Những người có biệt tài “thét ra lửa”, biến thứ bỏ đi thành vật dụng “huyền thoại”
Từ những mảnh thủy tinh vỡ bỏ đi, những người thợ thổi thủy tinh miệt mài làm việc bên lò nung nóng tới cả ngàn độ C để cho ra những sản phẩm tinh xảo tới tay người dùng.
Làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm
Tháng 7, trời miền Bắc nắng nóng như muốn thiêu đốt vạn vật. Những ảo ảnh xuất hiện trên con đường nhựa phẳng lì. Chúng tôi tìm về làng Xối Trì (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, Nam Định) – ngôi làng này xưa kia rất nổi tiếng với nghề thổi thủy tinh.
12h trưa, thời điểm nắng nóng bắt đầu đạt đỉnh, đường làng Xối Trì vắng hoe. Chúng tôi hỏi thăm một người dân thì được biết, cả làng bây giờ chỉ còn 3 hộ gia đình vẫn còn giữ nghề thổi thủy tinh. Nhờ sự chỉ dẫn, chúng tôi tìm vào xưởng nhà ông Nguyễn Văn Dương, một trong những xưởng to nhất làng.
Xưởng thủ công nên xây khá đơn giản. Ngay từ cổng, những đống kính vỡ đã chất cao như núi trước mặt chúng tôi. Phía trong xưởng, khoảng 6-7 người đàn ông đang miệt mài làm việc, trên đầu ai cũng buộc một chiếc khăn. Tiếng quạt điện công suất lớn quay vù vù, nước từ trên mái tôn tuôn rơi xối xả do người ta tưới để làm giảm nhiệt…
Ông Dương – chủ một trong 3 xưởng thổi thủy tinh còn sót lại ở làng Xối Trì.
Nghỉ tay một lát, ông Dương chia sẻ, thợ vừa vào lò được khoảng 30 phút. Tôi thắc mắc, tại sao không chọn thời điểm mát mẻ để vào lò mà lại chọn lúc nắng nóng nhất? Ông Dương giải thích: “Cái nghề này là thế, đã đốt lửa vào lò thì phải làm liên tục cả ngày lẫn đêm, bất kể trời mưa hay nắng nóng bởi chỉ cần nghỉ tay là hỏng nồi”.
Theo ông Dương, thủy tinh được nấu trong khoảng 6 tiếng đồng hồ trong nhiệt độ 1.400 - 1.500 độ C. Nhịp độ làm việc của những người thợ nơi đây là từ 5-11h sáng nấu thủy tinh, 12-17h thổi thủy tinh, 17-23h lại nấu thủy tinh, 0-5h sáng tiếp tục thổi. Guồng quay công việc cứ liên tục diễn ra như vậy không ngừng nghỉ, chỉ đến khi nồi nấu thủy tinh hỏng thì thôi.
Nồi nấu thủy tinh được làm từ đất sét trắng mua từ Hải Dương về. Đất trộn với sạn chịu nhiệt theo tỉ lệ “sạn 2 đất 1”, nhào nặn kỹ lưỡng mới đem tạo hình. Nồi có kích thước cao hơn 1m, rộng 80cm, đáy dày 10cm, khi đắp xong phơi từ 20 ngày đến 1 tháng mới có thể sử dụng. Nhìn tưởng đơn giản nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật rất cao từ người thợ mà không phải ai cũng làm được. Mỗi nồi có tuổi thọ trung bình khoảng 30 ngày, thế nên công việc thổi diễn ra gần như cả tháng.
Hình dáng của chiếc nồi nấu thủy tinh làm từ đất sét và sạn chịu nhiệt.
Tôi hỏi, làm việc liên tục nhiều ngày với cường độ cao cả ngày lẫn đêm như vậy thì mọi người có mệt không? Anh Phạm Văn Đức – một người thợ chia sẻ: “Mọi người ở đây, ai cũng có thâm niên hàng chục năm làm nghề này rồi, nên mọi thứ đều rất bình thường”. Nói rồi, anh Đức lấy tay lau vội những giọt mồ hồi trên khuôn mặt.
Thợ thổi thủy tinh thông thường chỉ những người đàn ông theo vì công việc này nặng nhọc, vất vả.
Nghề chỉ dành cho đàn ông
Trong cái nắng nóng gay gắt của mùa hè tại miền Bắc, tôi đứng ngoài xưởng chăm chú theo dõi những người thợ làm việc một lúc mà mồ hôi chảy ròng ròng, còn những người thợ thì đã ướt sũng áo. Những chiếc quạt công nghiệp chẳng thể chống lại cái nóng khủng khiếp bên trong lò nung thủy tinh đang đỏ rực.
Cứ làm việc được khoảng 30 phút, những người thợ lại nghỉ tay khoảng 1-2 phút để uống nước. Sức nóng từ bên trong lò phả ra làm mồ hôi họ toát nhiều, mất nước nhanh. Ông Dương nói, sau mỗi ca làm việc, da trên người thường tái nhợt đi vì mồ hôi ra đến đâu lại bị nhiệt độ làm cho khô khiến muối đọng lại trên da.
Cường độ làm việc ban ngày 1 ca, đêm 1 ca bên chiếc lò nung nóng khoảng 1.500 độ C.
Cái nắng ngoài trời với nhiều người đã là rất kinh khủng, nhưng so sánh với cái nóng bên trong lò nung thủy tinh thì nó vẫn chưa thấm thía vào đâu. Nhất là lúc làm việc lại là lúc nắng nóng đỉnh điểm nhất khiến cho sức nóng bên trong xưởng thổi thủy tinh thêm phần ngột ngạt.
Anh Đức – người ít kinh nghiệm nhất trong 5 thợ thổi thủy tinh của xưởng nhà ông Dương cũng đã có hơn 15 năm trong nghề. Anh nói, cái nghề này dường như không dành cho phụ nữ bởi nó rất vất vả, cường độ làm việc cao, môi trường bụi bặm… thế nên, thợ trong xưởng toàn đàn ông với nhau. Những người phụ nữ sẽ đảm nhận công việc sàng sảy, làm sạch thủy tinh trước khi đưa vào lò và đóng gói thành phẩm.
Bên cạnh đó, kỹ thuật thổi thủy tinh không phải ai cũng làm thành thục được. “Nhìn thì đơn giản vậy thôi nhưng để thổi thành hình đòi hỏi kỹ thuật lấy hơi, kỹ thuật thổi rất cao từ người thợ. Có những người học đến cả 7-8 năm cũng không thành thợ được”, anh Đức chia sẻ.
Nơi sản sinh ra cốc vại uống bia hơi huyền thoại
Nghề thổi thủy tinh truyền thống ở làng Xối Trì đã có cách đây gần 100 năm. Người dân kể lại, khi đó, cuộc sống khó khăn, một người tên Phạm Văn Đạo theo thanh niên trong làng đi tha phương để kiếm sống. Người thanh niên ấy đến làm thuê cho một gia đình người Hoa. Nhờ tính chất phác, thật thà lại cần cù chịu khó nên chàng thanh niên được gia đình đó truyền dạy nghề thổi thủy tinh và cho phép về làng để làm ăn sinh sống.
Cốc vại uống bia hơi là sản phẩm phổ biến còn được sản xuất tại làng Xối Trì hiện nay.
Học được nghề, Phạm Văn Đạo trở về Xối Trì mở lò sản xuất và dạy nghề cho tất cả những ai muốn theo học. Vào thời điểm đó, có cái nghề là dựng được cơ nghiệp. Dân làng Xối Trì say sưa làm việc, mê mải với thủy tinh.
Nhưng mãi đến những năm 70 của thế kỉ trước, đây mới là lúc cực thịnh của nghề thổi thủy tinh làng nghề Xối Trì. Theo lời ông Dương chủ xưởng, thời ấy, làng có mấy chục xưởng, hoạt động liên tục suốt ngày đêm.
Mặt hàng lúc đó cũng rất đa dạng. Người dân sản xuất ra các đồ dùng thủy tinh thông dụng như chai, lọ, cốc, chén, bóng đèn… Thế nhưng, hiện 3 xưởng còn sót lại của làng Xối Trì chỉ còn sản xuất cốc vại để uống bia.
“Bây giờ thời buổi kinh tế thị trường, đồ dùng trước kia được thay thế bằng đồ nhựa nhiều. Hơn nữa, đồ thủy tinh Trung Quốc nhập về cũng rẻ hơn nên chúng tôi không sản xuất nhiều mặt hàng nữa.
Hiện chỉ còn cốc uống bia vẫn được người dân sử dụng nhiều nên chúng tôi còn sống được với nghề. May ra vào thời điểm cuối năm, cốc uống bia không chạy hàng thì chúng tôi thổi thêm ít bóng đèn dầu để duy trì lò”, ông Dương bộc bạch.
Chiếc cốc vại dùng để uống bia hơi nhìn tuy thô kệch, xù xì nhưng không hiểu sao nó lại có sức sống bền bỉ như vậy cùng thời gian. Chắc hẳn nhiều người vẫn nhớ về hình ảnh thời bao cấp, những dòng người xếp hàng dài chỉ chờ để được uống một cốc bia mậu dịch trong chiếc cốc vại xấu xí.
Ngày nay, các quán bia hơi ở Hà Nội hay các tỉnh thành khác vẫn quen sử dụng những chiếc cốc vại huyền thoại này. Dù người ta đã cố gắng làm ra nhiều loại cốc khác để uống bia nhưng vì một lý do nào đó, cốc vại vẫn được dân nhậu ưa chuộng. Nhấp ngụm bia mát lạnh, sủi bọt trong chiếc cốc vại thô kệch, cảm giác khoan khoái vô cùng.
Đây cũng chính là “nguồn sống” để những người thợ thổi thủy tinh ở Xối Trì còn giữ và gắn bó với nghề. Thế nhưng, lớp trẻ hiện nay rất ít người theo nghề thổi thủy tinh. Rồi sau này khi lớp thợ cuối cùng già đi, ai sẽ là người giữ lấy nghề thổi thủy tinh truyền thống?. Đó không chỉ là nỗi trăn trở của ông Dương mà còn của nhiều người thợ thổi thủy tinh ở Xối Trì.
Nguồn: [Link nguồn]
Xã Nam Điền (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) từ nhiều năm nay trở thành làng cây cảnh lớn nhất miền Bắc. Chơi cây cảnh...