Những người canh cho dân ăn tết

“Mẹ ơi sao bố không về đón giao thừa với nhà mình, Tết nào bố cũng vắng nhà?”, những câu hỏi của con trẻ với nhiều người vợ của cảnh sát giao thông (CSGT) có lẽ đã trở nên quá quen thuộc.

"Zô với em một chén"

Khi dòng người bắt đầu vãn dần, những tưởng các anh có thể về với gia đình sau một ngày mệt nhọc nhưng với lực lượng CSGT, đó lại là lúc bắt đầu công việc bảo đảm an toàn trong ngày Tết. Mọi người bắt đầu đi lễ chùa cầu an, các anh vẫn phải trực tại các điểm nóng, một số anh em vẫn cắm ở các chốt phân làn giao thông. Những người khác chia nhau tuần tra, phối hợp với lực lượng 141... chống tình trạng đua xe trái phép. Với họ, tất cả đều xác định trước 6h sáng sẽ không về nhà, mọi việc lo toan cho ngày Tết đều nhờ tay người thân lo lắng.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, cùng với niềm hân hoan của người dân về một năm mới sắp sang, mang theo nhiều điều mong ước về sự tốt lành, may mắn, sung túc, trong khi với lực lượng CSGT, họ chỉ có mong ước hết sức giản dị là không ai phải chịu hậu quả của tai nạn giao thông; nhà nhà, người người khi đi may mắn, khi về bình an. Tuy nhiên, để những mong ước giản dị thành hiện thực trước mỗi dịp Tết, lực lượng CSGT luôn phải có phương án sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu nhất.

Giao thừa năm nào cũng vậy, phòng CSGT (PC67, công an TP.Hà Nội) đều phải trực 100% quân số, chia ra đóng chốt tại các khu vực nhạy cảm, những điểm bắn pháo hoa... Họ phải "trực chiến" từ sáng sớm tới tận đêm như công việc bao ngày vẫn diễn ra. Các anh cũng không nhớ đã bao Tết không được đón giao thừa cùng vợ con và người thân trong gia đình. Với họ, số lần đón Tết ở chốt giao thông, ở các điểm nhạy cảm về đua xe bắt đầu từ lúc bước chân vào công việc này chính là số lần không được ở bên người thân lúc xuân sang. Trong khi dòng người hối hả, tất tả ngược xuôi trở về với mái ấm của riêng mình thì các chiến sỹ CSGT có thể đang gặp những người vi phạm giao thông say ngất ngưởng hoặc phóng bạt mạng giữa đường, đua xe trái phép...

Những người canh cho dân ăn tết - 1

Lực lượng CSGT tiến hành đo nồng độ cồn trong hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông

Theo các chiến sỹ CSGT làm nhiệm vụ ngày Tết, những lỗi thường gặp trong những ngày này là người điều khiển giao thông thường có hơi men trong người. Họ ở trong trạng thái nửa tỉnh nửa say, vẫn leo lên xe đi nhưng đi như thế nào thì lại khó có thể làm chủ được. Chính vì thế, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ gặp không ít cảnh dở khóc, dở cười khi xử lý người vi phạm giao thông. Một cán bộ CSGT (CA TP.Hà Nội) chia sẻ, dù ngày Tết không tránh được việc rượu bia nhưng nhiều người "say quắc cần câu" vẫn dám đi xe ra đường. Có trường hợp, CSGT thấy người lái xe đi lảo đảo, đánh võng, liêu xiêu, bắt buộc phải cho dừng lại để nhắc nhở người điều khiển phương tiện. Không ít người vi phạm còn tưởng cảnh sát là bạn nhậu, hào hứng mời cả cảnh sát "zô" cùng mình dù lúc đó chẳng có cốc bia nào ở đó!. Lúc đó, các chiến sỹ chỉ còn biết đưa họ vào công an phường hoặc hỏi số điện thoại gọi người nhà đến đưa người vi phạm về.

Đặc biệt, đêm giao thừa, trong không khí phấn chấn của năm mới, nhiều người quên họ đang đặt tính mạng của mình và người khác vào nguy hiểm vì mất kiểm soát do chất kích thích dẫn đến phóng nhanh, vượt ẩu. Khác với vẻ "yêng hùng" lúc lái xe bạt mạng, có thanh niên khi được CSGT hỏi: "Có còn muốn về ăn Tết với bố mẹ không, hay muốn vào bệnh viện Việt - Đức" lại khóc tu tu bảo: "Em muốn về nhà với mẹ".

Trung tá Lương Đình Hợi, tổ trưởng tổ Tuyên truyền (đội Tuyên truyền, Khám nghiệm, Điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ-đường sắt, PC67 CA TP.Hà Nội) cho biết: "Không chỉ đảm bảo trực chiến tại các điểm giao thông có nguy cơ ùn tắc, bố trí các phương án đảm bảo chống đua xe tại các điểm có nguy cơ cao, trước mỗi dịp lễ Tết, chúng tôi thường xuyên tăng cường tuyên truyền đến các hãng xe, các đơn vị... về việc đảm bảo an toàn giao thông vào dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, các hình ảnh về nguy cơ "nhãn tiền" do hậu quả của việc sử dụng rượu bia gây ra được tập trung phổ biến. Những tấm ảnh các nạn nhân điều trị tại bệnh viện Việt - Đức có lẽ khiến bất cứ tài xế nào cũng phải suy nghĩ kỹ hơn, khi lái xe mà vẫn còn uống bia rượu".

Niềm vui giản dị ngày xuân

Thiếu úy Lê Anh Tới (PC67 CA TP.Hà Nội) chia sẻ, có lẽ ngày Tết ở các thành phố lớn là những ngày yên ả nhất, không ùn tắc, không chen lấn, không còi xe ở Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi lo tai nạn giao thông hàng ngày do tâm lý chủ quan nên nhiều người không đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy tham gia giao thông. Chỉ tính riêng 3 ngày Tết (từ mùng 3 - mùng 6 tháng Giêng) năm 2012, lực lượng CSGT Hà Nội đã xử lý 226 trường hợp vi phạm lỗi này. Dù làm việc khi tất cả mọi người nghỉ ngơi ăn chơi nhưng với các anh, sự cảm thông, một cái bắt tay chúc mừng đêm đông lạnh lẽo của người dân cũng đủ khiến họ vui mừng.

Anh Lưu Mạnh Hùng (Hàng Bài, Hà Nội) chia sẻ: "Chiều mùng 4 Tết năm trước (26/1/2012), tại chốt đèn đỏ ngã tư Hàng Bài - Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội), một cô gái đang đi trên đường bất ngờ bị một thanh niên đi bộ lao tới giật chiếc iPhone4 đang cầm trên tay. Lúc đó, nạn nhân chỉ kịp kêu ú ớ "Cướp... cướp...". Ngay lập tức, hai chiến sỹ CSGT làm nhiệm vụ gần đó đã lên xe truy đuổi. Chạy được một đoạn ngắn, khi còn chưa kịp nhảy lên xe đồng bọn chờ sẵn, tên cướp đã bị hai chiến sỹ trực tại chốt này khống chế và dẫn về công an phường Tràng Tiền. Thực sự, khi chứng kiến cảnh này, chúng tôi thấy hình ảnh các chiến sỹ CSGT gần gũi hơn bao giờ hết. Không chỉ giữ giao thông ổn định, họ còn thực sự mang đến sự bình yên, an toàn cho người dân bất chấp nguy hiểm".

"Bạn nghĩ sao khi giữa trời đêm đông giao thừa được một người lạ đến bắt tay và chúc mừng năm mới? Năm nào cũng vậy, lời chúc mà anh em trực tại các điểm chốt giao thông nhận được không phải từ người thân hay lãnh đạo mà từ một người dân đi đón giao thừa. Những cái xiết tay thật chặt, những lời chúc sức khỏe và may mắn trong khoảnh khắc thiêng liêng đó thực sự làm chúng tôi ấm lòng khi làm nhiệm vụ. Không có người vi phạm giao thông, không ai bị phạt, không có đua xe, không có tai nạn là điều mà tất cả chúng tôi ước nguyện trong thời khắc thiêng liêng đó", một chiến sỹ CSGT đội 1(PC67, CA TP. Hà Nội) tâm sự.

Trung tá Lương Đình Hợi chia sẻ thêm: "Hơn ai hết, những người khám nghiệm hiện trường như chúng tôi là người đầu tiên phải chứng kiến nỗi đau do tai nạn giao thông. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 11.000 người tử vong do tai nạn giao thông, tức là mỗi ngày có 30 gia đình mất người thân, 200 gia đình chịu những tổn thất về vật chất và tinh thần do tai nạn giao thông. An toàn giao thông là điều sống còn với mỗi gia đình. Chúng tôi đã từng chứng kiến cảnh người thân của họ chịu cảnh tang thương ra sao khi có người nhà bị tai nạn. Nỗi đau đó dai dẳng và ám ảnh họ suốt đời. Vì thế, chúng tôi luôn mong mỏi người dân sẽ luôn chủ động bảo vệ an toàn cho chính bản thân họ và những người tham gia giao thông bằng việc tuân thủ luật an toàn giao thông".

Các bậc phụ huynh cần làm gương tốt cho con

Trung tá Lương Đình Hợi cho biết: "Thời gian qua, phòng CSGT tăng cường thực hiện tuyên truyền đến nhiều các trường học trên địa bàn. Đặc biệt, trong các buổi tuyên truyền ở các trường tiểu học, chúng tôi được nhiều cháu cho biết, khi ra đường bố mẹ không đội mũ bảo hiểm cho các bé và không mua mũ bảo hiểm cho con mình. Chính vì thế, các bậc cha mẹ nên làm gương tốt cho con cái, để các bé phòng ngừa hậu quả tai nạn nếu có xảy ra".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Thơm (Đời sống & Pháp luật)
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN