Những mảnh đời lênh đênh mùa lũ sớm
56 tuổi đời, cũng chừng ấy thời gian ông Hùng (Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội) gắn bó với dòng nước sông Hồng. Đoạn sông từ xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc qua Đại Mạch quê ông cho đến bãi giữa sông Hồng đoạn cầu Long Biên, thuộc phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội, là nơi ngày nào ông cũng qua lại.
Nổi cùng nước sông Hồng
Những ngày đầu tháng 7 Âm lịch, mưa giông ngày nào cũng kéo đến khúc sông này, thế nhưng như một lịch trình đã được lập sẵn, ông Hùng lại chèo con thuyền nhỏ của mình kiểm tra lại chài lưới. “Nắng hay mưa thì có khác nhau đâu, mình vẫn phải ngâm mình dưới nước. Chỉ có điều, nước sông Hồng độ này chảy xiết. Mới hôm trước, anh Hòa (người bà con của ông Hùng) do chủ quan khi chèo thuyền bị nước cuốn mất thuyền. May mà giữ được tính mạng. Người sống nhưng cần câu cơm mất. Một con thuyền tuy nhỏ cũng mấy triệu đồng chứ đâu rẻ”.
Ông Hùng chăng lại lưới dưới trời mưa như trút tại đoạn sông chảy qua xã Đại Mạch, Đông Anh.
Trong mưa giông sầm sập, cuộc mưu sinh vẫn nhộn nhịp. Những chiếc thuyền nhỏ chở đầy hoặc cỏ, hoặc rau vẫn nhọc nhằn đè những đợt sóng đang cuồn cuộn dâng cao. Chị Nguyễn Thị Lan vội vã đội mưa phụ chồng giăng mẻ lưới sáng đoạn bến đò ngang nối Đại Mạch, Đông Anh với Liên Trung, Đan Phượng. Chị bảo: “Dù có mưa hay nắng thì công việc của chúng tôi vẫn diễn ra bình thường. Mùa nước lên, đi lại khó khăn hơn nhưng cũng là dịp đánh bắt được nhiều hơn”. Sắm được chiếc thuyền máy từ đầu năm nay, năng suất hơn hẳn dùng thuyền mái chèo nên bất chấp thời tiết, vợ chồng chị vẫn phải tranh thủ.
Cũng như bao làng chài khác ở dọc con sông này và dọc bao con sông khác trên đất nước, người làm nghề chài lưới có ai giàu có, sung túc được đâu. Bao đời nay, cái đói nghèo cứ đeo đẳng những người vạn chài dọc tuyến sông. Khát khao lớn nhất của ông Hùng không phải thuyền đầy tôm cá mà là niềm mong mỏi cho con cháu không phải bươn bả trôi nổi theo dòng nước. Gia tài của mỗi hộ dân xóm chài không khác nhau là mấy. Đó là chiếc thuyền cố định làm nơi ở, cũng là nơi vây lưới nuôi cá và thêm chiếc thuyền nhỏ để "ra khơi" đánh bắt.
Hên xui nhờ trời
Ngồi trong "dinh cơ” của ông Hùng, nhìn ra phía ngoài sông nước chảy xiết, tôi hỏi: "Nước lũ bất ngờ ập đến mà chỉ mỗi cái dây nhỏ kia làm sao chịu nổi?". Ông Hùng trả lời với giọng nửa thật nửa đùa: "Lo chứ. Nói đâu xa, cơn lũ hồi năm ngoái đánh cho xóm chài này tan tành. May mà không có thiệt hại về người. Phần lớn thuyền bè bị hư hỏng".
Những chuyến vượt sông mùa mưa lũ.
Chỉ tay ra phía ngoài sông, ông Hùng nói tiếp: "Mùa mưa bão đã về. Hôm cơn bão số 1 vào đất liền, tuy không vào Hà Nội, nhưng nước từ đầu nguồn vẫn đổ về, nước sông đỏ ngầu chảy xiết ai cũng lo mất bè. Như mấy hôm nay còn đỡ, gặp phải những ngày lũ từ đầu nguồn xả về như hôm trước, ngư dân xóm chài chỉ còn biết gác mái chèo, neo thuyền thật cẩn thận, trông dài cổ cho dòng nước nhanh chóng bình lặng".
"Nhà nào đông con cháu thì nhà đó nhiều mảng bè được kết nối lại với nhau. Khi con cái đến tuổi lập gia đình lại có thêm một chiếc thuyền nữa. Cuộc sống trên sông cứ thế tiếp diễn. Ai cũng biết sống nổi trôi trên mặt nước khó khăn nhưng có mấy ai lên được bờ đâu", ông Hùng tâm sự. |
Chúng tôi lên thuyền của anh Hoàng đang đáp vào mé bờ gần đó. Kể về đời mình, anh bảo: “Cả đời cũng không đủ tiền mua đất xây nhà cho vợ con ở. Ven sông này đã là đất thành phố. Chiếc thuyền này là tài sản giá trị nhất của gia đình. Từ khi lớn lên, tôi đã theo gia đình làm nghề chài lưới trên sông Hồng, phận nghèo nên chẳng chuyên tâm học hành. Nghề chính là mò sắt vụn dưới đáy sông". Anh Hoàng chẳng ở cố định một nơi nào, nay đây mai đó trên sông Hồng. Hôm thì thuyền anh đáp ở khu vực Vĩnh Thịnh, Vĩnh Phúc, hôm thì ở gần cầu Thăng Long, hôm lại đến cầu Thanh Trì.
Hoàng cho biết, ngày nào gặp may, anh mò được khoảng 20 - 30kg sắt vụn đủ các loại bán cho các chủ thu gom với giá 8.000 đồng/kg, thế nên mỗi ngày cũng kiếm được 150.000 - 250.000 đồng. “Giữa lòng sông này lại có cả sắt”, tôi thắc mắc. Anh Hoàng cho biết, do mình mò thủ công chứ ở Ngọc Thụy, Long Biên có cả đội mò sắt chuyên nghiệp, mỗi ngày mò được cả tạ sắt, thậm chí đội này còn mò được cả trái bom tấn. Tuy nhiên, cái giá phải trả là anh Hoàng luôn bị ù tai, một phần do máy nén khí, một phần do lặn vào mùa lạnh lại lặn sâu, khi lên bờ bị chảy máu mũi, tai.
Từ khi mùa lũ về, công việc mò sắt phải dừng vì nước chảy quá xiết, anh Hoàng trở lại với việc bắt từ mớ tôm, con cá, chờ hết mùa lũ để quay lại sở trường mò sắt của mình.