Những ngày cuối năm nơi tuyến đầu của những "thiên thần áo trắng"
Với họ, mùa xuân tươi đẹp nhất là khi dịch bệnh được đẩy lùi, mọi người đón xuân trong an lành hạnh phúc…
Đã là những ngày cuối năm, sắp đến thời khắc giao mùa; nhưng đối với các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, họ đã quên mất sự cảm nhận về thời gian tự bao giờ.
Ngày bệnh viện chuyển công năng, trở thành Khoa điều trị Covid-19 tuyến cuối (bệnh nặng, nguy kịch); họ tạm biệt gia đình, chuẩn bị vài bộ quần áo, ít đồ dùng cá nhân, nhanh chóng nhận nhiệm vụ mới với trách nhiệm cứu người, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Đội ngũ y, bác sĩ quần quật với công việc cứu người, chống chọi với dịch bệnh.
Từng ngày trôi qua, những căn phòng vốn được xem là “dịch vụ tốt nhất”, đã trở nên quá chật hẹp với số lượng người bệnh F0 tăng đến chóng mặt, khi dịch liên tục chạm đỉnh. Toàn Cần Thơ có ngày ghi nhận hơn 1.200 F0, đến máy móc cũng bị vắt kiệt sức. Đội ngũ y, bác sĩ quần quật suốt ngày đêm trong 4 bức tường cùng bộ bảo hộ. Với họ, thời gian đã không còn giá trị.
Quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Dù khó khăn, gian khổ, lực lượng y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ luôn vững niềm tin sẽ đẩy lùi dịch bệnh.
Bác sĩ CK I - Thái Thanh Sắt, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết: “Từ ngày “xách ba lô và đi”, tất cả mọi người chỉ còn biết đến 4 từ: “Cứu người” và “Chống dịch”.
Dịp Tết Dương lịch vừa qua, nhiều anh chị em ở đây đã đón giao thừa bằng… một giấc ngủ dài vì mệt lả. Có người nhớ gia đình, nhớ con. Nhìn qua cửa sổ trên lầu, không khí Tết ngoài đường đang rộn rã. Anh chị em cố gắng động viên nhau, duy trì công việc liên tục 24/24”.
Bác sĩ Trầm Thanh Thủy, cũng thuộc Khoa cấp cứu, chia sẻ: Trong cả năm dài chống chọi với dịch bệnh, nhiều lúc ai cũng quên mất thời gian, không còn nhớ hôm nay là thứ mấy. Mỗi ngày, anh chị em thay nhau khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, xoay quần với công việc chẩn đoán, điều trị, rồi động viên tinh thần các F0.
“Hằng ngày, chúng tôi tiếp xúc với sự đau đớn của bệnh nhân, lằn ranh giữa sự sống và cái chết… và trái tim những người thầy thuốc như chúng tôi đã rỉ máu. Những nỗi đau này chỉ chấm dứt khi dịch bệnh được đẩy lùi. Nghĩ vậy, rồi anh chị em cố gắng động viên nhau. Xuân năm nay xa gia đình, thì năm sau sẽ đoàn tụ”, bác sĩ Thủy nói.
Các cháu nhỏ vẫy tay chào cảm ơn đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, sau khi được điều trị khỏi bệnh.
Còn điều dưỡng Đỗ Thị Phương Trâm, Khoa Nội Tiêu hoá - Huyết học, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ (phụ trách về tiêu hóa của bệnh nhân nhiễm Covid-19) tâm sự: “Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ là kéo dài 1-2 tuần liền. Nhà có con còn nhỏ nên hay nhớ mẹ. Mỗi lần được về nhà lại không dám đến gần con vì sợ lây nhiễm.
Nhiều lúc cách nhau chỉ một bức tường nhưng cảm giác như dài đằng đẳng. Bình thường năm trước không trực sẽ cùng gia đình đón năm mới, Xuân năm nay chắc chắn sẽ buồn hơn một chút. Dù ai cũng chạnh lòng, nhưng nhất quyết không lùi lại phía sau, cố gắng không để dịch bệnh tiến thêm bước nào nữa”.
BS.CK II Trần Hồ Quốc, Phó khoa phụ trách Khoa Ngoại Thần kinh cho biết, do đặc thù khoa này không tham gia điều trị Covid-19, nhưng anh và các y bác sĩ khoa đã san sẻ gánh nặng với bệnh viện bằng việc trực phòng khám. Như BS Quốc hàng tuần trực vào thứ Ba và thứ Năm...
Ông N.V.L. (là một F0 từng điều trị tại bệnh viện) kể: “Đã không ít lần, những nhân viên, y, bác sĩ đã ngất xỉu vì kiệt sức khi cứu người. Nếu gọi Covid-19 là một cuộc chiến, thì họ sẽ là những chiến binh quả cảm. Khi chúng tôi sum họp bên gia đình thì họ lại xa chồng, vợ, con để đối mặt với hiểm nguy luôn rình rập - dù đó không phải là sa trường hay súng đạn.
Sự hy sinh của họ không chỉ là một cái tết hay ngày nghỉ lễ, mà xa hơn là những cống hiến thầm lặng cho sự bình yên và mạng sống của mỗi người, mỗi nhà”.
Hình ảnh xúc động giữa các y bác sĩ và F0 đang điều trị tại bệnh viện.
Trao đổi với PV, BS.CKII Trần Dạ Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết: Ban Giám đốc Bệnh viện phân công ca kíp trực Tết đảm bảo hoạt động chuyên môn tốt, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh, an toàn. Đồng thời luôn quan tâm, chia sẻ khó khăn, chăm sóc đời sống đội ngũ nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Phát huy tinh thần tập thể, tương thân tương ái, giúp đỡ, động viên nhân viên yên tâm công tác, chủ động học tập, sáng tạo trong công tác phân ca trực đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ điều trị nhất là trong những ca trực vào dịp lễ, tết.
"Nhân dịp đầu năm mới, Ban Giám đốc gửi lời kính chúc các người bệnh đang điều trị nhanh bình phục sức khoẻ, sớm sum họp với gia đình; chúc tập thể y bác sĩ, nhân viên phục vụ chăm sóc y tế toàn bệnh viện có ca trực đêm Giao thừa và toàn gia quyến “Năm mới luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, mọi sự như ý”.
Đồng thời, mong muốn tập thể lãnh đạo bệnh viện luôn nỗ lực phấn đấu hoàn tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát huy tinh thần “lương y như từ mẫu” trong công tác khám, chữa bệnh, phục vụ nhân dân.
Bước sang thềm năm mới 2022, Bệnh viện quyết tâm thực hiện 2 nhiệm vụ song song: Tổ chức khám, chữa bệnh theo mô hình tự chủ tài chính và triển khai tiếp nhận điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch tại Trung tâm Hồi sức tích cực", chị nói.
Từ ngày 1/8/2021, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ chuyển đổi một phần công năng sang điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở tầng 2 và tầng 3, quy mô 600 giường. Nơi này cũng là điểm đặt Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 điều trị tầng 3, quy mô 100 giường, thuộc mạng lưới hồi sức tích cực quốc gia; thu dung, điều trị hơn 300 bệnh nhân nặng. Đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị tổng cộng 3.008 F0; trong đó, có 2.043 người đã khỏi bệnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Những câu thơ, câu nói vui nhộn, hóm hỉnh trên hộp cơm gửi đến bệnh nhân và lực lượng tuyến đầu chống dịch ở TP.Hồ...