Những lý do để TP HCM trở nên đáng yêu quá đỗi
Khi nhắc đến TP HCM, không thể không nhắc đến tính cách đã trở thành bản sắc, đại diện cho vùng Nam bộ: vui vẻ, hào sảng và trượng nghĩa.
Trong quá trình phát triển của mình, TP HCM đã chứng tỏ vì sao có được vị thế như ngày hôm nay. Ngoài lý do là những chủ trương, chính sách được ban hành kịp thời, khoa học, hiệu quả thì yếu tố lối sống, cách hành xử trong các mối quan hệ rất quan trọng để thành phố trở thành nơi quá đỗi mến yêu.
Những phụ nữ đẹp
Sáng sớm, điện thoại của bà Bùi Thị Nở (69 tuổi, ngụ quận 3) reo không ngừng, chẳng cần xem, bà cũng biết đó là cách hối thúc của hội bạn hàng xóm trong "Nhóm phụ nữ đẹp". Mấy năm nay, ngày nào bà cũng cùng chị em trong xóm tập quyền dưỡng sinh để rèn luyện sức khỏe. "Trừ mấy hôm trời mưa hay đau ốm mới không tập, còn bất cứ lúc nào mấy bà gọi cũng nhất định phải đi… Giờ lớn tuổi chỉ biết môn này với các bạn bè làm vui" – bà Nở nói.
Mỗi sáng, những mảng xanh trong thành phố được người dân sử dụng để "tưới mát" tinh thần và thể lực
Cũng như bà Nở, bà Tuyết Hoa cùng hơn 10 người khác là thành viên của "Nhóm phụ nữ đẹp". Bà Hoa cho biết tên nhóm là do mọi người tự đặt vui với nhau chứ ai cũng đã sang tuổi lục tuần. "Mấy người già trong xóm hàng ngày không làm gì nên rủ nhau ra công viên gần nhà tập quyền, có khi cả sáng lẫn chiều để rèn luyện sức khỏe và cũng là nơi để mọi người tâm sự chuyện con, chuyện cháu. Ở đây đều "quen mặt" nên xem nhau như chị em" - bà Hoa cười xuề xòa.
Còn tại công viên Tao Đàn (quận 1, TPHCM) mỗi 6 giờ sáng, chúng tôi chứng kiến sự nhộn nhịp như trong không gian lễ hội. Hàng trăm người nhiều độ tuổi đến đây tập thiền, chạy bộ, đá cầu, đánh cầu lông,... Trên các khoảng sân rộng, những lớp Aerobic đứng thành hàng nhảy múa tưng bừng theo nhịp điệu.
Ở khu vực bên cạnh, nhiều phụ nữ múa kiếm uyển chuyển theo tiếng nhạc Hoa. Ngẫu nhiên, tiếng nhạc phát ra từ mỗi nhóm đôi khi "đối đáp" hoặc "chiều theo ý nhau" với các ca từ như "Cứ ngỡ phút giây tình đắm đuối; Sẽ mãi theo anh muôn đời; OK mình chia tay; Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời…" tạo nên không khí hóm hỉnh, sôi động mà sảng khoái…. Công viên Tầm Vu (quận Bình Thạnh), công viên Gia Định (quận Phú Nhuận)… hoặc thậm chí những khuôn viên nhỏ tại mỗi khu phố, hoạt động phong trào, gắn kết cộng đồng diễn ra sôi nổi không kém.
Môn quyền được nhóm bà Nở tập luyện thành thạo
Buổi sáng là vậy, đến tối, sau quãng thời gian làm việc, lao động, kiếm sống nghiêm túc, người dân lại "xả láng" về tinh thần. Không khó để bắt gặp tại bất cứ đâu hàng loạt dãy bàn cà phê, trà sữa với khách hàng từ già đến trẻ ngồi nhâm nhi, ngước mặt lên bầu trời theo phong cách lãng tử. Tiếng cười nói, ca vọng cổ, "chém gió" rôm rả từ một "điểm nhậu mini" hình thành do vài ông hàng xóm rủ nhau góp rượu, góp mồi, rút xoẹt tiền mua cả chục tờ vé số tặng nhau "lấy hên"… cũng là những hình ảnh dễ thương, quen thuộc.
Coi việc nghĩa như cơm ăn hằng ngày
"Ăn hết mình, chơi nhiệt tình nhưng rất Lục Vân Tiên" là cảm nhận của nhiều người khi đến TP HCM. Theo đó, tinh thần trượng nghĩa là "tài sản" không thể bàn cãi nơi đây. Một trong số "tài sản" đó là ông Nguyễn Đình Lũy (57 tuổi, TP Thủ Đức), người nhiều năm tham gia "hiệp sĩ đường phố".
Nheo mắt rất hóm hỉnh, ông Lũy kể việc tham gia vào nhóm phòng, chống tội phạm của ông bắt đầu từ một "tai nạn" của người khác. Năm 2007, khi bất ngờ chứng kiến một bà cụ bị trấn lột 60.000 đồng tiền xe rồi còn bị đánh, ông bức xúc xông vào can thiệp và can thiệp thành công, từ đó "vào nghề".
Hàng ngày, ông chạy xe máy qua các con hẻm, nếu phát hiện đối tượng có dấu hiệu phạm tội thì ông sẽ ghi lại bằng chiếc camera nhỏ rồi báo cho công an phường cùng giải quyết hoặc lập tức xông vào nếu thấy hành vi phạm tội đang diễn ra. Hơn 10 năm làm "hiệp sĩ", ông đã tham gia khám phá và bắt giữ hơn 1.000 đối tượng. "Những việc trộm cắp, cướp giật, mua bán ma túy, ăn hiếp phụ nữ tôi thấy trái đạo lý nên bất bình lắm. Vẫn biết nhiều tình huống mình đụng độ bất ngờ, lại tay không thì xông vào sẽ nguy hiểm nhưng làm "hiệp sĩ" thì không được phép sợ" – ông Lũy nở nụ cười hào sảng.
Còn tại Khu đô thị làng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, người dân và sinh viên gọi ông Nguyễn Văn Minh bằng tên gọi thân thương "chú Minh cô đơn". Ông Minh không gia đình, quê quán, từ nhỏ đã "cô đơn" nhưng lòng nhiệt tình giúp người luôn đầy ắp. Mỗi ngày ông chạy vài cuốc xe ôm để đủ tiền cơm rồi dồn tâm trí làm việc nghĩa như bơm vá xe miễn phí, bắt trộm, đuổi cướp. Việc nghĩa, như ông nói, như cơm ăn hàng ngày.
Sinh viên gọi ông Nguyễn Văn Minh bằng cái tên thân thương "chú Minh cô đơn"
Sinh viên Trần Thị Mỹ Lan (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) nhớ lại một lần được ông Minh giúp đỡ. Mỹ Lan kể hồi mới từ quê lên lại ký túc xá, xe máy bỏ mấy tháng không đi nên bị khô bình xăng. Dưới cái nắng Sài Gòn gay gắt, Lan và bạn dắt xe đi đổ mà mệt đến phát khóc. "Tình cờ chú Minh chạy đến hỏi thăm tình hình, rồi nhanh nhẹn lấy ống hút trong "thùng đồ nghề cứu người" ra hút xăng chuyển sang xe tôi… Biết tiếng chú là "hiệp sĩ sinh viên" qua báo đài đã lâu, giờ gặp và chứng kiến sự chu đáo của chú, càng thấy cảm phục" – Mỹ Lan nói.
Được biết, ngoài ông Lũy, ông Minh, TP HCM còn rất nhiều bạn trẻ lập những nhóm hành động vì mục tiêu cao thượng như những đội xuyên đêm giải cứu xe máy gặp sự cố, phát thực phẩm cho người dân trong đại dịch, hỗ trợ trẻ cơ nhỡ, tặng quà người vô gia cư mỗi đêm… "Những cách ứng xử hào hiệp trong cộng đồng ấy đã trở thành bản sắc của người Nam bộ nói chung, TP HCM nói riêng từ lâu nay rồi" - Ông Trần Thanh Hùng, một người sinh ra tại TP HCM nhận xét.
Tình người xài mãi không hết Nói về chuyện được vô tư trợ giúp, chị Trương Thanh Hoa (ngụ quận 6) nhắc lại câu chuyện về 100 kg gạo: "Đợt dịch nặng nề của thành phố cũng là thời điểm khó khăn nhất với vợ chồng tôi, nhiều lúc tưởng như gục ngã. May mắn thay chủ trọ thấy được hoàn cảnh đã chủ động giảm tiền thuê, tặng gạo, tặng mì. Cộng số gạo mà các mạnh thường quân khác đem đến, hơn 100 kg. Giờ dịch đã qua, mọi thứ dần đi vào ổn định và tình người thì xài mãi không hết". Cũng theo chị Hoa, TP HCM rất bao dung trước những hoàn cảnh khó khăn từ nơi khác. "Dù lâu lâu trên báo đài thời sự tôi cũng nghe đến mấy vụ lừa gạt, cướp bóc này kia, nhưng suy cho cùng chỉ một nơi có nhiều tính cách phóng khoáng như ở đây mới đủ sức dang rộng vòng tay cho tất cả mọi người" – chị Hoa chia sẻ. |
TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều đơn vị từ thiện đã phải tạm dừng phục vụ tại chỗ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh. Thế nhưng, với tinh thần tương...
Nguồn: [Link nguồn]