Những máy bay không người lái “khủng” nhất TG

X-47B, Triton MQ-4C hay Picador là những máy bay không người lái đang trở thành đích ngắm mua sắm của nhiều lực lượng hải quân tiên tiến trên thế giới.

Với việc Hải quân Mỹ đôn đáo trang bị cho các tàu tác chiến duyên hải (LCS) và hàng không mẫu hạm của mình các máy bay không người lái (UAV) thì mức độ phổ biến của loại phương tiện chiến đấu này ngày một gia tăng. Nhu cầu thực hiện nhiều khả năng tình báo, do thám, trinh sát (ISR) một cách tiết kiệm và hiệu quả, khiến các lực lượng hải quân thế giới đang tiếp cận nhiều hơn tới các lựa chọn không người lái.

UAV không chỉ hoạt động với chi phí rẻ hơn so với các máy bay có người lái khổ lớn, lắm yêu cầu mà chúng còn có thể được phóng lên nhanh hơn từ những bệ phóng nhỏ hơn. Trong khi ScanEagle có bệ phóng riêng thì các UAV cất cánh thẳng đứng như Picador và Eagle Eye lại sở hữu lợi thế độc tôn so với nhiều phương tiện khác cùng thực hiện các nhiệm vụ ISR. Với các máy bay X-47B và MQ-4C đang chuẩn bị được đưa vào sử dụng, khả năng của UAV hải quân hứa hẹn sẽ bước sang một giai đoạn đột phá mới.

X-47B

Những máy bay không người lái “khủng” nhất TG - 1

X-47B được thiết kế để phục vụ các tàu sân bay trên biển

Hiện đang được phát triển cho Hải quân Mỹ, X-47B đã thực hiện các chuyến bay thử thành công đầu tiên tại Patuxent River, Maryland, Mỹ vào tháng 7/2012. X-47B dự kiến sẽ được biên chế cho Hải quân Mỹ vào năm 2019.

Hình dạng của X-47B được thiết kế nhằm đáp ứng các yêu cầu tàng hình và quan sát tầm thấp. Khoang vũ khí của loại UAV này có thể mang được tải trọng trên 2 tấn. Hướng bay của X-47B được điều khiển bằng thiết bị đặt trên hệ thống định vị toàn cầu (GPS) tổng hợp, các đường bay được lập trình trước và hoạt động điều khiển bởi một kỹ sư vận hành.

Chạy bằng động cơ F100-PW-220U của Pratt & Whitney, X-47B có khả năng bay ở vận tốc dưới âm, xấp xỉ 0,45M (khoảng 550 km/h) và độ cao tối đa 12.190 m với tầm hoạt động khoảng 3.900 km.

ScanEagle

Những máy bay không người lái “khủng” nhất TG - 2

UAV ScanEagle trên bệ phóng chuẩn bị cất cánh tự động

Với tầm hoạt động hơn 1.500 km và thời gian bay liên tục hơn 28 tiếng, ScanEagle có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ như tình báo, do thám và trinh sát (ISR); các chiến dịch hộ tống, bảo vệ vận tải trên biển, trên bộ; cũng như chuyển tiếp thông tin thoại, video và dữ liệu không dây tốc độ cao.

Sau khi đưa vào hoạt động năm 2005, ScanEagle hiện đang được Thủy quân lục chiến, Hải quân, Không quân, Bộ Quốc phòng Mỹ, Quân đội Úc và Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh sử dụng.

ScanEagle không được trang bị bộ càng cất, hạ cánh mà phóng lên từ một bệ phóng hoạt động bằng khí nén, đẩy máy bay vút lên với vận tốc 25m/s. Sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình, ScanEagle được thu hồi bằng công nghệ Skyhook, gồm một sợi dây hãm treo lơ lửng trên một cần cẩu cao 15,2m.  Khi ScanEagle bay tới gần cần cẩu, một chiếc móc lắp ở đầu cánh máy bay sẽ móc vào sợi dây hãm làm cho chiếc máy bay này dừng lại.

Triton MQ-4C

Những máy bay không người lái “khủng” nhất TG - 3

MQ-4C Triton dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng năm 2015

Được thiết kế bởi Northtrop Grumman để hỗ trợ cho lực lượng do thám và tuần tra trên biển của Hải quân Mỹ, Triton MQ-4C sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2012, với mục tiêu đạt được khả năng hoạt động ban đầu vào tháng 12/2015.

MQ-4C được thiết kế dựa trên biến thể của chiếc Global Hawk RQ-4B dùng cho hải quân, gồm một tải trọng bên trong 1.452 kg và một tải trọng bên ngoài 1.089 kg.

Do có tầm bay cao và thời gian hoạt động kéo dài, UAV này có thể chuyển tiếp thông tin tình báo, do thám và trinh sát hàng hải trực tiếp đến các chỉ huy hải quân làm nhiệm vụ ở nhiều địa bàn xa.

Tải trọng của MQ-4C gồm các cảm biến có trường quan sát 360 độ, một cảm biến chủ động đa chức năng, cảm biến hồng ngoại/quang-điện tử, bộ thu hệ thống nhận dạng tự động và các thiết bị hỗ trợ điện tử.

Với động cơ turbine cánh quạt Rolls-Royce AE3007H, MQ-4C có thể hoạt động ở độ cao tối đa là 18.000 m và tầm hoạt động không tiếp nhiên liệu tối đa là 9.950 hải lý, trong 30 giờ. Trọng lượng cất cánh tối đa của nó là 14.628 kg, trong khi tốc độ tối đa của máy bay là 357 dặm/h.

Picador

Những máy bay không người lái “khủng” nhất TG - 4

UAV Picador đậu trên boong một tàu hải quân

UAV Picador cất, hạ cánh thẳng đứng được Tập đoàn các hệ thống phòng thủ hàng không (ADS) thiết kế và sản xuất cho Bộ Quốc phòng Israel.  Được chế tạo dựa trên mẫu trực thăng hai chỗ ngồi Dynali H2S. Picador có khả năng thực hiện các sứ mệnh tình báo, do thám, thu thập thông tin mục tiêu và trinh sát.

Sau chuyến bay đầu tiên của Picador, chủ tịch ADS là ông Avi Leumi cho biết, loại UAV này hướng tới các lực lượng hải quân muốn thay thế các trực thăng có người lái cho hoạt động thu thập tình báo, mặc dù cũng có thể được sử dụng cho các hoạt động dân sự.

Picador có thể được điều khiển bằng tay qua trạm kiểm soát mặt đất hoặc hoạt động độc lập bằng hệ thống lập trình nhiệm vụ tự động, có thể hỗ trợ hạ cánh an toàn trong trường hợp mất liên lạc. Chiếc UAV này được trang bị các cảm biến hồng ngoại và quang-điện tử có khả năng chụp ảnh chiến trường để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Eagle Eye

Những máy bay không người lái “khủng” nhất TG - 5

Eagle Eye là máy bay tầm ngắn có thể được triển khai trên tàu

Eagle Eye là máy bay không người lái động cơ trực thăng xoay được (tiltrotor) do công ty Bell Helicopter phát triển để thực hiện các sứ mệnh tình báo, do thám và trinh sát ở cả môi trường trên không và trên biển. Eagle Eye có thể hỗ trợ tuần tra biên giới, phát hiện vũ khí hạt nhân, sinh-hóa học (NBC), cảnh báo tình huống thời gian thực cho các lực lượng chiến thuật và xác nhận mục tiêu. Loại máy bay này cũng có thể được dùng như một hệ thống định hướng cho hỏa lực hải quân hoặc pháo binh và rải phao âm sử dụng trong các chiến dịch tác chiến chống tàu ngầm.

Eagle Eye có tốc độ tối đa 360 km/h, thời gian hoạt động 6 tiếng liên tục và bay được ở tầm cao 6.096 m.

Mặc dù Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã ngưng tài trợ cho phát triển và mua loại phương tiện này nhưng Hải quân và Thủ quân lục chiến Mỹ, cũng như nhiều hải quân các nước châu Âu khác đã bày tỏ sự quan tâm tới việc sở hữu Eagle Eye.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Phạm (Theo Naval Technology) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN