Những người chống "fake news" giữa đại dịch COVID-19
Không trực diện phòng, chống COVID-19 song cuộc chiến trên không gian mạng chống "fake news" (chặn những thông tin sai, giả mạo) trên mạng xã hội cũng đầy cam go và thử thách.
Trong một không gian đa chiều, với những thông tin cập nhật từng giây, từng phút..., đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sỹ phải 24/24h bám, nắm, kiểm soát thông tin, kịp thời xử lý các trường hợp đưa tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh.
Chặn giặc ảo trên không gian mạng
Từ khi có dịch COVID-19, Thiếu tá Phạm Quang Đức, Đội trưởng Đội 7, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội cùng các đồng đội càng thêm vất vả. Dù vào thời điểm này những nỗ lực của Chính phủ trong việc phòng ngừa dịch bệnh được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, song với lăng kính trái chiều, các đối tượng xấu vẫn không từ thủ đoạn nào để chống phá...
Làm việc 24/24h, các trinh sát Đội 7 đã thay phiên nhau tổ chức truy xét, truy tìm các nguồn tán phát thông tin sai sự thật để kịp thời tổ chức đấu tranh, ngăn chặn, không để ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh và lợi dụng dịch bệnh để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước. Qua đó, không chỉ chủ động trong công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác thông tin giả, sai sự thật trên không gian mạng mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trước các thông tin sai sự thật, chưa kiểm chứng.
Đại úy Nguyễn Thị Minh Thu, cán bộ Đội 7 kể rằng tội phạm hoạt động trên không gian mạng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đồng nghĩa với công việc của chị và đồng đội càng thêm vất vả. Trên một không gian mạng với diễn biến nhanh và phức tạp, một thông tin sai lệch trong thời gian ngắn có thể được chia sẻ với tốc độ không ngừng và gây những hậu quả khôn lường. Vì vậy, áp lực của chị và đồng đội không nhỏ.
Đêm nằm ngủ điện thoại cũng ở bên cạnh, thông tin phải cập nhật thường xuyên, liên tục và báo cáo ngay về lãnh đạo xử lý..., đó cũng là công việc chung của các đội. Đối tượng đấu tranh trên không gian mạng ảo nhưng ngoài đời là người thực, việc thật. Quá trình tìm kiếm phải bắt đầu từ những chi tiết nhỏ nhất, có những trường hợp tìm ra được, có những trường hợp không... Và khi còn một vụ việc chưa tìm ra được thì họ đều cảm thấy rất trăn trở.
Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đấu tranh với đối tượng Q.
24/7 với cuộc chiến ngăn chặn thông tin độc hại
23h ngày 6/3, trên không gian mạng xuất hiện các thông tin từ một tài khoản với nội dung: Con mụ. Nguyễn Hồng Nhung 18.11.1993, thương trú Lê Ngọc Cát P 7 Q 3, tạm trú 125 Trúc Bạch. DƯƠNG TÍNH Covid-19. Hình như là con gái của Chủ tịch Thép Việt Ý.... Đi tung tăng khắp HN: (Em đi khai trương UNiqlo HN, đánh golf ở Skylake...). Thông tin chưa được kiểm chứng trong thời gian ngắn được chia sẻ gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của một doanh nghiệp.
Khi những thông tin trên được chia sẻ cũng là lúc Đội trưởng Đội 3, Phòng ANM & PCTP sử dụng CNC, Công an TP Hà Nội Nguyễn Việt Anh và đồng đội bắt đầu một cuộc tìm kiếm khó khăn. Đội trưởng Việt Anh nhớ lại: Ban đầu, thông tin về đối tượng Q rất mờ nhạt. Anh và đồng đội sau gần 10 ngày "lục tung" nhiều địa bàn, mới xác định được Q và triệu tập về trụ sở làm việc khi đối tượng xuất hiện tại Hà Nội.
Cũng như các trường hợp khác, vào thời điểm này, Q đã xóa các bài viết trên mạng... Song với các chứng cứ liên quan đến tài khoản facebook Quỳnh Lyra do các trinh sát Đội 3 tỉ mỉ thu thập được, Q đã phải thừa nhận hành vi vi phạm; việc sử dụng điện thoại cá nhân đăng tải bài viết sai sự thật về lộ trình hoạt động của bệnh nhân số 17 nhiễm COVID-19 (trong đó có việc đi chơi golf tại sân Golf Skylake).
Bài viết lấy trên mạng và không có kiểm chứng, có sửa một số nội dung, cá nhân hóa và đăng trên tường facebook và tường cá nhân. Sau khi xác định đối tượng, Đội 3 đã bàn giao cho Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xử lý theo quy định của pháp luật.
Đó chỉ là một trong những vụ án Đội 3, Phòng ANM &PCTP sử dụng CNC phát hiện trong thời gian qua. Mảng việc Đội 3 được phân công phụ trách là tội phạm sử dụng công nghệ thông tin truyền thống.
Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội như facebook, số người sử dụng lớn; các thông tin trên facebook theo cơ chế đặc thù, không chịu sự quản lý của Nhà nước Việt Nam; một số thông tin mang tính chủ quan, có thông tin xấu, độc, sai lệch, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng trực tiếp đến cách nhìn của người dân đến nhiều mặt của xã hội và cơ chế chính sách, các sự kiện; thông tin không chính thống, không được kiểm duyệt, vi phạm pháp luật của Nhà nước nên công việc của cán bộ Đội 3 càng thêm vất vả.
Đội trưởng Nguyễn Việt Anh cho biết với một cán bộ làm công tác an ninh mạng thì năng lực lọc thông tin hội nhóm rất quan trọng. Để phát hiện các thông tin vi phạm, ảnh hưởng đến chính trị và dư luận, ngoài sự tỉ mỉ còn là khả năng phán đoán của trinh sát. Song với tinh thần tấn công tội phạm đến cùng, CBCS Đội 3 thường xuyên nắm tình hình đồng thời, huy động các chuyên gia về lĩnh vực an ninh mạng để thu thập thông tin, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP và Giám đốc Công an TP Hà Nội, Đội 3 đã ngăn chặn và phát hiện gần 40 vụ thông tin sai lệch, liên quan đến COVID- 19...
Chia sẻ những khó khăn, Đội trưởng Nguyễn Việt Anh cho biết: Trước khi rà soát trên thực tế, khâu quan trọng nhất vẫn là tìm kiếm trên không gian mạng, tìm mối liên hệ với các tài khoản. Quá trình xác minh từ tài khoản facebook ảo đến việc tìm ra một con người thật không đơn giản. Nếu tội phạm truyền thống có người chứng kiến, người biết việc và các mối quan hệ xã hội chằng chịt thì trên không gian mạng là một thế giới ảo. Người sử dụng có thể dùng tên giả, địa chỉ giả để lập tài khoản facebook phục vụ cho ý đồ cá nhân của mình.
Trong những luồng thông tin đa chiều đó, người cán bộ phải phân tích để để tìm mối liên hệ cụ thể... Với môi trường mạng xã hội facebook, việc chia sẻ nhanh và dễ, số lượng bài càng lớn thì việc ngăn chặn càng khó khăn điều đó cũng đồng nghĩa với cường độ làm việc của anh em phải tăng rất nhiều lần. Trong hàng nghìn bài viết, phải lựa chọn các bài viết điển hình để xử lý mang tính răn đe.
Cán bộ Phòng an ninh mạng và Pctp sử dụng công nghệ cao làm việc với trường hợp vi phạm.
Tâm sự của người trong cuộc
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Hội, Phó trưởng Phòng ANM & PTTP sử dụng CNC Công an TP Hà Nội cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Hà Nội, đơn vị đã xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai đến toàn bộ CBCS. Theo đó, từng CBCS trên lĩnh vực công tác của mình sẽ tổ chức các biện pháp nghiệp vụ để đi sâu, sau đó là đề xuất các đầu mối vụ việc, tiến hành xác minh khi có dấu hiệu vi phạm xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình công tác nói chung và trong dịp phòng, chống tội phạm liên quan đến dịch COVID-19 nói riêng, CBCS đã làm việc không có ngày nghỉ, bởi các loại tội phạm trên mạng thường là diễn biến không có thời gian. Càng về đêm, đối tượng càng hoạt động mạnh... 24/24h, lúc trực đơn vị hay khi ở nhà, điện thoại và máy tính liên tục online để xác minh, xử lý các thông tin; tìm kiếm các dấu vết liên quan đến vi phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng và các lĩnh vực khác liên quan đến công nghệ cao.
Diễn biến của dịch COVID-19 phức tạp, nhiều đối tượng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi trong đó, có việc sản xuất nước rửa tay, khẩu trang giả. Rồi đầu cơ, găm hàng, đẩy giá và tung tin thất thiệt. Có những đối tượng tung tin thất thiệt với mục đích câu view, câu like để có người theo dõi cao, phục vụ mục đích kinh doanh.
Bên cạnh đó, cũng có những đối tượng phản động cơ hội chính trị, lợi dụng đưa các thông tin thất thiệt để nói xấu Đảng, Nhà nước và Chính phủ... Cường độ làm việc của cán bộ đơn vào dịp này vì thế tăng hơn so với ngày thường. Từ những vụ việc được đơn vị phát hiện hoặc phối hợp với các địa phương xử lý đã có tác dụng tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa tội phạm...
Chúng tôi rời Phòng ANM &PCTP sử dụng CNC khi thành phố đã lên đèn. Trong những chiến công thầm lặng góp sức vào việc phòng, chống dịch COVID-19, hạn chế các thông tin xấu, độc trên mạng ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, có công sức của những người đang ngày đêm chống tin giả.
Tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện cách ly y tế đối với 358 chuyên gia Trung Quốc của Goertek và công ty đối tác tại Việt Nam...
Nguồn: [Link nguồn]