy đường vòng. Nước trắng xóa sau đuôi tàu vẽ thành hình chữ S như dáng hình của Tổ quốc để tiếp tục vòng lại vùng biển thân yêu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Văn Chương (Dân Việt)
TQ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN