Những ngôi biệt thự Pháp cổ xưa ở Huế trước nguy cơ... bị xóa sổ

Sự kiện: Thừa Thiên - Huế

Hiếm có vùng đất nào ở khu vực miền Trung tồn tại hàng trăm ngôi biệt thự mang kiến trúc Pháp như ở Cố đô Huế. Những công trình này không những mang đậm dấu tích, giá trị văn hóa - lịch sử, mà còn minh chứng cho chặng đường dài hình thành và phát triển kiến trúc đô thị Huế.

Tuy nhiên, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho dỡ bỏ, bàn giao cho doanh nghiệp một số ngôi biệt thự để thực hiện các dự án khách sạn, du lịch gây nên nhiều luồng dư luận trái chiều.

Qua tìm hiểu được biết, mới đây UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có Công văn số 7921/UBND-XTĐT thống nhất chủ trương cho phép Công ty CP Hạ tầng và Dịch vụ truyền thông Logi 3 (Công ty Logi 3) nghiên cứu đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp THAT tại khu đất số 26, 28 đường Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, TP Huế. 

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì làm đầu mối phối hợp với UBND TP Huế, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở TN&MT cung cấp các thông tin liên quan về chỉ tiêu quy hoạch của khu đất gồm chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường, quy hoạch hai bên bờ sông Hương và các quy hoạch liên quan nhằm báo cáo UBND tỉnh.

Những ngôi biệt thự Pháp cổ xưa ở Huế trước nguy cơ... bị xóa sổ - 1

Ngôi biệt thự Pháp tại số 26 Lê Lợi, TP Huế đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khi được giao cho doanh nghiệp đầu tư dự án.

Điều đáng nói, hai khu đất số 26, 28 đường Lê Lợi, TP Huế hiện là trụ sở của Liên hiệp các Hội VHNT và Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong đó, tại khu đất số 26 đang tọa lạc một ngôi biệt thự cổ xưa mang kiến trúc Pháp cổ kính được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, được dùng làm trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiều năm qua. Trải qua năm tháng, ngôi biệt thự này dần xuống cấp và đã được tu sửa lại nhưng hiện vẫn mang vẻ đẹp cổ kính của một ngôi biệt thự kiểu Pháp. 

Theo nhà thơ Võ Quê, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT được quy hoạch và giao cho Công ty Logi 3 thực hiện dự án xây dựng khách sạn khiến các văn nghệ sĩ lo ngại. Theo ông Quê, việc tỉnh có chủ trương đầu tư để phát triển du lịch, dịch vụ là việc làm cần thiết nhưng không vì thế mà phá vỡ đi nét văn hóa, kiến trúc riêng có của Huế. 

“Ngoài dùng làm văn phòng hành chính, ngôi biệt thự kiểu Pháp này còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Huế suốt nhiều năm qua, đó là chưa kể đến công trình này còn giàu giá trị về kiến trúc nghệ thuật Pháp. Vì thế, nếu quy hoạch, xây dựng để phục vụ du lịch thì tỉnh cần nên giữ lại ngôi biệt thự này để làm bảo tàng, trung tâm triển lãm hoặc nơi giao lưu văn hóa nghệ thuật...”, ông Quê bày tỏ ý kiến.

Nhiều nhà nghiên cứu và giới văn nghệ sĩ Huế cùng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng tỉnh Thừa Thiên- Huế cần xem xét lại việc giao cho Công ty Logi 3 đầu tư xây dựng khu khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp tại khu đất có ngôi biệt thự kiểu Pháp đang tồn tại. 

Nhiều người dân xứ Huế cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi trong tiến trình đô thị hóa, để phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, không ít ngôi biệt thự Pháp ở Huế đã bị đập bỏ. Ví như vào tháng 4-2017, ngôi biệt thự 2 tầng mang đậm kiến trúc Pháp hơn 100 năm tuổi trong khu đất số 5 Lý Thường Kiệt, TP Huế đã bị tháo dỡ để phục vụ thực hiện dự án đầu tư mở rộng khách sạn Heritage.

Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, theo chủ trương của tỉnh thì trục đường Lê Lợi, TP Huế, phía giáp bờ sông Hương sẽ quy hoạch thành không gian văn hóa, nghệ thuật và bảo tàng. Theo phương án Quy hoạch chi tiết 2 bờ sông Hương do Tổ chức KOICA (Hàn Quốc) thực hiện, đoạn đường Lê Lợi từ trục đường Hoàng Hoa Thám đến hết khu đất của Sở GD&ĐT tỉnh, trong đó có trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT sẽ định hướng đầu tư 2 module công trình dịch vụ du lịch cao cấp. 

“Nếu các văn nghệ sĩ nhận thấy cần phải giữ lại ngôi biệt thự Pháp tại số 26 Lê Lợi thì cần đề xuất kiến nghị với lãnh đạo UBND tỉnh thông qua ý kiến đóng góp dự thảo Quy hoạch chi tiết 2 bờ sông Hương hoặc kiến nghị bằng văn bản thông qua Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh để lãnh đạo tỉnh xem xét giải quyết”, ông Định cho hay.

Qua tìm hiểu được biết, từ năm 1978 trở đi, người Pháp đã xây dựng rất nhiều công trình kiến trúc trên đất Huế. Trong đó có nhiều công trình nổi tiếng, mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử và tiến trình phát triển của Huế như khách sạn Morin, nhà dây thép (bưu điện), nhà băng, kho bạc, tòa công chánh (nay là Bảo tàng văn hóa Huế), Ga Huế, trường Quốc học, trường Đồng Khánh... Theo số liệu thống kê từ cơ quan chức năng, từ năm 2000, TP Huế còn khoảng 240 công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp nhưng đến nay, con số này đang giảm dần theo từng năm tháng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa cho biết, những công trình kiến trúc kiểu Pháp được xây dựng trên đất Huế đã trở thành một bộ phận không thể tách rời đối với di sản kiến trúc của Huế nên cần phải có kế hoạch bảo tồn những công trình này. Tuy nhiên, trải qua thời gian, có nhiều công trình kiến trúc kiểu Pháp bị đập bỏ xây mới hoàn toàn hoặc bị tháo dỡ một phần rất đáng tiếc, làm mất đi giá trị lịch sử văn hóa vốn có của những công trình cổ xưa.

Biệt thự rêu phong của cụ bà từng hiến hơn 5.000 lượng vàng cho Chính phủ

Căn nhà rộng 300m2 nằm trong khuôn viên đất rộng 3.000m2 ở phố Hoàng Diệu (Hà Nội) hiện là nơi con cháu của cụ bà Hoàng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Khoa (Công an nhân dân)
Thừa Thiên - Huế Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN