Những má hồng đi phá bom

Rà tìm và phá hủy bom mìn, công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới nhưng tại Quảng Trị, có không ít phụ nữ làm việc này

Một lần đến thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh - Quảng Trị, tôi đã được theo chân họ, những phụ nữ thuộc nhóm cố vấn bom mìn MAG của Anh tại Quảng Trị - đi rà tìm bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Lặng lẽ theo từng mét đất

Sau các thủ tục như điền thông tin nhóm máu, số bảo hiểm, quê quán…, chúng tôi được anh Lê Văn Trà, điều phối hoạt động kỹ thuật của MAG tại Quảng Trị, lên lịch: “Đúng 5 giờ có mặt tại trụ sở MAG để tới hiện trường. Nhưng nói trước là các anh phải tuân thủ các quy tắc của chúng tôi đưa ra nhằm bảo đảm an toàn tính mạng”.

Phải mất chừng nửa giờ , chúng tôi mới tới hiện trường rà phá bom mìn lưu động tại khu phố 6, thị trấn Cửa Việt. Trước khi vào việc, người chỉ huy đội phổ biến ngay: “Theo khảo sát khu vực này có 31 điểm ô nhiễm bom, mìn và chủ yếu là đạn pháo 20-40 mm. Khu vực này có mật độ dân cư dày đặc nên chúng ta phải rất cẩn thận, không cho phát nổ tại chỗ”. Các thành viên của đội MAT 1 được chia thành 4 tổ nhỏ, họ hoạt động rà phá bom mìn tại những điểm riêng lẻ và dưới sự điều khiển qua bộ đàm của người nữ chỉ huy.

Trần Thị Hạnh, 36 tuổi, quê ở xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, có nước da trắng mặc bộ đồng phục của MAG có màu xám, chiếc áo chống đạn và đội nón bảo hộ trông giống những người lính đặc nhiệm chống khủng bố. Một chiếc máy rà tìm bom mìn, một cái xô và một chiếc bay nhỏ là những dụng cụ được chị dùng tìm bom mìn. Xung quanh chị là bãi đất trống nằm sát nhà dân với những chiếc cọc sơn màu đỏ được cố định nhằm đánh dấu khu vực nguy hiểm. Chị nhẹ nhàng bước đi thật chậm cùng với chiếc máy dò đảo qua đảo lại từng centimet đất để dò tìm. Chợt chiếc máy phát ra tiếng kêu báo dưới đất có kim loại và chị nhẹ nhàng ngồi xuống, dùng cái bay nhỏ khơi nhẹ từng nhúm đất. Vừa đào sâu chưa tới 0,2 m, chị Hạnh đã phát hiện ngay một quả đạn pháo 12,7 mm. Bằng những động tác nhẹ nhàng, chị đã đưa quả đạn khỏi lên mặt đất.

Những má hồng đi phá bom - 1

Hai kỹ thuật viên của MAG sử dụng máy rà tìm bom mìn

Trời trưa dần, công việc của chị Hạnh và những thành viên trong đội MAT 1 cứ lặng lẽ theo từng mét đất. Sau những dấu chân mà họ đi qua, các khu vực cắm cọc quét sơn đỏ dần được thay thế bằng những cây cọc sơn màu trắng để cho người dân biết khu đất đó đã sạch bom mìn.

Để quê hương vợi bớt nỗi đau

Trời về chiều, trước khi kết thúc một ngày làm việc, tất cả bom mìn họ tìm thấy được đưa về một khu đất cách xa khu dân cư để hủy nổ. Sau 4 ngày dò tìm, đội MAT 1 đã phát hiện 27 chủng loại vật liệu bom mìn chưa nổ, trả lại mảnh đất sạch bóng “thần chết” cho người dân khu phố 6.

Cách đây 5 năm, anh Nguyễn Văn Nam, chồng chị Hạnh, trong một lần làm rẫy đã cuốc trúng mìn và bị thương. Từ tai nạn đó, chị đã quyết tâm thi vào MAG với mong muốn góp một chút sức mình dọn dẹp bom mìn. “Ban đầu người thân đều can ngăn nhưng sau khi hiểu ra tâm nguyện của tôi thì lại ủng hộ” - chị nói. Với chị, sau một tuần làm việc cực nhọc, niềm hạnh phúc là được sống bên chồng con. “Gia đình tôi ở xa nên một tuần tôi chỉ về nhà 2 ngày” – chị Hạnh tâm sự.

Trong 75 nhân viên kỹ thuật của MAG, đội phó đội MAT 1 Trần Thị Thảo có thâm niên cao nhất với 12 năm gắn bó. Quê ở thành cổ Quảng Trị, chị là một cán bộ phụ nữ phường trước khi gia nhập MAG. Nay trong 4 cấp độ của kỹ thuật viên về rà phá bom mìn thì chị Thảo đã đạt cấp độ 3. Tôi hỏi chị rằng tiếp xúc với bom đạn như thế có sợ không, chị cười: “Bom đạn thì ai chẳng sợ nhưng mình đã được học, đã hiểu nó và mình làm theo đúng kỹ thuật thì sẽ không còn sợ”.

Dày dặn kinh nghiệm, đã từng trực tiếp tháo gỡ rất nhiều quả bom đạn, chị Thảo bảo rằng đây là công việc rất nặng nhọc nhưng người phụ nữ hoàn toàn đảm nhận được vì công việc này đòi hỏi sự cần cù, chịu khó và rất cẩn thận. “Công việc này đi sớm về muộn, hết sức nguy hiểm nhưng may mắn tôi có người chồng cũng làm trong MAG nên luôn sẻ chia, thông cảm” - chị Thảo cho biết.

Hôm chúng tôi đến MAG cũng là lúc các nhân viên góp tiền hỗ trợ chị Nguyễn Thị Lý (34 tuổi, nhân viên kỹ thuật đội MAT 3) đang nằm điều trị bệnh hiểm nghèo tại bệnh viện. Chị Lý quê ở huyện Vĩnh Linh và vào MAG từ năm 2004 nhưng gia đình chị ở tận huyện miền núi Hương Hóa. Dù bị bệnh khá lâu nhưng chị Lý vẫn giấu mọi người và làm việc rất chăm chỉ.

Làm sạch hơn 6,8 triệu m2 đất

MAG - tên viết tắt của Mines Advisory Group, hoạt động tại Quảng Trị từ năm 1999. Tại Quảng Trị, MAG có 29 nhân viên nữ, trong đó có 7 nhân viên trực tiếp xử lý bom mìn. Đến nay, MAG đã rà phá trên 101 hiện trường cố định và lưu động ở 870 thôn với hơn 6,8 triệu m2 được xử lý, giúp hơn1,1 triệu người dân được hưởng lợi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Nhật (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN