“Bố mẹ buồn nhưng Tổ quốc, biên giới cần con hơn”
Các học viên trẻ luôn sẵn sàng với nhiệm vụ khóa chặt biên giới, ngăn chặn xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ đất nước.
Với nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch COVID-19, bảo vệ chủ quyền, hàng trăm lượt học viên Học viện Biên phòng đã “xếp bút nghiên” lên đường làm nhiệm vụ. Biên giới với những hình hài cột mốc, cương vực của quốc gia lần đầu hiện lên một cách trực quan, sinh động trong mắt các học viên trẻ.
Trung tá Lê Minh Tiến, Đồn trưởng Đồn biên phòng Ba Sơn, hướng dẫn học viên Phạm Quang Huy. Ảnh: VIẾT THỊNH
Mỗi cán bộ, giảng viên, học viên phải xác định tốt trách nhiệm quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và phòng, chống dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình hiện nay… Thiếu tướng LÊ ĐỨC THÁI, Tư lệnh BĐBP |
Ở lại với mùa đông biên giới
Ngày 11-1, 400 sinh viên Học viện Biên phòng đã rời Hà Nội để tăng cường lên năm tỉnh biên giới phía Bắc và Tây Nam (Lạng Sơn, Cao Bằng, Tây Ninh, Long An, An Giang).
Thiếu tướng Trịnh Hoàng Hiệp, Giám đốc Học viện Biên phòng, cho biết: Năm 2020, trước nguy cơ hiện hữu của đại dịch COVID-19, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã lệnh cho học viện tổ chức ba đợt với hơn 750 cán bộ, giảng viên, học viên tăng cường cho các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai. Những học viên trẻ tuổi đều là những chàng trai tuổi 19-20, đang là học viên năm hai của học viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đầu năm nay, với những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiệm vụ khóa chặt biên giới, ngăn chặn xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ đất nước lại được giao cho 460 cán bộ, giảng viên, học viên.
Với Phạm Quang Huy, người con của Tháp Chàm, Ninh Thuận, đây là lần thứ hai em được đón cái lạnh của miền Bắc nhưng lại là lần đầu tiên trải qua cái giá rét của miền biên thùy.
“Quê em chỉ có mùa mưa và mùa khô. Giá lạnh ở miền Bắc em đã trải qua một mùa nhưng mùa đông biên giới thì đây là lần đầu tiên. Một mùa đông đầy khắc nghiệt và thiếu thốn” - Huy nói.
Huy bấm ngón tay nói với chúng tôi: “Lán bọn em là lán ba không: Không điện, không nước, không sóng điện thoại”. Những khi nghỉ ngơi, Huy chỉ biết nhìn xung quanh chòi lán, nghe tiếng gió lùa, lúc lạnh quá thì đốt lửa sưởi.
“Mọi thứ ở đây khó khăn hơn những gì bọn em tưởng tượng, dù các anh khóa trước trở về đã truyền đạt lại điều kiện và kinh nghiệm nhưng tất cả đều bất ngờ. Tuy nhiên, nhìn các bác, các chú ở đây thì chúng em càng có thêm động lực dù nhiều người đã mấy tháng rồi không được về nhà với vợ con” - Huy tâm sự.
Tính ra Huy vẫn còn may mắn hơn nhiều học viên khác. Ở điểm chốt 1099, nơi có học viên Lê Hoàng Anh (Triệu Sơn, Thanh Hóa) được tăng cường lên, các cán bộ, chiến sĩ phải vác đất, đưa thùng xốp lên để trồng rau. “Rau ở đây cũng chỉ là rau gia vị, anh em trồng thỉnh thoảng nhón một ít bỏ vào bát mì cho nó sinh động thôi” - anh Nông Văn Tôn, Phó trạm trưởng, chia sẻ.
Lán trại này các anh nuôi được gần 10 con gà, anh Tôn bảo cứ nhìn tuổi gà là biết thời gian anh em cắm chốt ở đây. Những con gà con được nuôi từ khi lán được lập ra, gà con thành gà mẹ rồi lại đẻ gà con, đàn gà cứ sống và lớn lên như cây rừng vậy.
Nói là nuôi gà để thỉnh thoảng cải thiện đời sống hay gặp dịp gì đó liên hoan nhưng chín con gà vẫn chưa con nào bị tách đàn. “Có thịt gà ăn thì tốt rồi nhưng có tiếng gà, tiếng chó cũng vui, thấy không khí ở nhà hơn” - anh Tôn bảo.
Dịp tết này, lán 1099 cũng là nơi được lựa chọn để tổ chức đón tết Nguyên đán tại đây. Một bàn thờ đã được dựng lên chông chênh trên đất đá, ở đó ngoài ảnh Bác Hồ còn có cờ Tổ quốc.
Ngoài nuôi gà, lán 1099 cũng nuôi cả chó. Những con chó không chỉ là những người bạn mà còn là những “chiến sĩ” cảnh giới hết sức có hiệu quả. Chó giúp cảnh giới, giúp phát hiện người xâm nhập biên giới bất hợp pháp, anh Tôn bảo thế.
Điểm chốt bên cột mốc biên giới 1099.
“Tổ quốc cần, con cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”
Nhiệm vụ tăng cường lên biên giới đối với nhiều học viên trẻ là một nhiệm vụ bất ngờ. Nhiều em tâm sự trước đó cha mẹ gọi điện thoại thông báo năm nay đã nuôi được một con heo béo, mấy con gà thả vườn, chỉ đợi con về để cải thiện.
Sau khi nhận được thông báo của nhà trường, học viên Nguyễn Nhật Huy, quê Bố Trạch, Quảng Bình tâm sự với tôi rằng em đã mất ba ngày để lấy dũng khí thông báo cho cha mẹ rằng: Xuân này con không về.
“Phản ứng của cha mẹ như thế nào khi em thông báo như thế?” - tôi hỏi. Huy đáp chỉ thấy mẹ lặng đi một lúc, sau đó thì mẹ bảo: “Con không về ăn tết với bố mẹ thì bố mẹ nào cũng buồn nhưng Tổ quốc cần, biên giới cần hơn thì con phải cố gắng mà hoàn thành nhiệm vụ”.
Với Phạm Quang Huy thì việc đón tết xa nhà đã được xác định từ trước. “Vì không lên đây làm nhiệm vụ thì em cũng làm nhiệm vụ tại học viện mà không được đón tết với gia đình” - Huy nói.
Dù vậy, mỗi khi đêm về, nghe tiếng gió rít bên ngoài cũng khơi gợi nỗi nhớ nhà cho chàng lính trẻ. Huy và những học viên được tăng cường lên biên giới vẫn chưa biết được ngày về, tất cả cũng đều phải căn cứ vào tình hình thực tế của dịch. Dù buồn nhưng Huy cũng chia sẻ cậu rất tự hào vì đã đóng góp sức mình vào nhiệm vụ chung. Lên đây, đơn vị của Huy đã thu dung được 12 vụ, trên 130 người tại chốt Tân Cương xâm nhập biên giới bất hợp pháp.
Học viên Lê Hoàng Anh thì không giấu được cảm xúc của mình khi được nhắc đến vì phải đón tết ở miền biên viễn này. Nhà có ba anh em, một người anh của Hoàng Anh đã mất, một người anh khác cũng đang công tác trong một đơn vị quân đội, tết này cũng phải trực chiến.
“Mẹ ngóng em về tết nhất nhưng em không về được chắc mẹ buồn lắm. Nhưng khi em thông báo, mẹ cũng rất tự hào vì em đã được nhận nhiệm vụ quan trọng, góp phần để nhân dân vui tết, đón xuân an toàn” - Hoàng Anh chia sẻ.
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngày 7-1-2021, Bộ Tư lệnh BĐBP ra Quyết định số 59/QĐ-BTL phê duyệt Kế hoạch tăng cường cán bộ, học viên K32, K33 ĐH Biên phòng và K24, K25 cử tuyển ĐH Biên phòng của Học viện Biên phòng đi thực tập và tham gia phòng chống dịch tại BĐBP năm tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Tây Ninh, Long An, An Giang.
Nguồn: [Link nguồn]