Những ngày tháng không thể quên ở Bạch Mai
Ngoại trừ việc không được về nhà, dường như không ai lo lắng về điều kiện ăn ở, làm việc trong bệnh viện Bạch Mai liên tục 1 tháng trời.
Cô bé vừa chào đời trong viện được đặt tên là Hạ Vy với mong muốn cả nước sớm chiến thắng Covid-19
Đã là ngày thứ 12 Bệnh viện Bạch Mai phải cách ly toàn diện vì có các lây nhiễm Covid-19.
Niềm vui mang tên bé Hạ Vy
Hôm nay là một ngày đặc biệt, sáng sớm, vừa bước chân rời khỏi phòng làm việc thì gặp ngay chiếc xe cáng.
Dưới mưa nặng hạt, 2 nhân viên y tế lầm lũi đẩy bệnh nhân tử vong xuống nhà đại thể! Không có đông người nhà rối bời đi cùng như thường lệ mà chỉ là bóng một người thân lặng lẽ bước theo. Sân viện vắng hơn ngày thường. Tất cả đã thay đổi từ ngày có ca nhiễm Covid-19 được phát hiện ở Bạch Mai.
Nhưng dù cuộc sống xoay vần thế nào, các đồng nghiệp của tôi vẫn miệt mài chiến đấu nơi tâm dịch để điều trị, chăm sóc toàn diện cho hơn 800 bệnh nhân nặng không thể ra viện hoặc chuyển tuyến. Vì là bệnh viện tuyến đầu, Bạch Mai vẫn tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các nơi chuyển đến.
Điều khác biệt lớn nhất là hơn 600 người nhà bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung và các nhân viên y tế nhận luôn phần việc của họ.
Ngoài phát thuốc, thay băng, làm thủ thuật... các điều dưỡng viên lại trở thành người nâng giấc, chăm sóc bữa ăn và các nhu cầu cá nhân của người bệnh.
Buổi chiều, không có gì hạnh phúc hơn khi ghi lại khoảnh khắc nhân viên y tế của Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai vượt cạn thành công sau 21 ngày cách ly.
Cô bé chào đời trong mùa Covy nên mẹ đã đặt tên cho bé là Hạ Vy với mong muốn tất cả sớm hạ gục con virus đáng ghét này.
Hơn 22h mới kết thúc công việc truyền thông liên quan tới bệnh viện. Lúc này mới ngấm đói! Chút nhớ nhà, chút buồn vì lệnh phong toả đến 24/4. Vậy là còn hơn nửa tháng nữa, mới được gặp gia đình!
Chào ngày mới “kiểu Cô vy”
6h sáng, TS. Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo cùng các đồng nghiệp ra tận cổng đón bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Đây là việc chưa từng có.
Từ 28/3, sau khi có nhiều trường hợp mắc Covid-19, Bạch Mai đã buộc phải ngừng đón tiếp bệnh nhân đồng thời thực hiện cách ly toàn bệnh viện.
Nhưng hơn 400 người chạy thận nhân tạo thì không thể một ngày không chữa trị, vì vậy, Khoa Thận được lệnh đặc biệt đón và đưa bệnh nhân theo quy trình chưa từng có trước đó. Một buổi sáng của bác sỹ Dũng và mọi người trong khoa bắt đầu như thế.
Ngoài cổng viện, các đơn vị dịch vụ hối hả thoi đưa chuyển đồ! Đội chia đồ ăn sáng. Đội chia đồ tiếp tế, thuốc men cần bổ sung. Vài ngày nay, tôi đã nghe cả trăm cuộc gọi, đọc hàng nghìn tin nhắn, rất nhiều tấm lòng ngoài kia muốn hỗ trợ, gửi đồ tiếp tế cho Bạch Mai lúc này. Xin cảm ơn mọi người!
Vì còn rất sớm nên dọc các khu điều trị, khám bệnh, vẫn có người đeo khẩu trang chạy bộ, chơi cầu lông. Dù đeo khẩu trang, một vài y tá, bác sỹ vẫn nhận ra nhau và hỏi thăm tình hình con cái ở nhà thế nào, nhờ ai chăm sóc.
Ngoại trừ việc không được về nhà với gia đình, dường như không ai lo lắng về điều kiện ăn ở, làm việc trong viện liên tục 1 tháng trời.
Chiếc bánh sinh nhật đặc biệt
Chiếc bánh sinh nhật tự làm mang theo sự ấm áp của tình đồng nghiệp
Hôm nay là sinh nhật Hạ, cô đồng nghiệp cùng Phòng Công tác xã hội với tôi. Hạ đón tuổi mới trong viện, con gái nhỏ ở nhà. Để giúp em vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ con, tôi tự tay làm một chiếc bánh gato từ dưa hấu, trang trí bằng những quả nho và cánh hoa hồng từ bó hoa được tặng mấy hôm trước.
Mấy chị em xúm lại chúc mừng sinh nhật Hạ, cảm thấy ấm áp giữa đồng đội.
Sáng nay, trong buổi giao ban, lãnh đạo bệnh viện thông báo đã có kết quả xét nghiệm lần hai với Sars-CoV-2: Tất cả đều âm tính. Niềm vui vỡ òa.
Tiếp xúc và làm việc nơi có hàng nghìn người qua lại như Bạch Mai mà tất cả chúng tôi đều an toàn, thật may mắn.
Dù có dùng đồ bảo hộ cả ngày thì xác suất nhiễm bệnh vẫn có và ai cũng chuẩn bị tinh thần cho tình huống này. Không ai xin nghỉ làm, không ai bỏ cuộc hoặc trốn tránh cách ly.
Thậm chí nhiều người đang phải cách ly ở nhà, xung phong vào thay ca cho đồng nghiệp đang bám trụ trong viện.
Thực tế, chúng tôi đã phải cách ly ngay tại gia đình từ tháng trước. Dù ở nhà thì cũng ăn riêng, ngủ riêng để tránh khả năng lây bệnh cho người thân. Tình hình này, có thể lệnh cách ly còn kéo dài nhưng người Bạch Mai đã sẵn sàng cho mọi tình huống.
Tôi đã chứng kiến, với bác sỹ và nhân viên y tế, quan trọng nhất, là sự sống của bệnh nhân. Ở Bạch Mai cũng luôn như thế, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Đỗ Thu Hằng - Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai
Nguồn: [Link nguồn]
Ngoài cán bộ ngoại giao ở Pháp, hiện có một số công dân Việt Nam ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp mắc bệnh Covid-19.