Những ngày cuối đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Bệnh viện 108
Dù sức khỏe yếu dần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn duy trì lịch làm việc, sáng nghe trợ lý báo cáo, chiều họp với lãnh đạo Nhà nước.
PGS Nguyễn Phương Đông, bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Tổng Bí thư nhiều năm qua tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết 9h-9h30 hàng ngày, Tổng Bí thư nghe các trợ lý, thư ký báo cáo công việc. Sau 10h30 và buổi chiều, ông tiếp các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hoặc ngồi đọc và nghiên cứu tài liệu.
"Ngày 13/7, Tổng Bí thư vẫn làm việc nhưng chiều chúng tôi phải đặt ống thở máy", bác sĩ Đông kể.
Chăm sóc Tổng Bí thư hơn 4 năm qua, thiếu tá, điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng "rất khâm phục sức làm việc phi thường của Tổng Bí thư". Ngoài lúc uống trà và tập thể dục buổi sáng, phần lớn thời gian trong ngày ông sẽ đọc tài liệu và làm việc. Nhiều lúc bác sĩ, điều dưỡng phải đề nghị ông dừng công việc để nghỉ ngơi.
Theo thiếu tướng, GS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương cùng Bệnh viện 108 đã hội chẩn cùng chuyên gia y tế trong và ngoài nước, đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho Tổng Bí thư. "Khi xin thông qua phương án điều trị và sử dụng các kỹ thuật chăm sóc, ông đều nói 'tuân chỉ'. Bệnh nhân đặc biệt này luôn kiên trì điều trị và tuyệt đối tuân thủ chỉ định, cố gắng ăn và tập từng bước để sức khỏe bình phục trở lại", GS Song chia sẻ.
Những ngày cuối đời tại Bệnh viện 108, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn vừa điều trị bệnh, vừa nghiên cứu lý luận. Ảnh chụp ngày 10/5/2024. Ảnh: Tư liệu
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Y tế, cho biết khi còn công tác ở ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương và hội đồng chuyên môn, bà được giao nhiệm vụ chủ trì các cuộc hội chẩn giữa chuyên gia đầu ngành của hầu hết chuyên khoa. Từ đó, Ban sẽ đưa ra phác đồ về vật lý trị liệu, đông y, tây y, chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt nghiêm ngặt nhằm phục hồi khả năng vận động và làm việc bình thường cho Tổng Bí thư.
"Ông là bệnh nhân dễ chịu, hiền hòa, lạc quan, cố gắng hết sức để tuân thủ phác đồ điều trị khắt khe", bà Tiến kể, cho biết Tổng Bí thư thường nói đùa là các y bác sĩ quá hà khắc với mình. Ông gọi tên bác sĩ Lợi, chuyên gia vật lý trị liệu là Hà Khắc Lợi, còn bà là Hà Khắc Tiến.
Hội đồng chuyên môn giám sát chặt chẽ bữa cơm của Tổng Bí thư, đảm bảo đúng chế độ dinh dưỡng mà bác sĩ quy định. Cục quản trị Văn phòng Trung ương thương ông, muốn điều chỉnh chế độ ăn, nhưng bà Tiến không đồng ý. "Chúng tôi thấy Tổng Bí thư khá căng với phác đồ điều trị nên sau họp hội chẩn lại ghé thăm và hát cho ông nghe. Ông rất thích và cùng hát luôn", nguyên Bộ trưởng Y tế nhớ lại.
Khi muốn nghỉ ngơi, Tổng Bí thư ngồi trên bộ bàn ghế gỗ được xếp ở hành lang, ngắm sông Hồng, trò chuyện với y bác sĩ. Đôi lúc ông đọc thơ về phong cảnh, cuộc sống, kể về thời đạp xe trên triền đê quê mình. Khi đi bộ dọc hành lang bệnh viện, ông rất thích hát bài Bài ca Bắc Sơn. Các y bác sĩ trong ca trực sẽ tập và hát cùng ông vài câu, như Bắc Sơn nơi đó sa trường xưa, Bắc Sơn đây núi rừng chiến khu... Không khí "rộn cả góc hành lang".
13h38 ngày 19/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau thời gian lâm bệnh, dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể giáo sư, bác sĩ, tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc. Ông thọ 80 tuổi.
Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội. Lễ viếng được tổ chức từ 7h đến 22h ngày 25/7 và 7h đến 13h ngày 26/7; lễ truy điệu 13h ngày 26/7. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch.
Lễ viếng, lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại hội trường Thống Nhất (TP HCM) và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Trong hai ngày Quốc tang, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Nguồn: [Link nguồn]
Với những cống hiến trọn đời mình cho dân, cho nước, cho Đảng, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời đã để lại cho người dân Việt Nam niềm tiếc thương vô hạn.